Thời khó của nhiệt điện than

Nhật Minh - 09:36, 21/02/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp nhiệt điện than đang phải đối mặt với thách thức từ nhiều phía, như nguồn nguyên liệu đầu vào đắt đỏ hơn, ít nguồn vốn hỗ trợ hơn, hay cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Giá nguyên liệu liên tục tăng cao

Dữ liệu từ Reuters cho biết giá than nhiệt điện của Úc vào tuần đầu tháng này đã gần lên đến mức cao kỷ lục, trong khi chỉ số Newcastle đo lường giá thanh toán trong các hợp đồng ngành than ghi nhận mức tăng nhanh vào hồi giữa tháng, sau khi ghi nhận đỉnh vào cuối tháng 1.

Tại Indonesia - thị trường xuất khẩu than đứng đầu thế giới, giá than cũng ghi nhận mức tăng đáng kể sau khi chính phủ nước này cho phép các mỏ than bán ra trở lại sau lệnh cấm nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

Năm ngoái, giá than cũng liên tục ghi nhận các ngưỡng cao mới, gấp 2 - 3 lần so với thời điểm đầu năm, phản ánh nhu cầu phát điện tăng mạnh, đặc biệt tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như tình trạng nguồn cung bị hạn chế một phần do thời tiết bất lợi, theo nhận định từ World Bank.

Không chỉ than nhiệt điện, giá dầu cũng liên tục thiết lập ngưỡng cao, buộc nhiều quốc gia phải hạn chế xuất khẩu nhiên liệu, hoặc chấp nhận thúc đẩy nhiệt điện cùng nhiều biện pháp khác để có thể đảm bảo an ninh năng lượng khi các nguồn năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng đủ.

Đơn cử, tháng trước, Indonesia đã công bố cấm xuất khẩu than do công ty điện quốc gia của nước này cho biết lượng tồn kho tại các nhà máy trong nước ở mức thấp, theo Reuters.

Một số đơn vị sau đó đã được cấp phép trở lại sau khi đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ bán hàng cho thị trường nội địa – quy định nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm nguồn cung trong nước, gia tăng nguy cơ mất điện.

Tờ Xinhua cho biết Trung Quốc sẽ tăng thêm lượng than cung cấp và hỗ trợ các nhà máy nhiệt điện than hoạt động hết công suất để tạo ra nhiều điện hơn, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng, nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cuối tháng 8 năm ngoái cho biết nếu so với cùng kỳ năm 2020, chi phí mua điện của EVN tăng tới 16.600 tỷ đồng. Nguyên nhân là bởi giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu, và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.

Đơn cử, giá than nhập khẩu bình quân tháng 7 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6/2021, tăng gần 52% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021. So với số liệu bình quân thực hiện năm 2020, giá than nhập khẩu giai đoạn này ghi nhận mức tăng 250%.

Các nguồn vốn hỗ trợ ít dần

Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cam kết nước này sẽ sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài. Mặc dù không đưa ra kế hoạch chi tiết, động thái này có thể hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy điện than tại các nước đang phát triển.

Đơn cử chỉ sau đó vài ngày, Ngân hàng Trung Quốc đã có động thái tiếp theo khi đưa ra thông báo sẽ không còn tài trợ cho các nhà máy điện than mới và các dự án than bên ngoài Trung Quốc, bắt đầu ngay từ đầu tháng 10/2021.

Nếu thông báo của Bắc Kinh nghiêm cấm tất cả nguồn tài chính công tài trợ cho điện than trong tương lai, tất cả 44 nhà máy điện than sẽ có nguy cơ bị hủy bỏ, do thiếu các lựa chọn tài trợ khác, theo đánh giá từ Chương trình theo dõi tài chính công cho điện than toàn cầu của Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM).

Nguyên nhân là bởi đầu năm nay, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã cam kết ngừng cho vay tài chính công đối với điện than ở nước ngoài.

Một số công ty thương mại và ngân hàng ở Nhật Bản đã bắt đầu rút khỏi lĩnh vực than, bao gồm Daiichi Life Insurance, Sumitomo Mitsui Financial Group, Marubeni Corporation, Mitsui &Co., và Mitsubishi Corporation.

Một số tổ chức tài chính tư nhân và công ty của Hàn Quốc trước đó đã tuyên bố chấm dứt ủng hộ các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm KB Financial Group, Shinhan, KEB Hana và Samsung.

Những hành động này đồng nghĩa với việc các dự án điện than tại Việt Nam sẽ ít có cơ hội hơn trong nhận nguồn vốn giá rẻ trong tương lai.

Lý do là trong số 12 dự án nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam đã hoàn thành ký kết thoả thuận vay vốn trong giai đoạn 2015 – 2021, có tới 10 dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bất kể chủ đầu tư và cơ cấu sở hữu của các dự án này như thế nào, theo dữ liệu từ Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA).

Không chỉ vậy, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26 vừa qua, nhiệt điện than sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn năng lượng khác, trong cả công suất vận hành và các chính sách ưu tiên.