Hai tuần gay cấn của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung

Lam Linh - 15:19, 20/03/2019

TheLEADERTriển vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn mịt mờ khi dấu hiệu tích cực và tiêu cực đều hiện hữu nhiều như nhau.

Hai tuần gay cấn của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung
Nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ là lời hứa Trung Quốc đưa ra nhằm đổi lại dỡ bỏ gia tăng thuế quan lên hàng xuất khẩu của nước này. Ảnh: CNN Money

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lighthizer dự kiến sẽ tới Bắc Kinh đầu tuần sau (25/3) để thảo luận nhằm đi tới một thỏa thuận giữa hai quốc gia. Phái đoàn Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu theo kế hoạch sẽ tới Washington vào tuần tiếp theo để đàm phán thêm.

Những nỗ lực đàm phán tiếp tục được kéo dài trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc còn nhiều bất đồng liên quan đến các cơ chế thực thi trong thỏa thuận cuối cùng cũng như sở hữu trí tuệ và công nghệ.

Theo CNN, hai bên hy vọng sẽ đạt được và ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 4 tới nhân hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago (Florida). Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy sự lạc quan đối với tiến trình thương mại với Trung Quốc sau khi kết thúc cuộc họp báo mới đây.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tham gia vào nhiều cuộc đàm phán chuyên sâu nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận tiến tới dỡ bỏ gia tăng thuế quan và đổi bằng việc gia tăng mua hàng hóa của Trung Quốc.

Người đứng đầu Nhà Trắng kỳ vọng một thỏa thuận với Trung Quốc có thể thúc đẩy thị trường chứng khoán và nâng cao cơ hội tái đắc cử. Ông Trump đã kéo dài thời hạn nâng thuế đối với 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu Trung Quốc nhưng cũng khẳng định, ông vẫn có thể sử dụng biện pháp này nhằm thúc đẩy chương trình thương mại của mình.

Vị tổng thống thậm chí còn đe dọa rút khỏi đàm phán với Bắc Kinh nếu các điều khoản trong thỏa thuận không làm ông thỏa mãn.

Theo thông tin từ Bloomberg, không ít nhà đàm phán Mỹ lo ngại Trung Quốc đang quay lưng với những đề xuất được Washington đưa ra khi phía Bắc Kinh thay đổi lập trường về điều chỉnh chính sách sở hữu trí tuệ vốn đã được nhất trí giữa hai bên.

Sự thay đổi này được nhận định xuất phát từ viễn cảnh thuế quan có thể vẫn bị gia tăng từ phía Washington.

Bloomberg cũng cho biết phía Trung Quốc đã rút lại lời hứa ban đầu về bảo vệ dữ liệu ngành dược, không đưa ra chi tiết kế hoạch về cải thiện liên kết bằng sáng chế và từ chối nhượng bộ trong vấn đề dịch vụ dữ liệu. Bắc Kinh còn tìm cách đảm bảo quy định trong thỏa thuận thương mại nếu có phải phù hợp với luật pháp nước này.

Không chỉ vậy, Trung Quốc đang xem xét loại bỏ dòng máy bay 737 MAX của Boeing ra khỏi danh sách hàng hóa Mỹ có thể mua nếu đạt được thỏa thuận thương mại.

Sự nghi ngại về tính an toàn của Boeing 737 MAX sau hai vụ rơi máy bay trong chưa đầy nửa năm đã khiến Trung Quốc cân nhắc bỏ sản phẩm này ra khỏi danh sách mua để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ hoặc thay thế bằng một loại sản phẩm khác của hãng này.

Nếu 737 Max bị loại bỏ, Trung Quốc sẽ khó lòng thực hiện được lời hứa giảm thặng dư thương mại với Mỹ và trong viễn cảnh tồi tệ hơn, có thể khiến thỏa thuận thương mại xa tầm với.

Máy bay là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mang về nhiều tỷ USD mỗi năm cho nước Mỹ. Trong đàm phán thương mại, máy bay đóng một vai trò quan trọng trong lời hứa của Trung Quốc về mua thêm hàng hóa Mỹ, bên cạnh đậu tương và khí đốt.