Leader talk
Gian lận thi cử là tham nhũng giáo dục
Gian lận trong thi cử ở thời nào cũng có, ở quốc gia nào cũng có, nhưng quả thực chưa bao giờ gian lận thi cử gây bức xúc và làm giảm niềm tin vào giáo dục như vụ việc ở Hà Giang, Sơn La.
Sự kiện gian lận trong sửa điểm thi được phát hiện ở Sơn La và Hà Giang gây ồn ào trong dư luận xã hội ngay sau khi kết quả thi vừa được công bố. Dù những người liên quan đã bị khởi tố hình sự, thậm chí đã bị bắt giam nhưng cũng không làm giảm được bức xúc và hoài nghi về tính trung thực của kết quả thi.
Những nhà nghiên cứu giáo dục đại học (ĐH) nhận định Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi từ giáo dục đại học tinh hoa sang giáo dục đại học đại chúng như nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tăng mạnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Liệu gian lận thi cử có phải là “sản phẩm tất yếu” của thời kỳ quá độ này không?
Quá độ từ đại học tinh hoa sang đại học đại chúng: chất không theo kịp lượng
Chỉ trong vòng 10 năm từ 2007 đến năm 2017 (khi Nghị định 46 ra đời siết chặt các điều kiện thành lập trường ĐH mới) số lượng trường ĐH đã tăng từ 139 trường lên 235 trường, trung bình mỗi năm trong giai đoạn này có 10 trường được thành lập, nghĩa là chỉ hơn 1 tháng là có 1 trường ĐH ra đời.
Nếu lùi về trước, sự tăng tốc này còn chóng mặt hơn khi chỉ trong 3 năm 2004–2007 có đến gần 50 trường ĐH mới. (Nguồn số liệu từ Vụ kế hoạch tài chính - Bộ Giáo dục và đào tạo cùng các quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, Cao đẳng 2002 – 2017”, không kể các trường đại học, học viện thuộc khối an ninh, quốc phòng).
Không nói đến một hậu quả hiển nhiên là chất lượng đào tạo không thể nào theo kịp số lượng trường, bản thân việc tuyển sinh của các trường cũng chịu nhiều tác động.
Nếu như trước năm 2002 việc tuyển sinh sẽ do từng trường ĐH tự tổ chức, thì từ năm 2002 ra đời phương thức tuyển sinh 3 chung: chung đợt thi (những trường ĐH có cùng khối thi phải thi chung một đợt), chung đề thi (đã thi cùng một đợt thì phải thi chung đề thi do Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn) và dùng chung kết quả để xét tuyển (thí sinh nếu không trúng tuyển vào trường này có thể dùng kết quả đó để xét tuyển vào trường khác còn tuyển chưa đủ chỉ tiêu).
Việc “nhốt chung tất cả các trường lớn bé vào cùng một rọ ba chung” ban đầu cũng gây khó khăn cho nhiều trường, thậm chí có một số sai sót xảy ra trong quá trình thực hiện nhưng chỉ ở quy mô nhỏ và được xử lý ổn.
Gian lận thi cử cũng có, nhưng chủ yếu về phía thí sinh và mang tính chất đơn lẻ (quay cóp, sử dụng tài liệu, sửa kết quả trên phiếu báo điểm để xét tuyển vào trường khác,…).
Do dùng chung kết quả nên cũng thấy được khá rõ sự phân tầng các trường ĐH trong điểm chuẩn trúng tuyển đầu vào. Đến năm 2014, năm cuối của thời kỳ thi 3 chung có đến gần 50 trường ĐH (chủ yếu là các trường ĐH ngoài công lập) không tổ chức thi nữa mà chỉ xét tuyển thí sinh dự thi ở những trường ĐH khác có tổ chức thi.
Quá nhiều thay đổi thi cử trong thời kỳ “2 trong 1”
Quá trình đại chúng hóa giáo dục ĐH Việt Nam như trên đã đề cập bắt đầu từ năm 2004 khi hàng loạt các trường đại học ra đời. Thế nhưng phương cách tuyển sinh kiểu tinh hoa vẫn tồn tại suốt 10 năm sau đó, vì học sinh muốn vào học đại học bắt buộc phải qua kỳ thi tuyển sinh đại học (ngoại trừ các học sinh xuất sắc được tuyển thẳng theo quy định).
Bước ngoặt lớn trong tuyển sinh đại học là năm 2013 khi lần đầu tiên có 10 trường đại học, cao đẳng được thí điểm xét tuyển từ học bạ trung học phổ thông (THPT) chứ không bằng kết quả kỳ thi tuyển sinh 3 chung.
Đến năm 2014, số lượng trường đại học, coa đẳng xét tuyển từ học bạ THPT tăng lên 62, và khi bước vào kỳ thi “2 trong 1” đầu tiên năm 2015, số lượng trường đại học, cao đẳng xét tuyển từ học bạ THPT đã lên hơn 100 trường, phần lớn là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hoặc các trường khó tuyển sinh. Chưa bao giờ cánh cửa vào các trường ĐH rộng mở như vậy, thậm chí đe dọa nguồn tuyển của các trường cao đẳng, trung cấp và hệ đào tạo nghề.
