FPT đang mang ngoại tệ về Việt Nam như thế nào?

Việt Hưng - 13:27, 09/12/2022

TheLEADERÍt ai biết rằng 20 năm trước FPT từng bước chân ra biển lớn với "ba không" - không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm.

Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tại thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận khối lượng đơn hàng đăng ký mới đạt 18.266 tỷ đồng, tăng tới 40,5% so với cùng kỳ.

Sự đóng góp đến từ thị trường Mỹ (tăng 46%), APAC (tăng 46,6%) và Nhật Bản (tăng 26,4%) mang tới những kết quả rất tích cực, khi doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận 15.249 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.

Đằng sau con số đáng ngưỡng mộ ấy, ít ai biết rằng 20 năm trước FPT từng bước chân ra biển lớn với "ba không" - không thương hiệu, không tiền, không kinh nghiệm.

Năm 1999, FPT mở liên tiếp hai văn phòng ở Mỹ và Ấn Độ nhưng thất bại. Công ty tiêu tốn hàng triệu USD trong 2 năm mà không có được hợp đồng nào. Các văn phòng lần lượt đóng cửa, rút toàn bộ nhân sự về nước. Thậm chí, ban lãnh đạo từng nghĩ đến việc giải tán trung tâm xuất khẩu phần mềm.

"Năm 2000, FPT tiến vào thị trường Nhật Bản, nhưng cũng không có khởi đầu thuận lợi. Các khách hàng đều từ chối vì công ty không có nhân sự biết tiếng Nhật", ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám Đốc FPT chia sẻ.

FPT đang mang ngoại tệ về Việt Nam như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám Đốc FPT

Sau những thất bại liên tiếp, FPT rút ra được công thức thành công tại thị trường Nhật Bản. Bên cạnh sự quyết tâm dấn thân, công ty nhận thức được tầm quan trọng của việc am hiểu về khách hàng, văn hoá, kinh doanh tại nước bạn, thông qua gặp gỡ với các tập đoàn hàng đầu của Nhật như NTT, Sumitomo, Toshiba, Fujitsu, Mitsubishi, Daewa...

Sau chuyến đi, FPT không chỉ đẩy mạnh tuyển nhân sự biết tiếng Nhật, mà toàn bộ ban lãnh đạo công ty cũng phải đi học tiếng Nhật.

Một điểm quan trọng khác cũng được ông Khoa nhắc tới, đó là mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển đã giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ nói riêng xuất hiện tại thị trường Nhật Bản với vai trò và vị thế khác.

"Hiện tại chúng tôi đang làm gì ở thị trường toàn cầu?", Tổng Giám Đốc FPT tiếp lời.

Trong giai đoạn đầu ra thị trường nước ngoài, FPT chỉ làm theo các đơn đặt hàng của khách hàng, có nghĩa khách hàng đưa gì làm nấy.

Nhưng trong 5 năm trở lại đây, FPT đã chuyển dịch sang làm tư vấn, thiết kế, phát triển các dự án chuyển đổi số tầm cỡ, phát triển các giải pháp Make in Việt Nam, Made by FPT - may đo riêng phù hợp với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Năng lực công nghệ của FPT thể hiện qua việc có thể triển khai 24/7 tại 7 quốc gia trên toàn cầu. Đồng thời, FPT đã vượt qua nhiều đối thủ tên tuổi ở Trung Quốc, Ấn Độ.

"Tại châu Âu, chúng tôi đã và đang cùng hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô tô tại Đức với 77 nhà máy trên toàn cầu nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp nhà máy thông minh giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics cũng như vận hành, từ đó giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng", ông Khoa chia sẻ.

Điểm thú vị là nhà máy đầu tiên triển khai các giải pháp này đang được đặt tại Việt Nam. Sau 3 năm triển khai, đây là nhà máy hiện đại nhất của đối tác trên toàn cầu và dự kiến sẽ đóng cửa một số nhà máy ở khu vực châu Âu để tập trung đầu tư, mở rộng quy mô cho nhà máy tại Việt Nam.

FPT đang mang ngoại tệ về Việt Nam như thế nào? 1
Ông Khoa đưa ra 5 đề xuất và cam kết FPT sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam

Một ví dụ khác, theo ông Nguyễn Văn Khoa là FPT đang cùng các công ty năng lượng của châu Âu - nơi đang phát triển nhất về năng lượng tái tạo - triển khai các giải pháp công nghệ quản lý điện gió tối ưu hóa hoạt động, bảo trì cho các trang trại năng lượng gió. Giải pháp này của FPT đang được các công ty ở cả châu Âu, lẫn Mỹ tin dùng.

Trong lĩnh vực xe ô tô điện, một trong những việc quan trọng của ngành này là việc đặt các trạm sạc trên đường. FPT đang hỗ trợ phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện.

"Vậy sau 20 năm ra nước ngoài, FPT đã làm được gì ở thị trường trong và ngoài nước?", lãnh đạo FPT nói.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, việc tích luỹ kinh nghiệm, năng lực công nghệ sau 20 năm làm việc tại nước ngoài giúp FPT trưởng thành về nguồn lực, đảm nhận những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao như: Dự án xử lý lỗi và nâng cấp hệ thống Sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM trong 100 ngày, Hệ thống quản lý thuế TMS, Hệ thống vé tàu điện tử, Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital phục vụ hơn 400 bệnh viện trong nước và 10 bệnh viện tại nước ngoài.

Đồng thời, ông Khoa cũng đưa ra 5 đề xuất và cam kết FPT sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của ngành và của đất nước.

"Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ. Với vai trò tập đoàn tiên phong, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trở thành người đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam tại cả thị trường trong nước và nước ngoài thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, chúng tôi có 5 đề xuất".

Theo ông Khoa, một là Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp. Hai là thúc đẩy phá triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ba là thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ và bốn là đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia. Và năm là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.