Grab và Be chạy đua cung cấp dịch vụ tài chính trên ứng dụng gọi xe

Việt Hưng - 13:50, 23/05/2019

TheLEADERSau vận tải và giao đồ ăn các ứng dụng gọi xe như Grab và Be đều muốn tham gia vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt là cho vay tiêu dùng thông qua việc hợp tác với các ngân hàng và công ty tài chính

Tham vọng của người khổng lồ Grab

Cuối tháng 8/2018, Grab công bố liên doanh, liên kết với Credit Saison - một trong những công ty tín dụng lớn nhất Nhật Bản. Sản phẩm của thỏa thuận này là sự ra đời của công ty có tên: Grab Financial Services Asia.

Grab Financial Services Asia sau đó tung ra dịch vụ Grab Financial - hoạt động như một fintech trong hệ sinh thái của Grab, có chức năng cung cấp các dịch vụ thanh toán, phần thưởng và dịch vụ khách hàng thân thiết, và đặc biệt là dịch vụ tài chính.

Một tháng sau đó, Grab cũng nhanh chóng công bố mối quan hệ hợp tác chiến lược với Moca - một công ty thanh toán trung gian trên thiết bị di động tại Việt Nam, nhằm triển khai các dịch vụ thanh toán cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp Đông Nam Á.

Động thái này của Grab diễn ra sau khi WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba Group lên kế hoạch mở rộng dịch vụ "tài chính tiêu dùng, cho vay, thanh toán" sang thị trường Đông Nam Á - khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay.

Grab và Be chạy đua cung cấp dịch vụ tài chính trên ứng dụng gọi xe
Từ ứng dụng gọi xe, Grab hợp tác với Ví điện tử Moca để cung cấp dịch vụ tài chính

Mặc dù chưa chính thức tung ra bất kì dịch vụ tài chính, cho vay nào ở Việt Nam, nhưng theo chia sẻ của một số tài xế Grab tại TP. HCM ở thời điểm cuối năm 2018, họ đã nhận được tin nhắn về gói vay từ Grab Việt Nam với mức lãi suất khá hấp dẫn.

Cách làm này khiến nhiều người liên tưởng tới Ant Financial, công ty sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay của Alibaba, khi đơn vị này tung ra các khoản vay mua nhà, ô tô dựa trên cơ sở 450 triệu người sử dụng Alipay, cũng như trên các website thương mại điện tử phổ biến của Alibaba Group.

Theo một nguồn tin thân cận với Grab Việt Nam, gói vay nói trên chỉ là một thử nghiệm ở quy mô nhỏ với các tài xế. Và ít nhiều, dịch vụ này có liên quan tới dịch vụ Grab Financial từng được công bố trước đó.

Không khó để thấy được tham vọng thực sự của Grab, sau khi công ty này đã chiếm được một lượng lớn thị phần lớn ở mảng gọi xe công nghệ ở Việt Nam. Rất có thể, đích đến tiếp theo của Grab là thanh toán trực tuyến và cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung.

Ứng dụng thuần Việt 'Be' muốn dẫn dầu với sự hỗ trợ của ngân hàng

Theo thống kê của Grab, quy mô thị trường thanh toán trực tuyến ở Đông Nam Á lên đến 500 tỉ USD. Còn về khoản cho vay theo thống kê của World Bank, có khoảng 2 tỉ người, chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà hệ thống ngân hàng không thể tiếp cận được. Còn ở Việt Nam, theo báo cáo của World Bank khoảng 40% dân số chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tính đến cuối năm 2017.

Đặc biệt, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Với dân số trẻ và nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam đã gia nhập nhóm có thu nhập trung bình với khoảng hơn 900.000 người chuyển từ nông thôn đến thành thị mỗi năm.

Điều này dẫn đến tiêu dùng cá nhân của Việt Nam cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á với nhiều khoản chi tiêu cho mua ô tô, thiết bị gia đình, điện thoại thông minh, các hoạt động giải trí như du lịch.