Có thể nói năm 2004 là mốc khởi đầu cho thời kỳ đại chúng hóa giáo dục đại học Việt Nam, nhưng mãi 10 năm sau, ở kỳ thi THPT quốc gia 2015 mới được chính thức đồng bộ với việc xét tuyển. Tuy nhiên, đến lúc này đã bộc lộ những bất cập do quá trình phát triển quá nóng số lượng trường ĐH.
Dù cánh cửa ĐH mở toang, nhưng nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Trong năm 2017 ở đợt xét tuyển đầu tiên (đợt quan trọng nhất) bình quân các trường chỉ tuyển được 70% chỉ tiêu, chỉ có các trường thuộc khối công an, quốc phòng mới tuyển đủ 100%. Nhìn ở góc độ này thì nguồn tuyển có vẻ cạn kiệt, nhưng nhìn ở góc độ khác, phải chăng là chỉ tiêu tuyển của các trường đã vượt quá nhu cầu người học?
Bên cạnh những bất cập vĩ mô vừa nói có phần “đóng góp” không nhỏ của sự thay đổi liên tục ở mọi khâu trong kỳ thi THPT quốc gia. Từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia đảm nhận 2 mục tiêu là vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT (thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ hàng chục năm trước đó) và làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển (thay cho kỳ thi tuyển sinh ba chung tồn tại từ 2002–2014).
Tuy thống nhất thành một kỳ thi, nhưng về cốt lõi thì kỳ thi gồm 3 khâu liên quan mật thiết với nhau để đáp ứng cả 2 mục tiêu nêu trên, đó là tổ chức thi; đề thi và chấm thi; xét tuyển.
Kỳ thi THPTQG và xét tuyển đại học 2018 được xem là kỳ thi ít có thay đổi nhất trong 4 năm qua, nhưng nếu nhìn lại từ năm 2015 sẽ thấy kỳ thi THPTQG không ổn định trong tất cả các khâu, dù Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) rất nổ lực cải tiến, nhưng chính những cải tiến đó lại nảy sinh những bất cập khác cho kỳ thi và xét tuyển.
Trong khâu tổ chức thi, từ chỗ các trường ĐH đóng vai trò chủ trì ở những năm đầu đến chuyển giao hoàn toàn cho các Sở GDĐT địa phương chủ trì ở 2 năm gần đây. Khâu đề thi có độ khó phập phù, nội dung không ổn định dẫn đến điểm thi năm này cao năm kia thấp. Khâu xét tuyển từ 2015 – 2017 thay đổi xoành xoạch cả về nguyên tắc lẫn kỹ thuật khiến các trường chạy theo không kịp.
Cánh cửa đại học mở toang nhưng gian lận thi cử phát sinh qui mô lớn và có tổ chức
Năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng khoảng 41%. Tuy nhiên nếu tính chung trong độ tuổi 18 – 24, có không đến 30% thanh niên theo học ĐH, nghĩa là Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn đầu của quá trình đại chúng hóa giáo dục ĐH.
Nguyên nhân gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang đã phản ánh phần nào bức tranh chất lượng – số lượng của giáo dục ĐH Việt Nam.
Dù cánh cửa nhiều trường ĐH đã mở toang, nhưng người học vẫn hướng nhiều về những trường đào tạo tinh hoa (ngoại trừ các trường thuộc khối công an, quốc phòng là một hiện tượng đặc biệt của tuyển sinh ĐH Việt Nam so với các nước khác).
Câu hỏi rất đơn giản là thành phần thí sinh nào (tất nhiên cũng là thành phần phụ huynh nào) đã tham gia trong những vụ việc gian lận thi cử động trời đó? Câu trả lời hẵn đã rõ trong những ngày vừa qua với các thông tin trên báo chí, vì chắc chắn không có thí sinh thường dân con nhà nghèo nào nằm trong số hàng trăm trường hợp được sửa nâng điểm.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tuyển sinh ĐH, tôi tin chắc là nếu thực hiện đầy đủ và đúng các quy định thì không thể nào thực hiện được các hành vi gian lận trong mọi khâu thi và tuyển sinh.
Những kẻ thực hiện được hành vi gian lận (thậm chí có thể trót lọt nếu đề thi năm 2018 không quá khó so với năm 2017) hoàn toàn do có sự đồng lõa của nhiều người liên quan trong quy trình thi và (hoặc) do khâu kiểm tra giám sát bị buông lỏng. Như vậy yếu tố con người vẫn là yếu tố then chốt của những vi phạm thi cử ở Sơn La và Hà Giang.
Dĩ nhiên việc sửa nâng điểm thi không chỉ để xét tốt nghiệp THPT (dù trong số thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang có vài thí sinh sẽ không tốt nghiệp với điểm thực), mà chủ yếu là đáp ứng cho các thí sinh năng lực thấp nhưng muốn có điểm thi cao để chui vào những trường “tinh hoa” chỉ xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.
