Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Phạm Sơn - 11:03, 20/08/2021

TheLEADERThương mại điện tử là giải pháp góp phần giải tỏa bế tắc trong chuỗi cung ứng nông sản hiện nay, đồng thời cũng là giải pháp lâu dài để nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử Sendo.vn.

Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Tính riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dự kiến đến cuối tháng 9, sản lượng lúa thu hoạch đạt khoảng 800 nghìn tấn.

Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện tại lượng lúa tiêu thụ tại Sóc Trăng mới chỉ đạt 100 nghìn tấn, tức là dự kiến còn khoảng 700 nghìn tấn lúa cần tìm phương án tiêu thụ. Cùng với đó, hàng trăm tấn hoa màu cùng hàng ngàn tấn trái cây là lượng nông sản chưa tiêu thụ được của tỉnh Sóc Trăng.

Đợt bùng phát dịch thứ 4 khiến 19 tỉnh thành phía Nam phải áp dụng lệnh giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này gây ra sự khó khăn trong công tác tiêu thụ nông sản bởi “dù nhu cầu rất lớn nhưng nông sản không đến được tay người tiêu dùng”.

Trước cảnh lúa đầy đồng, rau quả đầy vườn mà không bán được, bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng cũng như khu vực miền Tây trở nên điêu đứng. Nhiều nhóm giải pháp đang được các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương triển khai quyết liệt để cứu nông sản miền Tây.

Tỉnh Sóc Trăng là địa phương đi đầu trong việc phân vùng để tìm hướng đi cho nông sản, kết hợp với các biện pháp như phương án 3 tại chỗ, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine cho thương lái, lái xe.

Mặt khác, theo ông Khiêm, một chiến lược quan trọng đang được áp dụng tại tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long là sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để tiêu thụ nông sản.

Với sự giúp đỡ của Tổ công tác 970 thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và một số sàn thương mại điện tử như Sendo.vn, Voso.vn (Viettel), tỉnh Sóc Trăng đã thành công đưa một số sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, góp phần tích cực trong việc khơi thông luồng lưu chuyển nông sản.

Một tổ xúc tiến thương mại cho nông sản cũng được thành lập do chính ông Khiêm làm tổ trưởng. Tổ xúc tiến làm việc trực tiếp, hỗ trợ trực tiếp, giải đáp từng vướng mắc của nông dân cũng như kết nối với thương lái qua một nhóm trò chuyện trên Zalo.

Thế khó khi nông sản “lên sàn”

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen đỏ sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn cho biết, trong bối cảnh giãn cách xã hội, lượng đơn đặt mua nông sản trên Sendo.vn đạt khoảng 10.000 đơn mỗi ngày, tăng khoảng 300% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch.

Điều này là xu thế tương đối dễ hiểu bởi nông sản là một loại hàng thiết yếu, luôn có nhu cầu. Người dân bị hạn chế đi lại, các siêu thị, chợ truyền thống cũng gặp khó trong nguồn hàng, dẫn đến người dân phải đặt mua nông sản qua thương mại điện tử.

Tuy nhiên, thương mại điện tử đối với hàng nông sản lại vấp phải nhiều khó khăn.

Cụ thể, khâu logistics đang là rào cản khó tháo gỡ nhất khi phải trải qua nhiều chốt, trạm, đáp ứng nhiều điều kiện theo nguyên tắc phòng chống dịch. Điều này ảnh hưởng đến độ tươi ngon của nông sản khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Phan Trọng Lê, Tổng giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết, không chỉ hỗ trợ đội ngũ giao hàng về nghiệp vụ, quy trình, trang thiết bị bảo hộ y tế cũng như xét nghiệm và tiêm vaccine phòng Covid-19, VNPost còn phải động viên về tinh thần, làm sao để “anh em sẵn sàng lao vào vùng dịch”, đảm bảo nhu yếu phẩm cho người dân.

Một khó khăn khác đến từ việc làm thế nào để bà con nông dân thay đổi quy trình phù hợp với phương thức bán hàng trực tuyến, từ việc đăng ký sử dụng, chụp ảnh sản phẩm cho đến khâu đóng gói, làm mẫu mã.

Giải pháp trước mắt, hiệu quả lâu dài

Trước tình hình tiêu thụ nông sản đang rất căng thẳng, ông phó giám đốc Sở Nông nghiệp Sóc Trăng vẫn tỏ thái độ tương đối lạc quan.

Theo ông Khiêm, định hướng kinh doanh nông sản qua thương mại điện tử không phải là mới mà đã có chủ trương từ Chính phủ cũng như chính quyền các cấp. Nhiều công việc cần phải tiến hành, từ xây dựng quy trình, hướng dẫn bà con nông dân cho tới những thay đổi về chính sách, cơ chế.

Tuy nhiên, trải qua giai đoạn tắc nghẽn tiêu thụ trầm trọng, những nông hộ thể hiện khả năng thích ứng tương đối nhanh, bắt đầu vận dụng tốt các công cụ số để bán nông sản. Đến nay khoảng 60 mặt hàng nông sản của tỉnh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử.

Không chỉ giúp giải tỏa ách tắc trong tiêu thụ nông sản mùa dịch, ông Khiêm kỳ vọng phương thức bán hàng trực tuyến sẽ được duy trì lâu dài, trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản.

Để làm được điều này đòi hỏi phải xây dựng một chuỗi sản xuất mới, thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp của người nông dân, tạo ra nguồn nông sản chất lượng đạt chuẩn, đồng đều, bên cạnh việc đảm bảo khả năng bảo quản.

Ông Khiêm cho biết đang đề nghị chính quyền tỉnh xây dựng một trung tâm nông nghiệp điện tử, có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào, bà con nông dân và thương lái.

Thông qua trung tâm điện tử này, Sở Nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân chi tiết về việc dùng phân bón nào, dùng thuốc bảo vệ thực vật nào để giảm chi phí nhưng tăng cao chất lượng, hướng dẫn đóng gói và bảo quản.

“Qua đợt dịch này, bà con nông dân thấy dược sự ứ đọng trong tiêu thụ, mới hiểu được đứt gãy chuỗi cung ứng thì khó khăn như thế nào, từ đó thay đổi suy nghĩ trong canh tác, trong sản xuất và bán hàng”, ông Khiêm nhận xét.

Mặt khác, sự vào cuộc của chính quyền, các bộ ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Ông Khiêm đề xuất tạo ra một cơ chế “đa cấp”, người nông dân tham gia trước, có kinh nghiệm sẽ giới thiệu, hướng dẫn cho những nông hộ khác cũng tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử.