Dự báo lạc quan của ngành thép

Trần Anh - 17:44, 08/02/2021

TheLEADERPhục hồi mạnh trong năm 2020, ngành thép cũng được dự báo lạc quan khi nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới.

Dự báo lạc quan của ngành thép

Tập đoàn Hòa Phát vừa báo cáo lãi sau thuế quý 4/2020 đạt 4.661 tỷ đồng, tăng 142% so với cùng kỳ năm trước và cũng là kỷ lục trong lịch sử của doanh nghiệp này. Lũy kế cả năm 2020, Hòa Phát ghi nhận lãi ròng cao kỷ lục 13.506 tỷ đồng, tăng 78%.

Kết quả trên đạt được là nhờ Hòa Phát đưa thêm các lò cao tại Khu Liên hợp Dung Quất vào hoạt động, qua đó gia tăng sản lượng. Giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng cao trong các tháng cuối năm cũng là một nhân tố thuận lợi. Hòa Phát đã nâng giá thép xây dựng10 lần trong hai tháng cuối năm 2020, với mức tăng tổng cộng là 25 - 28%.

Không chỉ riêng Hòa Phát, một ông lớn trong ngành tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục trong quý 4 đạt 572 tỷ đồng, tăng trưởng 216%. Tăng trưởng của Hoa Sen quý vừa qua đạt được là nhờ sản lượng tiêu thụ tăng khoảng 30%, chủ yếu do xuất khẩu tăng 63%. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận tăng do Hoa Sen tích lũy được nguyên liệu HRC giá rẻ trong khi giá HRC trên thị trường ước tính tăng 35% trong quý gần đây lên khoảng 700 USD/tấn vào cuối năm 2020.

Thép Nam Kim thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận sau sau thuế gấp hơn 20 lần trong quý 4, đạt 154 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp chuyển biến từ thua lỗ trong quý 4/2019 thành lãi trong quý cuối năm 2020 như Đầu tư Thương mại SMC, Thép Pomina , Thép Việt Ý, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel).

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ cấu ngành thép. Tiêu thụ trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm, nhưng đã có sự phục hồi đáng khích lệ trong giai đoạn tiếp theo.

Kể từ khi dịch bệnh được kiểm soát thành công bắt đầu từ tháng 5, sản lượng tiêu thụ của 2 loại sản phẩm tôn mạ và thép ống từ tháng 5 đến tháng 11 đã phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng đáng khích lệ này này là nhờ nhu cầu ổn định từ kênh dân dụng; việc đẩy nhanh đầu tư công, với tổng giá trị trong 11 tháng năm 2020 tăng 34% so với cùng kỳ, cũng như giá thép có xu hướng tăng, thúc đẩy các nhà phân phối tích trữ hàng tồn kho.

Hoạt động xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh mẽ từ quý 2, nhờ nhu cầu thế giới phục hồi cùng với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Theo Tổng cục Hải quan, tổng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thép đã tăng 48% so với cùng kỳ trong 11 tháng năm 2020. Sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ mạnh nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, để bảo vệ tăng trưởng GDP trong bối cảnh khu vực tư nhân chững lại. Ngành ô tô phục hồi, do dịch Covid-19 khuyến khích khách hàng chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân và mảng sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm.

Các công ty lớn hưởng lợi nhất từ đà tăng của thị trường. Năm 2020 chứng kiến sự gia tăng thị phần mạnh mẽ của Hòa Phát, từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,5% sau 11 tháng 2020. Điều này là do sự gia tăng công suất từ Khu liên hợp gang thép Dung Quất, cũng như lợi thế cạnh tranh đáng kể về quy mô và chi phí sản xuất so với các đối thủ trong nước. Thị phần của Hoa Sen, công ty sản xuất thép dẹt hàng đầu, cũng tăng từ 30% trong năm 2019 lên 33%.

Trong năm 2021, Công ty chứng khoán SSI nhận định ngành thép dự báo tiếp tục tăng trưởng. Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI. Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn. Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021, được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển.

Tuy nhiên, SSI cho rằng giá thép có thể đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2021 khi nguồn cung dần ổn định (sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong năm 2021, sau khi tăng khoảng 5% trong năm 2020). Sự đảo ngược của xu hướng giá thép hiện tại có thể ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất thép.

Về dài hạn, ngành thép cũng được dự báo lạc quan khi nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Ngoài ra, các công ty như Hòa Phát có thể tận dụng tối đa nguồn cung HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.