Gemadept thu lãi lớn từ cảng biển sau khi từ bỏ logistics

Trần Anh - 09:20, 07/11/2018

TheLEADERSau khi thoái vốn khỏi mảng logistics, mảng cảng biển của Gemadept đã tăng trưởng doanh thu 32% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận gộp đạt mức 38%, tăng mạnh so với mức 26% của 9 tháng năm 2017.

Công ty cổ phần Gemadept là doanh nghiệp Nhà nước đi đầu trong thử nghiệm cổ phần hóa và nay đã trở thành cảng biển tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. 

Với hoạt động chính là cảng biển, logistics và vận tải. Ước tính hệ thống của Gemadept có thể tiếp nhận xử lý 1,46 triệu TEU hàng hóa/năm, tương đương khoảng 10% thị phần. 

Mặc dù vậy, từ đầu năm đến nay, Gemadept đã đẩy mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp khi loại bỏ dần mảng logistics và vận tải được cho là có tỉ suất sinh lời thấp, chỉ tập trung vào mảng cảng biển có tỉ suất sinh lời cao hơn.

Cụ thể, trong quý 1, Gemadept đã bán 51% cổ phần tại công ty TNHH một thành viên tiếp vận Gemadept (vận hành mảng logistics). Bên cạnh đó, công ty cũng thoái vốn khỏi mảng vận tải khi bán 49% cổ phần tại Gemadept Shipping. Gemadept đã ghi nhận một khoản doanh thu tài chính rất lớn, trên 1.500 tỷ đồng cho 2 thương vụ này.

Hoạt động thoái vốn này khiến doanh thu hợp nhất của công ty giảm mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Gemadept công bố doanh thu giảm 30%, chỉ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng so với con số hơn 2.800 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. 

Mặc dù vậy, doanh thu giảm không phải thông tin tiêu cực với Gemadept. Việc tập trung vào mảng kinh doanh lõi là cảng biển có tỉ suất sinh lời cao giúp các cổ đông của Gemadept thu lời tốt hơn. 

Nếu bỏ qua các tác động của hoạt động thoái vốn, mảng cảng biển đã tăng trưởng doanh thu 32% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận gộp đạt mức 38%, tăng mạnh so với mức 26% của 9 tháng năm 2017, qua đó giúp lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính của Gemadept cũng tăng trưởng 11%.

Năm 2018, Gemadept đề ra chỉ tiêu lãi trước thuế hợp nhất 2.130 tỷ đồng gồm 570 tỷ từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, 1.560 tỷ từ chuyển nhượng vốn. Sau 9 tháng, công ty đã thực hiện được 81% kế hoạch năm.

Sau thoái vốn, cảng biển đã trở thành yếu tố chính, chiếm tới 83% tổng doanh thu của Gemadept từ đầu năm đến nay, gần gấp đôi so với thời điểm trước thoái vốn. 

Động lực tăng trưởng của mảng cảng đến phần lớn ở Hải Phòng. Cảng Nam Đình Vũ mới được Gemadept đưa vào hoạt động trong quý 1, và ước đạt khoảng 45% công suất trong giai đoạn 1.

Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, chi phí bán hàng đã chuẩn hóa trong quý 3 sau khi tăng mạnh trong 6 tháng 2018 nhằm hỗ trợ cho triển khai cảng Nam Đình Vũ. Sau khi tăng mạnh lên 75 tỷ đồng trong 6 tháng 2018, chi phí bán hàng trong quý 3 đã giảm mạnh 68% so với cùng kỳ.

Theo dự báo của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) , trong vòng 5 năm tới, Gemadept sẽ giữ được vị trí áp đảo trong lĩnh vực cảng biển với thị phần có thể đạt 26% vào năm 2022, công suất tăng lên 4,4 triệu TEU.