Hà Nội muốn gọi ‘đại bàng’, hãy lo cho ‘chào mào, chim sẻ’

Quỳnh Chi - 16:40, 28/06/2020

TheLEADERHoạt động xúc tiến quan trọng và hiệu quả nhất đối với Hà Nội là phải phục vụ các doanh nghiệp và các dự án hiện có một cách tốt nhất bởi “hữu xạ tự nhiên hương”.

Hà Nội muốn gọi ‘đại bàng’, hãy lo cho ‘chào mào, chim sẻ’
Hà Nội đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

405.570 tỷ đồng vốn đầu tư, một con số đáng ngưỡng mộ mà Hà Nội đã đạt được trong Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. Cụ thể, thành phố Hà Nội đã tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án ở các lĩnh vực khác nhau như khu công nghiệp; nhà ở xã hội; khu đô thị, du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

Trong đó, có tới 100 dự án trong nước với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD (vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD); và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp năm lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư bốn năm về trước.

Đồng thời, thành phố Hà Nội cùng các nhà đầu tư đã ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD. Trong đó, 26 có đề xuất của nhà đầu tư trong nước và 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu 229 dự án này có thể được thực hiện thì sẽ tạo được bước đột phá mới cho Hà Nội.

“Nhưng chúng ta thừa hiểu rằng việc ký kết hay trao quyết định, chủ trương đầu tư cần cố gắng một lần, còn nếu để thực hiện thì cần cố gắng 10 lần, 100 lần. Nên chắc chắn thách thức lớn nhất là hiện thực hoá 405 nghìn tỷ đồng mà thành phố đã báo cáo với hội nghị”, Chủ tịch VCCI đặt vấn đề.

Để thực hiện thành công các dự án, đi tiên phong đón đầu tiếp nhận làn sóng đầu tư mới và lan toả ra cả nước, ông Lộc cho rằng, hoạt động xúc tiến quan trọng nhất đối với Hà Nội là phải phục vụ các doanh nghiệp và các dự án hiện có.

“Cùng với việc mời gọi các nhà đầu tư mới, hãy phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp đang ở trong sân và ngoài ngõ nhà mình. Ấy là cách thức xúc tiến hiệu quả nhất vì hữu xạ tự nhiên hương. Chính các doanh nghiệp và dự án đầu tư tại Hà Nội sẽ là những người làm công tác xúc tiến tốt nhất cho thành phố Hà Nội chứ không phải lãnh đạo thành phố. Chính họ sẽ nói lên kinh nghiệm, trải nghiệm và câu chuyện thành công của họ ở Hà Nội, tạo nên sức hút lớn. Hà Nội cần tập trung hiện thực hoá các dự án này”, ông Lộc nói.

Đáng chú ý, Hà Nội đang làm tổ cho đại bàng nhưng cũng phải “đãi thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt”, hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa của thủ đô cũng phải được phát triển tốt như lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói tại Hội nghị Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển.

Câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã lạc hậu, đã cũ. Theo Thủ tướng, Hà Nội ngày nay đã tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Theo công bố của VCCI, Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), hai năm liền xếp thứ chín cả nước, tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012. Trong đó, Hà Nội có ba chỉ số thành phần trong nhóm mười tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, bao gồm: chỉ số về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, và gia nhập thị trường.

Kết quả PCI ghi nhận sự nỗ lực của thành phố Hà Nội đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; khẳng định sự quyết liệt, sáng tạo của chính quyền thành phố trong chỉ đạo điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”.

Tuy nhiên theo ông Lộc, mặc dù tính tiên phong của lãnh đạo cấp thành phố luôn ở nhóm đầu nhưng sự thân thiện của công chức cấp dưới lại chưa được các doanh nghiệp đánh giá cao. 

Do đó, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh truyền lửa cải cách, tạo sức ép cải cách và truyền tinh thần phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp xuống các cấp cơ sở, đến tận từng cán bộ công chức. Ông Lộc đề xuất Hà Nội nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp quận huyện như một số địa phương khác đang làm.

Ông Lộc cũng cho rằng Hà Nội nên thành lập tổ công tác ở địa phương để phối hợp chặt chẽ với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược và thúc đẩy các dự án đầu tư mới để thực sự đóng vai trò dẫn dắt trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam, cũng như đón nhận làn sóng đầu tư trong nước mới từ các doanh nghiệp Việt.

