Grab có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh

Trần Anh - 16:42, 12/12/2018

TheLEADERCục quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết Grab có dấu hiệu vi phạm 2 điều khoản của Luật Cạnh tranh trong thương vụ mua lại Uber.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cho biết đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh Grab mua lại Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam (vụ việc cạnh tranh).

Kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 9, Điều 76 Luật Cạnh tranh đã được Cục trưởng Cục CT&BVNTD ký ngày 30/11.

Căn cứ kết quả xác minh các tình tiết, chứng cứ của vụ việc trong quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD đã xác định vụ việc Grab mua lại Uber có dấu hiệu vi phạm Hành vi không thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 20 Luật Cạnh tranh; và Hành vi tập trung kinh tế bị cấm quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh.

Hiện Cục CT&BVNTD đã hoàn tất việc chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Việc xử lý vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Mục 5, Mục 6, Chương V Luật Cạnh tranh. Theo đó, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể sẽ ra một trong các quyết định, gồm Trả hồ sơ để điều tra bổ sung (trong 60 ngày); Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh; và Mở phiên điều trần để ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trước đó ngày 26/3, Grab công bố mua lại toàn bộ hoạt động của Uber tại Đông Nam Á, đổi lại Uber có 27,5% cổ phần trong công ty sau mua bán và sáp nhập.

Hồi tháng 5, Cục CT&BVNTD công bố kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Theo quy định của Luật Cạnh tranh, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Không chỉ riêng Việt Nam, tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Grab cũng bị điều tra với vi phạm tương tự.

Sau khi thâu tóm Uber, Grab hiện dẫn đầu thị trường gọi xe trị giá 500 triệu USD của Việt Nam. Tuy vậy, gần đây một loạt ứng dụng mới đã tham gia như Go-Viet, FastGo, Be, Aber, Vato và gần đây là Now.

Hồi đầu năm đại diện Grab cho biết, hiện hãng này có 175.000 đối tác tại Việt Nam. Cứ 10 người dân Việt Nam thì có 2 người dùng dịch vụ của Grab. Mục tiêu của công ty này là đến năm 2020, tỷ lệ trên sẽ tăng lên 50%.

Tuy vậy kết quả kinh doanh của Grab tại Việt Nam là "một bức tranh màu tối". Một nguồn tin cho biết Công ty TNHH Grab - đơn vị vận hành Grab Việt Nam đã lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng, tính đến cuối năm ngoái.

Trước đó, theo thông tin từ Bộ Tài Chính, trong 3 năm đầu hoạt động ở Việt Nam, từ 2014 đến 2016, Grab lỗ 938 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng một năm, số lỗ lũy kế của Grab đã tăng gần gấp đôi.