Giải pháp bứt phá cho doanh nghiệp hậu Covid-19

Việt Hưng - 07:28, 11/12/2021

TheLEADERLãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Chuyển đổi số quốc gia gắn liền với đời sống

Trong những năm vừa qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực công cũng như khu vực tư nhân. Nhận thức của xã hội về chuyển đổi số được lan tỏa rất nhanh chóng.

Bên cạnh chất xúc tác đáng kể là đại dịch Covid-19, sự chuyển biến mạnh và tích cực này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chuyên môn và nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - ông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế.

Chuyển đổi số năm 2021 đã bước đầu đạt được một số kết quả, nhất là về nhận thức và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã được nâng cao.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng nhìn nhận vẫn còn rất nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc tồn tại, nhiều vấn đề cần tháo gỡ để tiếp tục triển khai.

Trong đó, trọng tâm để giải quyết các khó khăn là Chiến lược phát triển Kinh tế số, xã hội số, dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021. Các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Chiến lược đã được ban hành để xây dựng Chiến lược, chương trình hành động của mình một cách phù hợp.

Chủ tịch VINASA - ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh, chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực của sống kinh tế xã hội đất nước.

Mỗi người dân và doanh nghiệp đang từng ngày cảm nhận được sự thay đổi sâu sắc đó. Dù vậy, hành trình chuyển đổi số quốc gia để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, đòi hỏi từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân phải nỗ lực vượt qua mọi thách thức, tăng tốc lộ trình và nâng cao hiệu quả hơn nữa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Giải pháp bứt phá cho doanh nghiệp hậu Covid-19
Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Giải pháp thúc đẩy tiêu dùng hậu Covid-19

Theo báo cáo của EY, 89% người tiêu dùng đã tăng tần suất mua hàng trực tuyến, đồng thời hạn chế ra ngoài mua sắm kể từ khi đại dịch bùng phát và chỉ thị giãn cách xã hội được áp dụng.

Sự biến chuyển của xu hướng tiêu dùng buộc doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng để bắt kịp nhu cầu khách hàng và phát triển trong giai đoạn "bình thường mới". Chuyển đổi số Sales - Marketing là giải pháp được ưu tiên giữa thời đại 4.0 "cá nhanh nuốt cá chậm".

Ông Ngô Sỹ Trung - Giám đốc điều hành khối Novaon Tech cho biết, doanh nghiệp trước hết cần triển khai giải pháp công nghệ vào quá trình xử lý dữ liệu. Dữ liệu từ khách hàng sau khi được thu thập và phân tích sẽ có thể làm nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược tốt hơn.

Một doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên dữ liệu (data-driven enterprise) sẽ dễ dàng đánh trúng tâm lý khách hàng và thuyết phục họ lựa chọn thương hiệu. Đây chính là cách giúp doanh nghiệp nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh trên hành trình chinh phục khách hàng.

Giám đốc điều hành khối Novaon Tech nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi mô hình Marketing hiện nay. Để tăng tỷ lệ chuyển đổi và gắn kết với khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp nên chuyển dịch sang mô hình bánh đà (Flywheel) thay vì giữ nguyên mô hình phễu trong Marketing truyền thống.

Ở từng giai đoạn thu hút - tiếp cận - chăm sóc, các hoạt động đều hướng tới mục đích giải quyết nhu cầu và đem tới sự hài lòng tuyệt đối cho khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Hải Sơn - Phó Chủ tịch Tập đoàn Novaon cũng cho rằng chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong Marketing.

Vị lãnh đạo chia sẻ, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động Marketing hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện đối tượng, theo dõi hành vi người dùng tại mỗi điểm chạm và xác định vị trí của họ trong từng giai đoạn của chiến dịch. Từ đó, doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp phù hợp theo kịch bản đã thiết lập.

Đơn cử như việc Novaon đồng hành cùng Sở điện lực Indonesia kêu gọi và tuyên truyền mọi người tiết kiệm điện. Do nhu cầu của người dân đa dạng và biến chuyển thường xuyên, Novaon đã phân tệp khách hàng thành 40 nhóm và cá nhân hoá thông điệp.

Tuy cùng một chiến dịch quảng cáo, nhưng nội dung và hình ảnh gửi đến cho từng nhóm sẽ thay đổi phù hợp với các đặc điểm về nhân khẩu học. Cách làm này không những đem lại hiệu quả cao hơn mà còn tiết kiệm ngân sách lớn cho phía Indonesia.