Đường đến ESG trong thời đại số

Việt Hưng - 10:47, 27/07/2023

TheLEADERKhi tính bền vững trở nên hữu hình và đo đếm được, đường đến ESG của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng sáng tỏ và mở ra cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh.

Từ xu hướng thành cơ chế bắt buộc

Từ đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cơ chế "Điều chỉnh biên giới carbon" (CBAM), áp thuế nhập khẩu dựa vào hàm lượng phát thải trong sản xuất với các ngành: điện, sắt thép, phân bón, nhôm, xi măng và sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.

Không chỉ riêng EU, cả Mỹ, Canada, Nhật Bản… cũng xây dựng các cơ chế tương tự, để thực hiện các cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tăng trưởng xanh, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, bước đầu đã có một số doanh nghiệp tại Việt Nam đang thực thi ESG nhưng chủ yếu nằm ở nhóm các doanh nghiệp lớn, hoặc có nguồn vốn FDI.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ hơn là các công ty tư nhân/gia đình, hoặc quy mô vừa và nhỏ vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch, chưa có cam kết, ứng dụng ESG chiếm hơn 56% tại Việt Nam, theo số liệu PwC. Bà Nga gọi đây là một thách thức lớn.

Dựa trên góc nhìn nhà đầu tư, chia sẻ tại sự kiện Finovate Innovation Day, ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG của VinaCapital cho rằng, bên cạnh những thách thức thì đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đón nhận dòng vốn phát triển bền vững.

Đường đến ESG trong thời đại số
Ông Vũ Chí Công - Giám đốc ESG của VinaCapital

Theo báo cáo "Cuộc cách mạng quản lý tài sản 2022" của PwC, các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng giá trị tài sản liên quan đến ESG từ 18,4 nghìn tỷ USD vào năm 2021 lên 33,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026.

Giám đốc ESG của VinaCapital cho biết, trước đây các quỹ đầu tư chủ yếu chỉ quan tâm đến những vấn đề liên quan đến lợi nhuận, dòng tiền, khả năng sinh lời.

Đặt trong bối cảnh hiện tại, các quỹ bắt đầu đánh giá cả những rủi ro doanh nghiệp có thể gây ra cho môi trường, cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp dành cho vấn đề phát triển bền vững và lấy đó làm tiêu chí quan trọng để xem xét đầu tư.

Kinh nghiệm thực hành ESG tại Việt Nam

Chia sẻ của lãnh đạo VinaCapital càng có cơ sở trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, sau những cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).

Đầu năm nay, Lego - tập đoàn sản xuất đồ chơi hàng đầu thế giới của Đan Mạch đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy "xanh" đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam, với diện tích 44ha ở Bình Dương, và sẽ bắt đầu sản xuất từ năm 2024.

Ông Preben Elnef - Tổng giám đốc Lego Việt Nam cho biết, lý do chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy "xanh" là do Chính phủ đã đặt mục tiêu không phát thải carbon ròng vào năm 2050.

Bên cạnh đó, công ty đã chọn đặt nhà máy tại tỉnh Bình Dương dựa trên các điều kiện về xử lý rác thải, tiết kiệm nước và năng lượng mặt trời. "Chúng ta cần phải hết sức nghiêm túc về các mục tiêu môi trường của mình", ông Preben Elnef nhấn mạnh.

Đường đến ESG trong thời đại số 1
Ông Morgan Carroll - Giám đốc ESG của Vingroup và VinFast

Đồng tình với quan điểm này, ông Morgan Carroll, Giám đốc ESG của Vingroup và VinFast tin rằng, tính bền vững phải trở nên hữu hình và đo đếm được. Và ESG sẽ cho phép điều đó thành hiện thực.

Năm ngoái, VinFast nhận được đánh giá ESG dành cho doanh nghiệp từ công ty nghiên cứu Morningstar Sustainalytics với số điểm là 23,3 - đánh giá cao nhất (rủi ro thấp nhất) so với các công ty ô tô thuần điện quốc tế khác.

"Chiến lược chuyển từ xe xăng sang xe điện rõ ràng đang góp phần giảm khí thải, nhưng VinFast sẽ không dừng ở đó. Chúng tôi đang phấn đấu để toàn bộ các thành phần của chiếc xe được tái sử dụng", ông Morgan Carroll nói.

Ngoài ra, Giám đốc ESG của Vingroup cũng nêu ví dụ về việc xây dựng các quần thể Vinhomes Ocean Park dựa trên các nguyên tắc cơ bản như: tiết kiệm điện năng, xử lí chất thải nhằm bảo vệ môi trường, ứng dụng năng lượng tái tạo...

Mở ra chìa khóa với ngành fintech

Không chỉ có tác động với yếu tố môi trường, tiêu chuẩn ESG còn đặt ra bài toán an sinh xã hội với ngành fintech. Ông Mads Werner - CEO Ecotek, thuộc Tập đoàn Ecopark cho rằng, nhân lực cũng là một cấu thành quan trọng trong phát triển bền vững.

"Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng vào việc tăng phúc lợi của người lao động và số hóa, điều này giúp mở ra nhiều cơ hội cho sự đổi mới và tăng trưởng", ông Mads Werner nêu quan điểm.

Một sản phẩm của Ecotek là fintech Ekko giúp ứng lương linh hoạt cho người lao động đã được triển khai tại Tập đoàn Ecopark hơn một năm nay. Số liệu thu thập được từ các công ty sử dụng Ekko cho thấy, 70% người lao động có ứng dụng Ekko trong điện thoại, khoảng 20% trong số đó sử dụng rất thường xuyên.

Đường đến ESG trong thời đại số 2
Ông Mads Werner - CEO Ecotek, thuộc Tập đoàn Ecopark

Người lao động thay vì nhận lương vào một ngày cố định trong tháng, giờ đây, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ ứng lương linh hoạt nhằm cải thiện đời sống cho nhân viên cũng như gia tăng hiệu quả tuyển dụng và năng suất làm việc.

Theo CEO Ecotek, những fintech như Ekko giúp doanh nghiệp tạo dựng môi trường làm việc an toàn, để không ai muốn rời đi, đồng thời đề cao yếu tố "S" (viết tắt từ Social - xã hội) trong bộ tiêu chí ESG.

Còn theo chuyên gia của PwC, các fintech có thể tham gia thúc đẩy hoạt động tài chính bền vững bằng yếu tố công nghệ, bắt đầu bằng việc sử dụng dữ liệu minh bạch hóa các thông tin tài chính của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn ESG.

Ngoài ra, fintech cũng có thể tham gia vào bài toán trái phiếu xanh - mở ra cơ hội khai thác nguồn cung vốn chuyên dụng và ngày càng tăng, đồng thời đa dạng hóa và mở rộng cơ sở nhà đầu tư của tổ chức phát hành.

Phía PwC cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu xanh tại ASEAN với 1,5 tỷ USD năm 2021, cao gấp 5 lần so với mức 0,3 tỷ USD năm 2020.

Ước tính cơ hội đầu tư về khí hậu tại Việt Nam có thể lên đến 753 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2030. Điều này cho thấy, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho ngành dịch vụ tài chính liên quan đến vấn đề ESG.