Cùng xuất phát từ dịch vụ gọi xe như Grab Việt Nam, ứng dụng Be của Be Group được cho là đã sớm nhận ra tiềm năng của mảng thanh toán, vay tiêu dùng và đang có những động thái quyết liệt nhằm đón đầu xu hướng này trước đối thủ.

Theo một nguồn tin thân cận với Be Group, ngay trong tháng 5/2019 này, có thể ứng dụng gọi xe thuần Việt sẽ tham gia cung cấp các dịch vụ thanh toán, tài chính dành cho khách hàng cá nhân, cũng như tài xế của hãng. Bao gồm các chương trình khách hàng thân thiết, điểm thưởng, hoàn tiền và đặc biệt là vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn...

Rà soát các thông tin về Be, việc ứng dụng này triển khai các dịch vụ tài chính trong tương lai là có cơ sở. Thời điểm ra mắt, Be Group đã công bố hợp tác chiến lược với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho việc hỗ trợ vốn và tài chính sau này, nếu Be có nhu cầu để phát triển hoạt động kinh doanh.

Phía Be hiện từ chối bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu Be có thể nhanh chóng nhập cuộc mảng tài chính tiêu dùng trước Grab Việt Nam, thì có thể xem đây là một lợi thế quan trọng giúp Be vượt lên trong cuộc đua trở thành ứng dụng đa chức năng.

Cuộc chơi mới dành cho các ứng dụng gọi xe

Sau vận tải, thanh toán và giao đồ ăn, không có gì lạ khi các ứng dụng gọi xe như Grab và Be tham gia vào lĩnh vực tài chính, cho vay tiêu dùng. Thực tế, "miếng bánh" này quá màu mỡ. Theo số liệu của Financial Times Confidential Research (FTCR), các khoản vay tiêu dùng của Việt Nam không bao gồm vay thế chấp, chỉ đạt 23 tỉ USD trong năm 2017, tương đương gần 10% GDP cả nước.

Con số này khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan, nợ hộ gia đình của quốc gia này bao gồm cả vay thế chấp, tương đương gần 80% GDP. Mặt khác, FTCR đánh giá người Việt Nam là những người đi vay đáng tin cậy. 

Trong số những quốc gia ASEAN có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thống, người Việt Nam có tỉ lệ được chấp thuận cho vay cao nhất. Năm 2017, 65% dân số Việt Nam cho biết đơn xin vay vốn của họ đều được chấp nhận, mức cao nhất trong khối ASEAN 5.

Số liệu của StoxPlus, đối tác liên kết của Nikkei (công ty mẹ của Financial Times) chỉ ra, nợ tiêu dùng của Việt Nam, không bao gồm vay thế chấp, tăng trưởng trung bình 45%/năm trong giai đoạn 2013 - 2017. Giai đoạn này được ghi dấu bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và đề án chiến lược của ngành ngân hàng nhằm dịch chuyển từ phân khúc tổ chức sang bán lẻ…

Còn theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), các công ty tài chính mới chỉ khai thác được 18 triệu trong số 38 triệu hồ sơ cá nhân. Vì vậy, các công ty fintech và cả những đơn vị như Grab và Be muốn lấp đầy khoảng trống này bằng tiềm lực về tài chính, công nghệ và dữ liệu.

Nhưng cho vay và chuyển tiền là vấn đề nhạy cảm đối với nhiều quốc gia và được quản lý chặt chẽ bởi luật pháp. Điều này giải thích Grab phải hợp tác với ví điện tử Moca để có thể cùng cấp dịch vụ thanh toán trung gian. 

Tuy nhiên, để cho vay, Grab buộc phải liên kết với một ngân hàng hoặc công ty tài chính trong hoặc ngoài nước. Trong khi Be với tư cách là đối tác chiến lược rất có thể đã nhận được cái gật đầu từ VPBank.