Fitch nâng hạng tín nhiệm Việt Nam

Dũng Phạm - 21:26, 08/12/2023

TheLEADERTheo Fitch, khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ cũng như việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu giúp tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hôm nay công bố nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam lên mức BB+ kèm theo triển vọng "Ổn định". Đây là thông tin tích cực về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Cụ thể, theo Fitch, việc nâng hạng mới nhất cho Việt Nam phản ánh cho triển vọng trung hạn tích cực, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Hãng xếp hạng tín nhiệm này tin rằng những thách thức kinh tế ngắn hạn xuất phát từ căng thẳng trên thị trường bất động sản, nhu cầu tiêu dùng suy giảm và một số chậm trễ về thực thi chính sách tại Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trung hạn của kinh tế bởi các biện pháp chính sách ban hành được kỳ vọng có thể kiểm soát rủi ro trong ngắn hạn.

Báo cáo của Fitch dự báo triển vọng tăng trưởng GDP trong trung hạn của Việt Nam là tích cực, đạt khoảng 7%/năm. Khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ cũng như việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu giúp tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thêm nữa, quan hệ ngoại giao với Mỹ đã được nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại và thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện tăng lên mức 89 tỷ USD tính đến cuối tháng 9/2023 sau khi giảm mạnh trong năm 2022 cho thấy sự quay trở lại tích cực của dòng vốn và thặng dư thương mại. Fitch kỳ vọng lượng dự trữ này sẽ tiếp tục cải thiện, nhờ thặng dư thương mại gia tăng trong năm 2024 và 2025.

Cấu trúc nợ nước ngoài của Việt Nam cũng thuận lợi bởi phần lớn nợ từ các bên song phương hoặc đa phương. Điều này giúp gánh nặng trả nợ nước ngoài giảm và hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ.

Tăng trưởng kinh tế sẽ giúp duy trì tài chính công ở mức lành mạnh, với nợ Chính phủ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với các quốc gia cùng hạng.

Ngoài ra, xếp hạng BB+ còn chỉ ra các yếu tố khác như rủi ro trong lĩnh vực bất động sản được kiểm soát, hệ thống tài chính có quy mô lớn, chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp và kịp thời của Chính phủ.

Fitch cũng lưu ý một số thách thức đối với kinh tế Việt Nam như các khó khăn về tăng trưởng trong ngắn hạn, các chỉ số về phát triển thấp hơn với những quốc gia trong cùng phân khúc phát triển, …

Theo Fitch, với việc Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ kích thích tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian tới.