GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Có thể phát triển thêm điện than ở mức phù hợp

Phạm Sơn - 13:37, 27/02/2022

TheLEADERThỏa thuận đạt được tại COP26 không có điều khoản về thời điểm chấm dứt phát triển điện than, do đó Việt Nam vẫn có quyền lắp đặt thêm công suất điện than ở mức phù hợp với điều kiện phát triển đất nước.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Có thể phát triển thêm điện than ở mức phù hợp
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học, VIASEE. Ảnh: Tạp chí Kinh tế môi trường.

Tại Hội nghị COP26 diễn ra cuối năm ngoái, thay mặt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đầy tham vọng, tuyên bố với thế giới sẽ đưa phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050. 

Một trong những lý do được Thủ tướng đưa ra để một quốc gia đang phát triển, “mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua” lại đặt mục tiêu cao về biến đổi khí hậu như vậy là do tiềm năng về năng lượng tái tạo.

Lời tuyên bố của Thủ tướng tại COP26 đặt ra câu hỏi lớn về tương lai ngành năng lượng Việt Nam. Liệu năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh mẽ? Liệu điện than có bước vào xu thế “thoái trào”?

TheLEADER đã có buổi trò chuyện với GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế môi trường Việt Nam (VIASEE) để có một cái nhìn rõ nét hơn về ngành năng lượng sau cam kết COP26.

Cân đối các nguồn năng lượng

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kéo theo nhu cầu sản xuất điện tăng theo đáng kể qua các năm. Theo ông, khi đưa ra cam kết đầy tham vọng tại COP26, Việt Nam có đang tự đặt mình vào thế khó khi phải hạn chế nhiệt điện than để đảm bảo mục tiêu giảm phát thải?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Xét trên quan điểm môi trường thì không ai muốn ngành điện xây dựng thêm các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm, phát thải nhiều khí nhà kính.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải hiểu cho nỗi trăn trở của ngành điện cũng như Bộ Công thương khi phải gánh trách nhiệm đảm bảo nguồn năng lượng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như dân sinh.

Xây dựng dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhóm soạn thảo đã phải tính toán, dự báo mức sản lượng điện và công suất lắp đặt rất cao để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện, cũng như phải cân đối công suất của tất cả các loại hình sản xuất điện, từ điện gió, điện mặt trời cho tới điện than, điện khí…

Tất cả những tính toán, cân đối còn phải căn cứ vào chính sách phát triển, quy định hiện hành, tiềm năng có thể huy động, ngoài ra còn vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, kinh phí, nhân lực…

Hiện tại, quy hoạch điện VIII vẫn đang được tiếp tục chỉnh sửa, xem xét, vì vậy chưa thể biết trước được cơ cấu của ngành điện trong tương lai.

Có một lý do để quy hoạch điện VIII tiếp tục được chỉnh sửa, xem xét, chính là cam kết phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050 tại COP26. Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được tại COP26 không có điều khoản về việc chấm dứt điện than mà chỉ là hạn chế, giảm phát triển, lắp đặt thêm các nhà máy điện than.

Do đó, theo tôi, Việt Nam vẫn có quyền lắp đặt thêm công suất điện than ở mức phù hợp với điều kiện phát triển đất nước nhưng mức độ phát triển điện than phải cân nhắc kỹ vì có thể làm tăng mức phát thải khí nhà kính, làm giảm khả năng đạt được cam kết tại COP26.

Sau cam kết tại COP26, Việt Nam đang được định hình như một điểm đến đầu tư bền vững. Theo ông, liệu việc phát triển năng lượng tái tạo có phải là lợi thế hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI, trong bối cảnh nhu cầu bền vững, khử carbon trong chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Bây giờ xu thế phát triển bền vững là định hướng chung của toàn cầu, nghĩa là không có nước nào muốn phát triển nhanh mà không tham gia vào.

Việc phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng chung nên các nước sẽ rất quan tâm đến những nước thực hiện tốt xu hướng này. Như vậy, nếu phát triển tốt năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều tổ chức kinh tế ưu tiên hợp tác phát triển.

Đây chính là một cơ hội quan trọng Việt Nam cần nắm bắt để hội nhập sâu hơn nữa vào chuỗi sản xuất toàn cầu, đẩy mạnh hơn nữa để tăng trưởng đạt mức cao và bền vững.

Hiện nay, Nhà nước đang có những chính sách ưu đãi rõ ràng đối với năng lượng tái tạo nên trong khoảng 10 năm tới, Việt Nam sẽ lắp đặt được mức công suất điện gió, điện mặt trời lớn, góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và đời sống.

Tuy nhiên việc phát triển điện bằng năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, cả về nguồn tài nguyên, nguồn tài chính, công nghệ, kỹ thuật, nhân lực nên giá thành còn cao, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Do đó, để lắp đặt thêm nữa các nhà máy điện năng lượng tái tạo vẫn cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các bên tham gia. Có được điều này, tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều trang trại điện gió, điện mặt trời hơn từ sau 2030.

Không đặt kỳ vọng quá cao vào năng lượng tái tạo

Nhiều nghiên cứu, báo cáo đã chỉ ra tiềm năng lớn của năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hiện tại, ngành này đã phát triển tương xứng với tiềm năng đó chưa?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Theo đánh giá, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đa dạng về loại: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sinh khối... Sau 2020, khả năng phát triển thủy điện nhỏ còn rất ít, không đáng kể, chỉ có năng lượng gió và năng lượng mặt trời được xem là có tiềm năng lớn và đang phát triển khá nhanh.

