Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%.
Tăng trưởng quý IV/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý IV/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011-2016. Xét về góc độ sử dụng GDP quý IV năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 9,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,69%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,50%.
GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Trong đó, mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,01% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm.
Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,1% của năm trước. Ngành xây dựng năm nay duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ năm nay tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm trước nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm năm 2018 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,92 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,78%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,85%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,33%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98% (cơ cấu tương ứng của năm 2017 là: 15,34%; 33,40%; 41,26%; 10,0%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện: Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017); năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nhân trẻ là hành trình tái tạo và kiến tạo không ngừng nghỉ. Sự gắn kết cùng tinh thần dám nghĩ dám làm đã đưa họ từ những ngày đầu khó khăn đến một tương lai mới, nơi mà những người trẻ đang tiếp tục kế thừa và phát huy hệ gen giá trị.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang bùng nổ, có một thực tế không thể phủ nhận rằng nếu không có những doanh nghiệp dám đi trước, những người tiên phong trong việc khai thác tiềm năng du lịch, sẽ không có những điểm đến nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày hôm nay.
Môi trường kinh doanh thực sự thân thiện, an toàn sẽ thuyết phục hàng triệu doanh nhân toàn tâm, toàn ý phát huy hết năng lực, tiên phong đổi mới sáng tạo trên quê hương mình, tham gia giải quyết những công việc trọng đại của đất nước.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sứ mệnh lớn lao phải được đặt lên vai các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân lớn, những doanh nghiệp dân tộc.