“Số lượng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước cũng rất cao, cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào nguồn lực trong nước và kết hợp với nước ngoài chứ không chỉ FDI. Điều này cho thấy sức mạnh của dân và khu vực tư nhân còn rất lớn, cần khai thông thể chế, thúc đẩy đầu tư”, Chủ tịch VCCI nói.

Ngoài ra, sự đầu tư cần hướng đến phát triển bền vững, trên cơ sở nền tảng của sự hợp tác chứ không phải kêu gọi đầu tư mà “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi”, không có sự kết nối. Ông Lộc cho rằng đây vẫn là điểm yếu trong công tác đầu tư hiện nay.

“Kể cả FDI cũng đang tồn tại như một ốc đảo trong nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp lớn cũng ít khi liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà thường khép kín trong nội bộ của mình”, ông Lộc nhìn nhận.

Thiên thời – địa lợi – nhân hoà

Thủ tướng nêu rõ, với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam mà phải là của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Á.

Chìa khoá để Hà Nội thu hút “đại bàng” FDI 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Vì vậy, giờ đây, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố trong khu vực. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để Hà Nội hiện thực hóa được tầm nhìn đó. Theo Thủ tướng, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải gây dựng được 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.

Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ các cơ chế đặc thù mà Hà Nội đang có như Luật Thủ đô, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội. Chính quyền Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế hãy nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù này như yếu tố thiên thời hiếm có của Hà Nội.

Thứ hai, Hà Nội phải tận dụng tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế của Việt Nam, hẹp hơn là vùng Thủ đô. Theo đó, Hà Nội phải hợp tác liên kết vùng và xem các địa phương là đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba, Hà Nội phải có được “cổ đông chiến lược” cùng đồng hành với chiến lược của mình. Đó chính là các doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi, đặc biệt các giới khoa học, công nghệ. Với danh hiệu Thành phố vì hoà bình đã được trao cách đây hai thập kỷ, “nhân hòa” được Thủ tướng nhận định là yếu tố then chốt nhất với Hà Nội.

Để có được nhân hòa, Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần xây dựng 3 trụ cột quan trọng. Một là kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh, khẳng định được qua sức mạnh kinh tế, quy mô, cấu trúc kinh tế mạnh, môi trường kinh doanh hiệu quả, chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước thích ứng, tính hiệu lực, hiệu quả của thể chế, chất lượng vốn con người và sự phát triển của hệ thống tài chính.

Hai là hun đúc bản sắc, là thành phố đáng sống. Đó là nền văn hóa trải nghiệm, môi trường tự nhiên tốt, hệ thống giáo dục tiên tiến, hệ thống chăm sóc y tế, phúc lợi xã hội tuyệt vời, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại. Bản sắc của Hà Nội là phải bật ra được hình ảnh về Hà Nội trong trí nhớ và trái tim của mọi người, để “dù có đi 4 phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Ba là nuôi dưỡng các giá trị tinh thần, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, được khẳng định qua môi trường khuyến khích các ý tưởng mới, các hoạt động đổi mới sáng tạo, số lượng phát minh sáng chế, hun đúc tinh thần khởi nghiệp hấp dẫn. Thủ tướng cho rằng, Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng này.

Để xây dựng ba trụ cột trên, Thủ tướng cho rằng cần có đội ngũ cán bộ lãnh đạo với năm chữ “tinh” gồm: tinh thông trong công việc, tinh nhuệ trong hành động, tinh gọn về bộ máy, tinh túy về chất lượng cán bộ và tinh ý, hiểu được người dân, doanh nghiệp đang cần gì.

“Tôi cũng mong muốn Hà Nội hành động, thực hiện một cách nhất quán phương châm hợp tác đầu tư và phát triển không để đây chỉ là khẩu hiệu suông. Hợp tác ở đây không chỉ là với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là hợp tác với các địa phương trong vùng thủ đô, với cả nước và quốc tế để phát triển”, Thủ tướng nói.

Thu nhập bình quân đầu người Hà Nội hiện đạt gần 5.500 USD và nếu duy trì được tăng trưởng bình quân 9%/năm thì chỉ sau một thập kỷ tới, Hà Nội sẽ chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Mục tiêu tối thiểu Hà Nội cần đặt ra là phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu 2045 của cả nước ít nhất mười năm, thậm chí 15 năm.

Người đứng đầu Chính phủ đặt đầu bài cho Hà Nội là phải tự tin định vị mình là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Theo Thủ tướng, thành công của Hà Nội cũng chính là thành công chung cho tất cả các địa phương, Vùng Thủ đô cũng như cả nước và ngược lại, “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.