Hai từ tiếng Anh của ông Nguyễn Bá Dương xoa dịu mâu thuẫn tại Coteccons

Trần Anh - 08:55, 02/07/2020

TheLEADER“Chúng ta rất muốn làm việc clear (rõ ràng) và transparent (minh bạch)”, ông Dương nhấn mạnh 2 từ này bằng tiếng Anh, hướng về nhóm cổ đông nước ngoài có mặt tại Đại hội cổ đông của Coteccons chiều 30/6.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7, giá một cổ phiếu CTD của Công ty Xây dựng Coteccons đạt 74.400 đồng, tăng kịch trần so với phiên trước đó. Cổ phiếu Coteccons tăng mạnh sau khi Đại hội cổ đông của công ty diễn ra trước đó một ngày mang về nhiều thông tin tích cực.

Đại hội cổ đông thường niên của Coteccons diễn ra khi mâu thuẫn giữa lãnh đạo cấp cao và nhóm cổ đông lớn đã kéo dài gần một tháng. Trong phiên họp, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương, người vừa qua liên tục nhận được yêu cầu miễn nhiệm từ nhóm cổ đông lớn đã dành riêng gần 10 phút để chia sẻ với các cổ đông.

"Khoảng cách địa lý, bất đồng văn hoá và quan điểm quản trị của các cổ đông lớn và Hội đồng quản trị khác nhau là nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm vừa qua", Chủ tịch Coteccons cho biết.

Cùng với những chia sẻ, ông Dương cũng 2 lần xin lỗi các cổ đông, thừa nhận những tranh cãi gần đây và hoạt động kinh doanh sa sút của Coteccons đều là do lỗi của Hội đồng quản trị.

Sau những mâu thuẫn nội bộ, ban lãnh đạo và cổ đông lớn đã ngồi lại và chia sẻ với nhau. Hội đồng quản trị trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2017 - 2020 sẽ có thêm hai thành viên là nhân sự của Kusto và The8th, thay thế hai thành viên người Việt Nam. Các thành viên Hội đồng quản trị sẽ chọn thêm một số chuyên gia vào cùng đóng góp ý kiến, phản biện để khôi phục hoạt động kinh doanh.

Hai từ tiếng Anh của ông Nguyễn Bá Dương xoa dịu mâu thuẫn tại Coteccons
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Coteccons.

“Chúng ta rất muốn làm việc clear (rõ ràng) và transparent (minh bạch)”, ông Dương nhấn mạnh 2 từ này bằng tiếng Anh, hướng về nhóm cổ đông nước ngoài đang có mặt tại đại hội.

Thái độ cầu thị của ông Dương giúp đại hội cổ đông diễn ra trong không khí yên bình, khác hẳn với những lùm xùm và căng thẳng những ngày trước khi sự kiện diễn ra.

Trong cuộc họp, những cổ đông ngoại lại tiếp tục dành lời ‘có cánh’ cho ông Dương và ban lãnh đạo Coteccons, giống như những gì đã từng nói vào thời điểm mới đầu tư cách đây 8 năm.

Ông Bolat Duisenov, đại diện cho nhóm cổ đông Kusto cho biết các văn bản cáo buộc một số thành viên Hội đồng quản trị có xung đột lợi ích trước đây chỉ nhằm mục đích minh bạch việc quản trị, đồng thời khẳng định lại không có việc Kusto muốn thâu tóm Coteccons như lời đồn trên thị trường.

"Chúng tôi không muốn can thiệp sâu mà chỉ có nhu cầu mang kinh nghiệm thực hành những thông lệ quản trị tốt nhất của quốc tế vào làm Coteccons", ông Bolat nói.

Ông Ngô Thanh Tùng - đại diện Công ty TNHH MTV Kinh doanh và đầu tư Thành Công, nhà đầu tư nắm 14,5% và cũng thuộc “nhóm Kusto” cho biết nhóm này sẽ tiếp tục tôn trọng những người đã đóng góp cho sự phát triển của Coteccons. Sự khác biệt quan điểm trong thời gian qua nên được nhìn nhận là tiền đề cho sự phát triển thay vì bước ngoặt đưa đến các mâu thuẫn.

Động thái nhường bước của ông Nguyễn Bá Dương và ban điều hành Coteccons đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu ban quản trị của công ty. Các cổ đông đã thông qua tờ trình bầu ông Bolat Duisenov – Tổng Giám đốc Kusto Việt Nam và ông Herwig Guido H. Van Hove – Giám đốc điều hành The8th Pte Ltd (The8th) vào HĐQT Coteccons nhiệm kỳ 2017 - 2020, thay thế công Nguyễn Sỹ Công và Trần Quyết Thắng. Ông Dương tiếp tục giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Coteccons.

Trong một động thái khác, ông Nguyễn Bá Dương cũng đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT Ricons, công ty xây dựng là tâm điểm của cuộc xung đột vừa qua. Trong đơn từ nhiệm, ông Dương cho rằng mình không thể hoàn thành tốt vai trò Thành viên HĐQT tại Ricons nên mong HĐQT chấp thuận và lựa chọn người thay thế. Đơn từ nhiệm được viết vào ngày 22/6.

Việc sắp xếp nhân sự tại Coteccons còn diễn ra ở Ban kiểm soát khi tờ trình bãi nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát và bầu người thay thế được rút khỏi chương trình của Đại hội cổ đông. 

Năm 2020, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận hợp nhất năm nay lần lượt đạt 16.000 tỷ đồng và 600 tỷ đồng, tương ứng giảm 32% và 15% so với năm trước.

"Chúng ta phải thay đổi chiến lược. Sắp tới 50% lợi nhuận sẽ từ xây lắp, 50% từ những mảng khác", ông Dương nói và cho rằng ý tưởng, năng lực sẽ mạnh hơn khi có nhân sự mới vào hội đồng quản trị.