EVN lý giải việc tiền điện tăng đột biến trong tháng 3/2020

Nhật Hạ - 14:51, 12/04/2020

TheLEADERVề việc tiền điện sinh hoạt tháng 3/2020 của người dân tăng cao đột biến, EVN lý giải là do quy luật thời tiết hàng năm, kèm theo việc người dân ở nhà nhiều trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu điện tăng đột biến.

EVN lý giải việc tiền điện tăng đột biến trong tháng 3/2020
Lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước.

Trước phản ánh tiền điện sinh hoạt tăng cao đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết kỳ hóa đơn tháng 4 được tính đúng vào thời điểm chuyển mùa, có tính quy luật thời tiết hằng năm.

Theo đó, ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, theo quy luật thời tiết thì tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, điển hình như tháng 3/2020 còn có một số ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài ở mức trên 35 độ. Do đó, các hộ gia đình sử dụng nhiều các thiết bị làm mát nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn những năm trước đó.

Cụ thể, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng TP. Hà Nội tăng 17% và TP. HCM tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước thắc mắc của khách hàng về tình hình hóa đơn tiền điện, EVN cho biết bên cạnh việc tuyên truyền, các tổng công ty điện lực cũng thực hiện nhiều giải pháp khác để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Cụ thể như thông tin về lượng điện năng tiêu thụ tháng trước để kiểm tra việc sử dụng điện, thực hiện phúc tra chỉ số công tơ do bộ phận độc lập thực hiện với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng.

EVN cũng cho hay đang tăng cường lực lượng các điện thoại viên để tiếp nhận, giải quyết kiến nghị. Trong vòng 24 giờ khi nhận được phản ánh, EVN sẽ cử nhân viên trực tiếp xuống gặp gỡ khách hàng.

Cũng theo EVN, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực và gây nên nhiều khó khăn cho đời sống, sản xuất và kinh doanh, Bộ Công thương đã có đề xuất giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong 3 tháng (từ 1/4/2020 đến 1/7/2020) với tổng mức hỗ trợ lên tới 11.000 tỷ đồng.

Trong đó, đối với khách hàng sinh hoạt, Bộ Công thương đã đề nghị giảm 10% giá các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc thang 4 từ tháng 4 đến tháng 6/2020, số tiền là gần 3.000 tỉ đồng. Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.

Bộ Công thương cũng đề xuất giữ nguyên giá bậc thang từ 300 kWh trở lên vì khách hàng tiêu thụ điện ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Tuy nhiên, do đến nay chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, EVN cho biết vẫn thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.

Thêm nữa, EVN tiếp tục đề nghị khách hàng cần thật sự quan tâm và thực hành tiết kiệm điện. Đơn cử như tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn, trang bị các thiết bị được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, điều hòa nhiệt độ làm mát chỉ đặt từ 26 độ trở lên…

Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên. EVN cho rằng thực hiện điều này không chỉ tiết kiệm điện mà còn rất có ý nghĩa phòng dịch Covid-19 hiện nay, vì ánh mặt trời có khả năng diệt khuẩn rất tốt và sự thông thoáng giúp làm giảm mật độ vi rút, vi khuẩn lây bệnh nếu có.