Gian lận trong thi cử ở thời nào cũng có, ở quốc gia nào cũng có, nhưng quả thực chưa bao giờ gian lận thi cử gây bức xúc và làm giảm niềm tin vào giáo dục như vụ việc ở Hà Giang, Sơn La.
Gian lận thi cử không chỉ là một hiện tượng xã hội trong quá trình phát triển giáo dục ĐH, mà phải xem đây là một vấn nạn tham nhũng trong giáo dục, một dạng hối lộ bằng tiền bạc hoặc quyền lợi.
Tất nhiên phải xử nghiêm kẻ đưa hối lộ lẫn người nhận hối lộ để răn đe những những kẻ toan tính vi phạm. Nguy cơ của vấn nạn này không thể kể hết, và sẽ gây hậu quả rất lớn và lâu dài, vì chỉ nhìn vào thành phần các thí sinh dính đến gian lận ở Hà Giang và Sơn La (biết đâu còn một số nơi khác chưa được phát hiện) dễ thấy họ không khó chui sâu leo cao vào hệ thống công quyền nhà nước sau này.
Đã đến lúc giải cứu kỳ thi THPT quốc gia
Bộ GDĐT đã nhanh chóng có phản ứng trong xử lý các sai phạm ở Hà Giang và Sơn La, nhưng dư luận cũng chưa yên tâm vì còn lẫn khuất những hoài nghi về kết quả ở một số nơi khác. Việc giao cho các Sở GDĐT tự rà soát kết quả thi cũng bằng không, vì hoàn toàn sẽ thấy trước là những kẻ gian lận – nếu có – chẳng bao giờ tự tố cáo mình.
Mục tiêu cốt lõi của kỳ thi THPT quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu Nghị quyết hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Kỳ thi THPT quốc gia đã được khẳng định từ trước là sẽ được duy trì ổn định như năm 2017, ít nhất là cho đến năm 2020. Điều này cũng phù hợp với Luật giáo dục hiện hành (và cả với dự thảo Luật giáo dục mới sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2018). Chắc chắn trong những ngày tới Bộ GDĐT sẽ công bố các biện pháp nhằm bảo đảm tính trung thực và độ chính xác công bằng của kỳ thi THPT quốc gia 2019, 2020.
Sự kiện Hà Giang – Sơn La đã đặt ra nhiệm vụ của các trường ĐH phải tự bảo vệ mình bằng cách phải có những phương thức xét tuyển tin cậy hơn. Tuy nhiên sau 13 năm cùng bị nhốt trong rọ tuyển sinh 3 chung, không phải trường đại học nào cũng đủ sức sẵn sàng tự tổ chức các kỳ thi cho riêng mình, và hơn nữa, trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay cũng không nhất thiết phải trở lại thời kỳ mạnh trường nào tuyến sinh cho trường nấy như trước năm 2002.
Các trường đại học lớn có đủ năng lực cần tự đứng ra tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển thí sinh xứng đáng không chỉ cho trường mình mà còn cho một số trường khác tự nguyện cùng liên kết tuyển sinh chung.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM
Gian lận điểm thi ở Sơn La, Hà Giang: Mọi chuyện đã đi quá xa!
Ông Hoàng Nam Tiến: Lãnh đạo tương lai phải làm chủ AI
Ông Hoàng Nam Tiến tin rằng, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), nếu thế hệ sinh viên không khai phá tiềm năng sẽ dễ dàng rơi vào nhóm 90% người bình thường.
Giới trẻ tặng nhau sữa trái cây Mãng Cầu cho ngày mới đầy năng lượng
Không chỉ là thức uống thơm ngon, dinh dưỡng, mỗi chai nước uống sữa trái cây mãng cầu còn là món quà ý nghĩa mà giới trẻ dành tặng nhau, thể hiện sự quan tâm và sẻ chia nguồn năng lượng tích cực.
Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít từ chiều 31/10
Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm đan xen vào chiều 31/10. Tuy nhiên, so với đầu tháng 10, giá xăng hiện tại vẫn tăng khoảng 700 đồng.
Thụy Sĩ muốn đồng hành cùng Việt Nam phát triền bền vững
Doanh nghiệp Thụy Sĩ đang hiện diện tại Việt Nam với nhiều đóng góp cho tiến trình hướng đến phát triển bền vững.
VinFast hợp tác FGF hỗ trợ khách thu cũ xe xăng, đổi ô tô điện
VinFast và đối tác FGF hợp tác triển khai chương trình “Thu cũ - Đổi mới” đặc biệt kể từ ngày 1/11/2024 nhằm hỗ trợ mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi xanh.
Sức hút của nhà ở vừa túi tiền Bình Dương
Các dự án nhà ở vừa túi tiền vùng ven TP. HCM đang cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với cả người mua ở thực và nhà đầu tư.
Tín chỉ carbon chờ pháp lý
Tín chỉ carbon đang được một số đơn vị bán cho nước ngoài nhưng còn nhiều vướng mắc, cần khung pháp lý để đảm bảo thông thoáng.