EVFTA và hai sự lựa chọn cho Việt Nam

Đặng Hoa - 09:44, 15/03/2018

TheLEADERHiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế so sánh mà ngoài Singapore không một quốc gia nào trong khu vực ASEAN có được

EVFTA và hai sự lựa chọn cho Việt Nam
Đồng chủ tịch EuroCham Nicolas Audier.

Theo báo cáo về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý IV/2017 và kế hoạch hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong năm 2018, có hơn 900 doanh nghiệp thành viên của EuroCham lạc quan với tình hình kinh doanh và môi trường đầu tư tại Việt Nam trong năm qua.

Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp thành viên EuroCham, có đến 50 - 60% các doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư thêm vào Việt Nam, 36% sẽ duy trì mức đầu tư hiện tại và chỉ 5% doanh nghiệp có xu hướng giảm đầu tư tại Việt Nam.

Ông Gellert Horvath, đồng Chủ tịch EuroCham cho biết, kết quả này cho thấy những kỳ vọng, đánh giá rất tích cực của các doanh nghiệp châu Âu về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua và những triển vọng phát triển trong thời gian tới, đặc biệt liên quan đến những thay đổi trong khuôn khổ pháp lý giúp Việt Nam sớm hoàn thành các cam kết theo Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).

EuroCham dự báo EVFTA sẽ được phê duyệt vào quý 4 năm nay

EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đây được xem là một hiệp định tham vọng nhất mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển.

Theo đánh giá của ông Gellert Horvath, các hiệp định thương mại tự do (FTA) từ lâu đã là động lực chính cho cải cách kinh tế và là công cụ hiệu quả nhất để thúc đẩy thương mại và đầu tư.

EuroCham dự báo EVFTA sẽ được phê duyệt vào quý 4 năm nay

Ông cho biết trong 3 năm qua, EuroCham đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy đàm phán và ký kết hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và châu Âu, hứa hẹn mang lại những tác động tích cực. 

Cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp châu Âu đang có những phản ứng rất tích cực đối với hiệp định này mặc dù một số quy định mới ban hành trong thời gian qua đã có những ảnh hưởng nhất định đến thương mại như Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm nay. 

“Các doanh nghiệp châu Âu nhận thấy rõ Việt Nam là một điểm đầu tư và thương mại tiềm năng, đồng thời là cơ sở để các doanh nghiệp châu Âu kết nối với cộng đồng kinh tế ASEAN”, ông Gellert Horvath nhận định.

Ông Gellert Horvath cho biết hiệp định EVFTA được kết thúc đàm phán từ năm 2015 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Ngày 16/5/2017, Toà án Công lý châu Âu đã có ý kiến chính thức liên quan đến thẩm quyền các FTA của EU. Theo đó, các nội dung về đầu tư gián tiếp và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư (ISDS) sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên, tức là nội dung này phải được cả EU và các quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực.

Động thái này của Toà án Công lý châu Âu được xem là một nguyên nhân khiến quá trình phê chuẩn EVFTA trở nên chậm trễ. Do đó cuối tháng 9/2017, EU đã chính thức đề xuất với Việt Nam việc tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư ra khỏi EVFTA nhằm sớm ký kết và đưa EVFTA vào thực thi.

Như vậy hiện nay, cả Việt Nam và EU đang đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là giữ nguyên và chờ đợi sự phê chuẩn của EU cùng tất cả 28 nước thành viên, hoặc là tách phần danh mục đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp nhà nước - nhà đầu tư thành một hiệp định riêng và để phần còn lại được phê chuẩn bởi riêng Châu Âu.

Ông Joaquim Torrinha, Phó Giám đốc Eurocham cho biết hiện nay, chưa có bất kỳ một quốc gia thành viên châu Âu nào lên tiếng phản đối hiệp định EVFTA; và nếu phương án thứ hai được lựa chọn, triển vọng hiệp định này được hoàn tất ký kết trong năm nay là rất cao. Đây cũng là phương án có khả năng cao được lựa chọn.

EuroCham dự báo EVFTA sẽ được phê duyệt vào quý 4 năm nay 1
Ông Joaquim Torrinha.

