Đưa nông sản Việt ra biển lớn

Phạm Sơn - 20:01, 08/07/2021

TheLEADERXây dựng chuỗi giá trị nông sản một cách đồng bộ và bài bản, đảm bảo từ khâu chất lượng cho tới xây dựng thương hiệu là kim chỉ nam cho hướng đi của nông sản Việt trong bối cảnh mới.

Đưa nông sản Việt ra biển lớn
Nông sản Việt Nam rất được ưa chuộng tại những quốc gia phát triển. Ảnh: Tạp chí Tài chính.

Song song với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang từng bước phát triển và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, với tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu tăng đều qua các năm, nhiều mặt hàng được ưa chuộng trên toàn thế giới.

Nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 55% kế hoạch cả năm, chứng tỏ sức chống chịu mạnh mẽ của ngành nông nghiệp trước khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trách nhiệm lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa ngành, đa giá trị, xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc.

“Làm sao để kể cả trong và sau đại dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, cả về an ninh lương thực lẫn đóng góp cho tăng trưởng”, ông Toản nhấn mạnh.

Nâng tầm chất lượng

Có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu nông sản Việt sang các thị trường lớn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, nông sản Việt Nam rất được ưa chuộng tại những quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí vận tải tăng cao làm đội giá nông sản nhưng người tiêu dùng vẫn chọn mua nông sản Việt.

Đây là điều tương đối dễ hiểu bởi Việt Nam nhận được nhiều sự ưu ái của mẹ thiên nhiên, với đất đai, nguồn nước, khí hậu thuận lợi, giúp nông sản đa dạng và thơm ngon.

Hiện tại, quá trình hội nhập kinh tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) với các đối tác quan trọng được ký kết, mở ra những cơ hội mới cho nông sản Việt tiếp tục hành trình chinh phục thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thực sự tạo dựng được dấu ấn, theo ông Tùng, những yếu tố thuận lợi, ưu đãi từ thiên nhiên là chưa đủ, ngành nông nghiệp cần phải có những cải thiện mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

Yếu tố tiên quyết là chất lượng của nông sản, không chỉ tươi, ngon, thơm, ngọt mà còn phải đảm bảo các quy chuẩn, trước tiên là quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó là quy chuẩn tác động tới xã hội hay môi trường. Trong thời đại mới, những quy chuẩn này đang dần trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều quốc gia.

“Người nông dân trồng trọt, canh tác làm sao phải đúng quy chuẩn để đáp ứng mọi thị trường. Theo tôi, chúng ta không nên đặt mục tiêu vào các thị trường dễ tính nữa, thậm chí cả nông sản bán trong nước cũng cần phải làm chuẩn”, ông Tùng nhận xét.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cũng bày tỏ nỗi lo lắng về chất lượng nông sản trong nước đang có hiện tượng không đồng đều. Cụ thể, hiện nay có nhiều tiêu chuẩn đang được đặt ra cho sản xuất nông nghiệp từ mọi cấp độ, từ sản xuất để bán trong nước, sản xuất để xuất khẩu sang thị trường dễ tính cho tới sản xuất để xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Điều này gây ra rủi ro rất lớn nếu nhà nhập khẩu vô tình thu mua nhầm nông sản có tiêu chuẩn thấp, đến khi xuất sang nước ngoài bị trả về do không đáp ứng được yêu cầu.

“Nước ngoài họ không nhìn vào doanh nghiệp nào xuất khẩu, họ chỉ nhìn vào đây là nông sản Việt Nam”, ông Thông đặt vấn đề.

Từ góc độ Nhà nước, ông Toản cho biết chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp là một trong những mũi nhọn của quá trình tái cơ cấu toàn ngành, đòi hỏi nỗ lực vào cuộc của tất cả các bên liên quan, từ người nông dân, doanh nghiệp cho tới địa phương và cơ quan quản lý.

Điều quan trọng nhất để làm được điều này là thay đổi tư duy. Trong thời kỳ mới, không thể giữ mãi tư duy canh tác nhỏ lẻ, được mùa nào hay mùa nấy mà tất cả cấu phần trong chuỗi cung ứng phải có tầm nhìn rộng hơn, hướng tới giá trị bền vững trong nông nghiệp.

Đưa nông sản Việt ra biển lớn
Nông sản Việt bày bán tại siêu thị nước ngoài. Ảnh: Báo Công thương.

Xây dựng thương hiệu

Một vấn đề khác của nông nghiệp Việt Nam được lãnh đạo tập đoàn Phúc Sinh nêu ra là hiện tượng xuất khẩu nông sản với số lượng lớn nhưng chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, tỷ trọng nông sản chế biến, chế biến sâu vẫn còn thấp.

Ông Thông phân tích, điểm yếu này dẫn đến việc Việt Nam dù xuất khẩu nông sản rất mạnh nhưng “không có tên trên danh sách các thương hiệu nông sản nổi tiếng”. Đồng thời, xuất khẩu nguyên liệu thô còn là nguyên nhân khiến tiêu thụ nông sản bị phụ thuộc vào nước ngoài, nguyên nhân sâu xa của nỗi đau “được mùa mất giá”.

Về phía Vina T&T Group, ông Tùng tâm niệm, xây dựng thương hiệu là yếu tố rất quan trọng để nông sản thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường tiêu dùng quốc tế. Theo lãnh đạo Vina T&T Group, thương hiệu giúp nông sản Việt cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp ngoại, thay vì hiện tượng doanh nghiệp xuất khẩu cứ “đạp lên chân nhau”, “bên này chào 4 đồng thì bên kia chào 3 đồng” như hiện tại.

Để xây dựng thương hiệu, ông Thông cho rằng các doanh nghiệp cần “nghĩ lớn”, “làm lớn”, không được “tư duy nhỏ bé ở Việt Nam nữa”. Với tư duy đó, tập đoàn Phúc Sinh rót tiền đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chất lượng cao, chế biến cả nông sản của Ấn Độ, Brazil hay Indonesia rồi bán sang thị trường châu Âu, Đài Loan…

Thiết lập các cơ sở, văn phòng đại diện tại thị trường nhập khẩu cũng là một hướng đi xây dựng và bảo vệ thương hiệu, thông qua “tự mình phân phối hàng của mình”, giữ được sự chủ động và bảo vệ thương hiệu.

Đồng tình với quan điểm đóng góp của các doanh nghiệp, lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản là bài toán nan giải, cần có sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cũng như chính sách bảo hộ nhãn hiệu từ phía Nhà nước.

“Chúng ta phải làm bài bản từ khâu đầu tiên là sản xuất phải đạt chuẩn, cho tới cấu phần cuối cùng là câu chuyện thương hiệu”, ông Toản đúc kết.