Giải pháp sắp tới để sản phẩm Việt dễ dàng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

An Nhiên - 13:45, 11/09/2018

TheLEADERNgày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được đăng ký bảo hộ và được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, nhưng cùng với đó là những bài học về việc mất các tài sản trí tuệ do chậm đăng ký, thủ tục rườm rà, nhiều hàng giả hàng nhái kiểu dáng tràn lan trên thị trường nước ngoài khiến sản phẩm Việt gặp rất nhiều khó khăn.

Giải pháp sắp tới để sản phẩm Việt dễ dàng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Đây là một trong những nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có kiểu dáng công nghiệp, đã trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với các tài sản trí tuệ như kiểu dáng của sản phẩm, sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường, ngăn chặn hành vi sao chép trái phép hoặc giả mạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và tạo khả năng sinh lời.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ của từng quốc gia riêng rẻ theo thủ tục của từng nước, dẫn đến nhiều khoản chi phí phát sinh. Đồng thời, các doanh nghiệp hay cá nhân nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ kiểu dáng của mình tại Việt Nam. Điều này đã trở thành một trong những ‘cục đá cản đường’ của các doanh nghiệp xuất khẩu muốn khẳng định thương hiệu sản phẩm trên trường quốc tế.

Trước thực tế đó, một trong những chính sách mà Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ hướng đến là việc tham gia điều ước quốc tế với nội dung đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý.

Theo thông tin trên website của Bộ Khoa học Công nghệ, với đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ, hiện việc gia nhập Thỏa ước Lahay đang được tiến hành các thủ tục liên quan để trình Chính phủ.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hệ thống Lahay được xây dựng nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO với một loại tiền tệ duy nhất, đồng thời giúp chủ sở hữu dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp của mình như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông qua một thủ tục đơn giản. Vì vậy, người nộp đơn không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước cần bảo hộ, do đó tránh được các thủ tục phức tạp và khác nhau của mỗi nước.

Hiện liên minh Lahay có 69 thành viên ký kết. Gần đây, hệ thống này đã ghi nhận thêm sự gia nhập của các thành viên có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Canada.