Hai xu thế đối nghịch trong tuyển dụng nửa cuối 2021

Minh Nhật - 08:39, 24/07/2021

TheLEADERHoạt động tuyển dụng trong các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong nửa cuối năm 2021.

Trong quý II/2021, do vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đang tạm hoãn việc tuyển dụng hoặc tuyển rất ít, theo đánh giá của Navigos Search trong báo cáo mới nhất về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao.

Trong khi đó, một số ngành nghề lại cho thấy nhu cầu tuyển dụng cao như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin.

Các ngành tạm ‘đóng băng’ tuyển dụng thời gian tới

Theo quan sát của Navigos Search, ngành điện tử, cơ khí và đồ gỗ khu vực phía Nam sẽ hạn chế tuyển dụng trong vòng 6 tháng tới.

Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh phức tạp tại các nước châu Âu và Mỹ thời gian qua, nhu cầu hàng hóa tại các nước này giảm, dẫn đến việc xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ từ Việt Nam sang gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này tiếp tục bị ảnh hưởng bởi diễn biến dịch Covid-19 tại thị trường trong nước.

Điều này dẫn đến việc sản xuất cầm chừng và doanh nghiệp trong mảng này hạn chế tuyển dụng ít nhất trong vòng từ 3 – 6 tháng tới.

Một số các vị trí đăng tuyển đều là các quản lý cấp trung bao gồm quản lý nhà máy – kỹ sư trưởng và các vị trí giám sát.

Ngành dược và thiết bị y tế cũng được dự báo sẽ giảm tuyển dụng trong thời gian tới.

“Các khách hàng trong mảng thiết bị y tế đang cho thấy họ chỉ duy trì quy mô nhân sự như hiện tại. Các công ty đa quốc gia có dấu hiệu tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh do dịch Covid-19. Một số các công ty đang thu hẹp hoạt động và tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, đồng thời không tuyển nhân sự mới”, Navigos Search cho biết.

Một đặc điểm của lĩnh vực này là các doanh nghiệp chỉ tuyển các ứng viên người Việt. Đối với các vị trí quản lý, ngay cả quản lý cấp cao, nhiều doanh nghiệp còn yêu cầu tuyển dụng các ứng viên thuộc thế hệ 8x, thậm chí 9x.

Dự kiến trong quý III/2021, các doanh nghiệp thuộc mảng này vẫn tuyển các vị trí marketing và bán hàng.

Ngoài hai ngành trên, các doanh nghiệp mảng sản xuất hàng tiêu dùng nhanh hoạt động cầm chừng do tập trung chống dịch, dẫn tới việc tuyển dụng bị hoãn hoặc hủy.

Việc hoạt động với công suất thấp ảnh hưởng khá nhiều đến công tác tuyển dụng của doanh nghiệp. Nhiều ứng viên đang trong vòng phỏng vấn với khách hàng bị hoãn phỏng vấn cho các vòng tiếp theo hoặc thậm chí bị hủy.

Bên cạnh đó, vì lý do an toàn nên ứng viên trong mảng này sẽ không ưu tiên thay đổi công việc ít nhất cho đến hết năm nay. Chính vì vậy, các vị trí doanh nghiệp rất cần tuyển thì nguồn cung ứng viên lại rất hạn chế.

Dự kiến mảng thương mại vẫn tiếp tục tuyển dụng, nhưng mảng sản xuất sẽ “đóng băng” tuyển dụng hoặc tuyển rất ít trong thời gian 6 tháng tới.

Những lĩnh vực cao điểm tuyển dụng

Navigos dự báo quý này sẽ tiếp tục là cao điểm tuyển dụng trong mảng ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Giai đoạn tháng 3 – 6 vừa qua đã chứng kiến hoạt động sôi động của thị trường chứng khoán, thông báo lợi nhuận “khủng” cũng như các quyết định tăng vốn điều lệ của một loạt các ngân hàng thương mại. Điều này có thể dự báo xu hướng mở rộng quy mô kinh doanh ở cả các ngân hàng và công ty chứng khoán.

Trái ngược với sự im ắng từ một số ngành nghề sản xuất, ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí sales hay quan hệ khách hàng, các vị trí mảng công nghệ thông tin phục vụ cho việc phát triển hệ thống và chuyển đổi số.

Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao vẫn tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung nhân sự ở mảng công nghệ, dữ liệu, phát triển đội ngũ bán như giám đốc chi nhánh, giám đốc vùng.

Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhu cầu tuyển dụng các ứng viên có kinh nghiệm tại các công ty lớn ở nước ngoài trong các ngành nghề mới như dữ liệu lớn (big data), thiết kế, marketing, chuyển đổi số.

Các ứng viên được các ngân hàng thương mại Việt Nam ưa chuộng trong mảng này là Việt kiều, chuyên gia nước ngoài từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và các ngân hàng Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì nhu cầu tuyển dụng các ứng viên là người Nhật, người Hàn.

Đáng chú ý, ngành bán dẫn được dự báo là ngành có nhu cầu nhân sự cao và tiềm năng tại thị trường Việt Nam trong ít nhất 5 năm tới, khi ngành này hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư từ các tập đoàn lớn nước ngoài.

Đầu năm nay, tập đoàn Intel của Mỹ đã nhận được giấy chứng nhận điều chỉnh dự án, tăng vốn đầu tư thêm 475 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại khu công nghệ cao TP.HCM.

Ngoài ra, Samsung hồi đầu năm đã nhận giấy chứng nhận điều chỉnh mô hình hoạt động, chuyển đổi từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng của tập đoàn này, đặc biệt là doanh nghiệp ngành bán dẫn, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.

Hiện tại các doanh nghiệp trong mảng này đang có kế hoạch tuyển dụng kỹ sư có kinh nghiệm và hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực này.