Việt Nam phải thay đổi để tận dụng tối đa lợi thế

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phê duyệt và đưa vào thực thi hiệp định EVFTA sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho hoạt động đầu tư và thương mại giữa liên minh châu Âu và Việt Nam. 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tính tăng 0,5% mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng trong khoảng 4-6% mỗi năm. 

Nếu xu hướng này được duy trì đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của VN đến liên minh châu Âu sẽ tăng khoảng 2,6 tỷ USD, và đến năm 2025, EVFTA được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 7-8% theo xu hướng tăng trưởng hiện tại.

Đồng chủ tịch EuroCham Gellert Horvath cũng khẳng định, EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế so sánh mà ngoài Singapore, không một quốc gia trong khu vực có được. Hiệp định này sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

“EuroCham tin tưởng rằng việc phê chuẩn và đưa vào thực thi hiệp định EVFTA sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến số lượng danh mục đầu tư vào Việt Nam từ các nước châu Âu”, đại diện EuroCham nhận định.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh thực hiện các cơ chế để thực thi những quy tắc và cam kết trong các FTA là điều bắt buộc nếu Việt Nam muốn gia nhập vào thị trường toàn cầu và khai thác tối đa khả năng và lợi thế của mình.

Thị trường chung liên minh châu Âu được điều hành bởi những tiêu chuẩn khắt khe nhất về sản xuất, tính bền vững, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Việt Nam chỉ có thể đạt được những điều này khi tham gia vào lực lượng thương mại toàn cầu bằng việc đáp ứng với từng quy tắc thị trường của EU và thể hiện nỗ lực trong việc thay đổi khuôn khổ pháp lý một cách nhanh chóng và hiệu quả.

“Chỉ có thay đổi thì Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa động lực từ hiệp định này và mang đến cho các doanh nghiệp châu Âu cơ hội để đóng góp mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của Việt Nam”, lãnh đạo EuroCham cho biết.

Cuối tháng 10 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã chính thức phạt “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) đối với hải sản Việt Nam, đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam do chưa tuân thủ các quy định IUU. Hành động này của EU từng được cho là có thể ảnh hưởng tới quá trình ký kết EVFTA.

Tuy nhiên, ông Nicolas Audier, Đồng chủ tịch EuroCham khẳng định, việc này sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phê chuẩn và ký kết EVFTA. Dù vậy, lãnh đạo EuroCham cho biết các tổ chức và các thành viên liên minh châu Âu vẫn đang theo dõi những nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện và thực thi khuôn khổ pháp lý.

“Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cho quá trình ký kết và phê duyệt EVFTA được hoàn thành vào quý 4 năm nay một cách thuận lợi; để cả hai bên có thể đạt được những kỳ vọng chung trong đó có việc thúc đẩy một trong những hành lang thương mại liên lục địa tiến bộ nhất trên thế giới”, đại diện EuroCham chia sẻ.

Ông Nicolas Audier cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển, tuy nhiên Việt Nam cũng cần có những thay đổi về mặt cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính bên cạnh những cải cách về khuôn khổ pháp lý, mở cửa thị trường, gỡ bỏ rào cản thương mại và thực hiện các cam kết quốc tế.

Ông tin tưởng Việt Nam sẽ vươn lên đứng đầu trong khu vực và trở thành một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới; cho rằng Việt Nam đã đi được một đoạn đường rất dài và gặt hái được không ít thành tựu nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm phía trước.

Chẳng hạn, xét về chỉ số thuận lợi kinh doanh, Việt Nam vẫn đang đứng sau Malaysia và Thái Lan. Mặc dù đã nhảy 5 bậc lên vị trí 55 trong báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam vẫn đang đứng sau nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Đại diện EuroCham cho rằng, Việt Nam đang thể hiện tốt và không hề kém cạnh so với các quốc gia khác trong khu vực, tuy nhiên tiềm năng vẫn còn rất lớn. Theo đó, với hiệp định EVFTA cùng các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam sẽ có thể hiện thực hóa tiềm năng của mình là một trong những điểm đến thương mại và đầu tư thành công nhất trên thế giới nếu có thể thúc đẩy niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi mong muốn sẽ thấy được những hành động quyết liệt hơn từ phía Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy tính cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế”, đồng chủ tịch EuroCham Nicolas Audier kỳ vọng.