Tiềm năng năng lượng gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung của Việt Nam đã được nhiều tổ chức, cơ sở quan tâm, đươc các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và công bố kết quả dưới nhiều dạng khác nhau. Bản đồ và những kết quả nghiên cứu về tiềm năng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối đã được xây dựng trình bày ở nhiều bài báo, công trình, hội thảo.

Tuy nhiên, không có nhiều nghiên cứu của các cơ quan quản lý và của các nhà khoa học Việt Nam mà phần lớn là các đề tài do các tổ chức quốc tế tiến hành. Các nghiên cứu đã chỉ ra những vùng có tiềm năng lớn phát triển điện gió, tính được diện tích và khả năng lắp đặt công suất ứng với khoảng giá trị tốc độ gió tại mức độ cao cụ thể. Một số nghiên cứu quốc tế về tiềm năng năng lượng gió từ những năm 2000 nhưng vẫn còn được trích dẫn trong những bài báo gần đây.

Một số nghiên cứu quốc tế về tiềm năng năng lượng gió từ những năm 2000 nhưng vẫn còn được trích dẫn trong những bài báo gần đây.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Tất nhiên, tiềm năng chỉ ở dạng ước tính và khá nhiều vùng đất không có đủ các điều kiện xây dựng trang trại điện gió lớn nên tiềm năng lắp đặt công suất điện cũng sẽ thấp hơn nhiều số liệu được đưa ra bởi các nghiên cứu đó.

Trong thực tế, những vùng có năng lượng gió lớn và điều kiện địa hình, địa chất, vị trí thuận lợi sẽ được ưu tiên khai thác trước nên khó xác định được điện gió đã phát triển tương xứng với tiềm năng đó chưa. Và cũng tương tự như vậy đối với điện năng lượng mặt trời.

Vậy năng lượng tái tạo sẽ phát triển như thế nào trong tương lai tới?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Hiện nay, Nhà nước đang có những chính sách ưu đãi hết sức rõ ràng đối với sản xuất điện gió, điện mặt trời, thông qua việc quy định mức thu mua điện gió, điện mặt trời đủ cao để doanh nghiệp có thể thu được lợi nhuận.

Đối với điện gió, ngay từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Quyết định này được sửa đổi vào năm 2018, theo hướng tăng giá mua điện để hỗ trợ phát triển nhanh điện gió

Tương tự, việc phát triển điện mặt trời cũng được chú trọng. Trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2017 có hẳn chương III về Cơ chế khuyến khích phát triển dự án án điện mặt trời với 4 điều từ Điều 9 đến Điều 12. Nhà nước hỗ trợ mua điện mặt trời với giá khá cao và có ưu đãi khác về thuế, về đất đai nên đã thu hút doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhiều nhà máy với công suất khá lớn.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi của Nhà nước, một yếu tố nữa có thể sẽ giúp điện tái tạo phát triển mạnh mẽ trong tương lai, chính là những tiến bộ về khoa học, công nghệ, có thể làm tăng năng suất phát điện, giảm chi phí xây dựng, vận hành của các nhà máy điện gió, điện mặt trời trong tương lai gần.

Thực tế, vừa qua Việt Nam đã chứng kiến mức đăng ký công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời khá lớn. Những lý do này giúp chúng ta có thể tin năng lượng tái tạo sẽ phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được kỳ vọng.

Tuy nhiên, không thể quá lạc quan vào tiềm năng của năng lượng tái tạo. Tôi đã có công trình nghiên cứu về tiềm năng của năng lượng gió và năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Nghiên cứu này chỉ ra một số điểm hạn chế của 2 loại năng lượng này.

Những thách thức có thể kể đến như sự phân bố tiềm năng không đều và phụ thuộc nhiều vào thời tiết, gây khó khăn cho công tác đấu nối, điều độ vốn khá phức tạp và còn nhiều hạn chế ở Việt Nam.

Việt Nam cũng chưa có nhiều nghiên cứu sâu về khả năng tính toán sản lượng điện từ năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, đối với điện gió, phải tiến hành đo gió ở trên cao, từ 10 – 15 phút cho mỗi lượt đo, liên tục trong ít nhất một năm, phải có đường cong năng lượng của các loại turbin và có phần mềm tính sản lượng điện qua kết quả đo gió đối với mỗi loại turbin gió.

Chỉ khi ước tính được sản lượng điện của một trang trại gió thì doanh nghiệp mới tính được khả năng sinh lợi khi đầu tư. Ở Việt Nam còn thiếu những nghiên cứu, quan trắc loại này.

Phải nhận diện đúng những khó khăn, hạn chế để không quá kỳ vọng hoặc quá lạc quan về khả năng phát triển điện năng lượng tái tạo!
GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Mặt khác, Việt Nam vẫn chưa chủ động được trong việc sản xuất các thiết bị, máy móc cho sản xuất điện gió, điện mặt trời, do đó vẫn phải nhập từ nước ngoài và khi hỏng hóc thì phải chờ vào sự hỗ trợ từ các công ty nước ngoài. Chắc chắn rằng tình trạng này chưa thể khắc phục ít nhất là đến năm 2025.

Một điểm yếu khác bắt buộc phải kể đến là giá thành điện năng lượng tái tạo vẫn cao, chắc chắn sẽ làm tăng giá bán điện, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống.

Theo tôi, chúng ta phải nhận diện đúng những khó khăn, hạn chế để không quá kỳ vọng hoặc quá lạc quan về khả năng phát triển điện năng lượng tái tạo. Thay vào đó, phải cân đối phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh chung của phát triển điện lực quốc gia.

Xin chân thành cảm ơn ông!