Doanh nghiệp gặp khó vì Covid-19 được giảm 30% thuế giá trị gia tăng trong 4 tháng cuối năm nay, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền chậm nộp thuế...
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Chính phủ cho rằng việc xem xét, đề xuất thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nhằm ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 là cần thiết.
Do đó, đề xuất giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/9/2021 đến hết 31/12/2021 với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16/9.
Theo đó, lĩnh vực sẽ được giảm thuế này, gồm: vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống; hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; các đại lý du lịch; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí…
Chính sách này nhằm hỗ cho sản xuất kinh doanh đặc biệt là doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, đồng thời kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nêu trên. Số giảm thu ngân sách nhà nước giảm khi áp dụng chính sách này là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Thẩm tra tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến tán thành việc giảm thuế GTGT đối với một số lĩnh vực kinh doanh, trong đó đặc biệt là đối với các dịch vụ vận tải, kho bãi, … để kích thích tiêu dùng và giảm chi phí đầu vào cho nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong thời gian dịch bệnh.
Tuy nhiên, về phạm vi áp dụng, ủy ban đề nghị Chính phủ loại bỏ các hoạt động kinh doanh cung cấp hàng hóa và dịch vụ trên nền tảng trực tuyến trong các lĩnh vực như hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sáng tác… ra khỏi phạm vi áp dụng của chính sách giảm thuế GTGT.
“Điều này là do việc kinh doanh trên nền tảng trực tuyến của những lĩnh vực này vẫn có lợi thế tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh”, ông Cường lý giải.
Ngoài ra, theo Ủy ban thường vụ, “chính sách hỗ trợ thông qua giảm thuế GTGT có thể dẫn đến không đạt mục tiêu chính sách khi người thụ hưởng thật sự không phải là người tiêu dùng mà là các doanh nghiệp, tổ chức trung gian kinh doanh hàng hóa/dịch vụ. Nhất là trong các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức nộp thuế theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu do các đối tượng nộp thuế này chỉ sử dụng hóa đơn bán hàng”.
Vì vậy, Thường trực ủy ban đề nghị Chính phủ nâng cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện quản lý thuế để bảo đảm mục tiêu chính sách. Theo đó, đề nghị bổ sung nội dung sau: “Chính phủ chịu trách nhiệm trong công tác quản lý thuế để bảo đảm người tiêu dùng (người mua hàng hóa/dịch vụ) được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT quy định tại khoản này”.
Cùng với đó, trong tờ trình lần này, Chính phủ cũng đề nghị tiếp tục áp dụng việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 cho các trường hợp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng và giảm so với năm trước đó, như chính sách đã áp dụng trong năm 2020 và đã mang lại hiệu quả hỗ trợ tích cực và được nhiều chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh, hình thức sở hữu (sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản...) thì không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với 2020 trong kỳ tính thuế năm 2021.
Theo Bộ trưởng Phớc, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.
Với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, dự thảo nghị quyết nêu, đối tượng này sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và IV/2021 và quý IV của năm 2021.
Nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội về tăng thêm mức hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ bao quát đến các đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn mà không chỉ phân biệt trong hay ngoài vùng dịch hay khu vực giãn cách. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.
Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Nội dung đề xuất này về thực chất cũng tương tự với việc gia hạn thời hạn nộp thuế còn nợ của doanh nghiệp, tổ chức trong các năm 2020, 2021. Số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ, khó có khả năng nộp ngân sách nên có tác động giảm gánh nặng nợ để họ yên tâm và sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Theo tính toán của Chính phủ, các đề xuất trên sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng, lớn hơn 1.300 tỷ đồng so với đề xuất trước đây. Tính các giải pháp hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất… năm 2021 ước khoảng 140.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Bộ Tài chính cần làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách. Vì nguồn lực có hạn, do đó phải đảm bảo hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục rà soát chính sách tín dụng cho một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong danh sách ưu tiên như hàng không, vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ, các công ty lữ hàng, khách sạn, dịch vụ đang gặp rất khó khăn về dòng tiền.
Thảo luận tại phiên họp hôm nay, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí cho rằng, “sức chịu đựng” của doanh nghiệp thực sự đã giảm mạnh từ đợt dịch đầu năm 2020, đặc biệt là từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 4 vừa qua. Do đó, cần thiết ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội để khẩn trương hoàn chỉnh nghị quyết xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước ngày 1/10/2021.
Tính chung các chính sách đã được thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đang đề xuất bổ sung thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đang gấp rút lấy ý kiến cho gói hỗ trợ thuế, phí có quy mô khoảng 20.000 tỷ đồng. Đồng thời 16 ngân hàng lớn nhất cũng cam kết giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2021.
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.