Hai kịch bản và ba rủi ro của thị trường chứng khoán

Phương Anh - 09:40, 31/05/2022

TheLEADERTrong kịch bản lạc quan nhất, VN-Index được dự báo chạm mức 1.614 điểm, với giả định lợi nhuận bình quân (EPS) tăng trưởng 16,5% và mức định giá P/E 16,3 lần.

Trong báo cáo đánh giá về thị trường tài chính Việt Nam mới đây, nhóm nghiên cứu từ Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá chứng khoán Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội, khi nền tảng pháp lý dần hoàn thiện, thị trường ngày càng minh bạch, lành mạnh, tạo tiền đề cho khả năng được nâng hạng. Cùng với đó, kinh tế phục hồi tốt, là điều kiện cho thị trường phát triển.

Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn tồn tại ba rủi ro chính, bao gồm tính kết nối giữa thị trường và nền kinh tế thực có vẻ lỏng lẻo (thậm chí ngược chiều), khi kinh tế tăng trưởng thấp nhưng nhiều chỉ số chứng khoán tăng cao, không loại trừ khả năng thao túng, làm giá.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu tiềm ẩn rủi ro khi còn thiếu minh bạch, chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm, và đã xuất hiện vụ hủy vài đợt phát hành của một số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin.

Ngoài ra, hiện tượng đòn bẩy tài chính tăng nhanh cùng với tâm lý đám đông, yêu cầu giải chấp có thể xảy ra khiến thị trường biến động mạnh mỗi khi có sự kiện liên quan.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu dự báo hai kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2022. Cụ thể, dự báo VN-Index có thể tăng nhẹ (+ 8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực), hoặc giảm nhẹ (-4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực).

Cùng với đó, số tài khoản mở mới dự báo sẽ tăng lần lượt 20% và 30% cho hai kịch bản, với vốn hóa thị trường tăng tương ứng -4% và 8%.

Cụ thể hơn, với thị trường cổ phiếu, sau hai năm (2020 – 2021) bùng nổ về nhiều khía cạnh (quy mô, thanh khoản, số lượng nhà đầu tư F0), triển vọng thị trường năm 2022 được dự báo sẽ điều chỉnh, đi vào ổn định, lành mạnh hơn.

Các yếu tố thuận lợi cho sự tăng trưởng của thị trường gồm kinh tế trong nước phục hồi giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cải thiện mạnh, dư địa phát triển còn lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Thị trường này vẫn đang tiếp tục thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước khi thanh khoản được duy trì ở mức cao, mặt bằng lãi suất có tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, áp lực rút vốn của khối ngoại tăng không đáng kể do tiềm năng, giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam còn hấp dẫn.

Ngoài những yếu tố thuận lợi, các yếu tố rủi ro đến từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường cổ phiếu; nhất là tình hình giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang dần thắt chặt tài khóa, tiền tệ, tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát – điều sẽ tạo thêm áp lực lãi suất tăng, rút vốn của khối ngoại và tỷ giá.

Cùng với đó, tăng trưởng Trung Quốc chậm lại, giảm sức cầu về hàng nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng, và xung đột Nga – Ukraina, các đòn trừng phạt gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng lạm phát và bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự báo sẽ phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh.

Tuy nhiên, thị trường nhiều khả năng sẽ không tăng “nóng” như 5 năm qua khi các quy định của cơ quan quản lý được ban hành theo hướng siết chặt hơn, tiến hành khởi tố một số vụ việc vi phạm công bố thông tin để giảm bớt rủi ro, lành mạnh hóa thị trường.

Với thị trường trái phiếu chính phủ, khối lượng phát hành dự kiến trong năm 2022 sẽ không đổi so với năm trước, do quy mô đáo hạn thấp hơn so với các năm trước.

Với thị trường chứng khoán phái sinh, hiện nay sản phẩm hợp đồng tương lai VN30 vẫn là sản phẩm có tính thanh khoản cao nhất, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ gần như không hấp dẫn nhà đầu tư.

Chính vì vậy, theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian tới, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thị trường nà cần đa dạng sản phẩm bằng cách cho phép giao dịch quyền chọn cổ phiếu, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu, hoặc theo các chỉ số mới ngoài chỉ số VN30, và cấu trúc lại sản phẩm để gia tăng tính thanh khoản.

Mặc dù vậy, các sản phẩm phái sinh này chưa có lộ trình triển khai cụ thể trong năm 2022, nhiều khả năng các nhà đầu tư cần chờ đợi thêm trong trung hạn.

Dự báo thị trường chứng khoán phái sinh năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng thấp hơn và ít biến động hơn đáng kể so với năm ngoái, với giá trị giao dịch bình quân và hợp đồng mở tăng khoảng 20%.