Dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

An Chi - 16:04, 03/07/2022

TheLEADERNhiều chuyên gia và tổ chức nghiên cứu kinh tế cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra.

Dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể lên đến 7%.

Dựa trên kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý II/2022 đạt 7,72%, cao nhất trong hơn 1 thập kỷ và dữ liệu lịch sử, Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể lên đến 7%.

Dự báo này đi kèm giả định không có thêm sự gián đoạn nào do dịch bệnh Covid-19 và tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm là khoảng 7,6 -7,8%.

Trước đó, trong bản dự báo tăng trưởng kinh tế quý II/2022 công bố ngày 22/6, UOB dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, phù hợp với kế hoạch của Chính phủ là 6- 6,5%. Dự báo này dựa trên cơ sở tăng trưởng GDP trong quý II/2012 sẽ đạt 6% so với cùng kỳ năm trước và sau đó tăng lên 7,6% trong quý III/2022.

Cùng đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, nếu tập trung triển khai tốt những giải pháp trọng tâm đã đề ra, cùng với tác động của gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, tiếp đà phát triển quý II, tốc độ tăng trưởng quý III/2022 nhiều khả năng đạt cao. 

Nếu quý IV/2022 không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 6-6,5%. 

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 đang phục hồi rất tốt. Với đà tăng trưởng này, việc đạt mục tiêu GDP cho cả năm 2022 là 6 - 6,5% và năm 2023 là 6,5 - 7% là khả thi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định.

Theo các chuyên gia, sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động dịch vụ. Trong nửa đầu năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mức tăng 9,7% trong lĩnh vực sản xuất và mức tăng 6,6% trong hoạt động dịch vụ.

Các dữ liệu cũng cho thấy, các hoạt động kinh tế, xã hội nhìn chung đã trở lại bình thường khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng và việc mở cửa biên giới.

Mặt khác, theo nhận định từ UOB, áp lực lạm phát có thể được kiểm soát vì tác động chính liên quan đến giá năng lượng trong khi giá thực phẩm vẫn được kiểm soát ở mức tốt. 

Tuy nhiên, tổ chức này cũng cho rằng, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế.

Các rủi ro và thách thức bao gồm tác động của xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra ảnh hưởng tình hình địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tăng cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt mang tính cục bộ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể là một rủi ro đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Nhằm đối phó với những rủi ro của tăng trưởng, bà Hương cho rằng, Chính phủ cần chủ động, linh hoạt ổn định kinh tế vĩ mô, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, qua đó hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước.

Kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu cần được xem là ưu tiên hàng đầu do áp lực lạm phát đang là mối nguy cơ lớn cho hoạt động kinh tế 6 tháng cuối năm. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh…

Các cấp, các ngành cần chủ động bám sát tình hình thế giới và trong nước, làm tốt công tác dự báo, xây dựng kịch bản, giải pháp điều hành về giá, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2022 và đầu năm 2023.