Hàng loạt khu công nghiệp mới được đầu tư trong tháng 2

Nhật Hạ - 17:12, 26/02/2021

TheLEADERBắc Ninh, Bắc Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình là 7 tỉnh có dự án khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 2.

Ba khu công nghiệp mới nhất được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư thuộc các tỉnh Trà Vinh, Bình Thuận và Vĩnh Phúc.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Cổ Chiên tại xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh có quy mô sử dụng đất 199,98 ha. Tổng vốn đầu tư dự án là 748,98 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư - Công ty TNHH phát triển và đầu tư hạ tầng Trà Vinh là 112,35 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận có quy mô 300 ha do Công ty cổ phần Sonadezi Bình Thuận làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 400 tỷ đồng.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sông Lô II có quy mô 165,655 ha tại tại xã Đồng Thịnh và xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án này do Công ty cổ phần phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.520 tỷ đồng. Trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 245 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng là 1.275 tỷ đồng.

Bên cạnh ba khu công nghiệp trên, trong tháng 2, Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng cho thêm 6 khu công nghiệp.

Trong đó, Bắc Ninh sắp có tới 3 khu công nghiệp mới gồm khu công nghiệp Gia Bình, khu công nghiệp Yên Phong II, khu công nghiệp Thuận Thành I.

Theo quyết định, Tổng công ty Viglacera là nhà đầu tư của dự án Thuận Thành I. Dự án có quy mô 249,75 ha tại xã Ninh Xá, xã Trạm Lộ và xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư là 2.847,819 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 859,735 tỷ đồng.

Dự án khu công nghiệp Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh có quy mô sử dụng đất 306,69 ha với tổng vốn đầu tư 2.578,246 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư - Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh là 390 tỷ đồng.

Dự án thứ ba của Bắc Ninh là khu công nghiệp Yên Phong II-A tại xã Tâm Giang và xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong do Công ty cổ phần hạ tầng Western Pacific làm chủ đầu tư với quy mô 151,27 ha. Tổng vốn đầu tư là 1.830,168 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 275 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bắc Giang sắp có khu công nghiệp Việt Hàn tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên do Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long làm chủ đầu tư với quy mô sử dụng đất 50 ha (giai đoạn 1). Tổng vốn đầu tư chưa có.

Dự án khu công nghiệp Quốc Tuấn - An Bình huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có quy mô 180 ha do công ty cổ phần khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự án là 1.947 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 292,4 tỷ đồng.

Dự án khu công nghiệp lớn nhất cả về quy mô và vốn đầu tư được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 2 là Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Liên Hà Thái phân khu bắc, hạng mục khu công nghiệp. Dự án có quy mô sử dụng đất 588,84 ha tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tổng vốn đầu tư là 3.885 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 600 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện của 9 dự án khu công nghiệp trên đều là 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Dự án khu công nghiệp được coi là các công trình trọng điểm, có dấu ấn quan trọng trong việc lan tỏa nhằm thu hút đầu tư phát triển kinh tế các tỉnh thành.

Tại một số địa phương, tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng trên 60% tổng thu ngân sách nhà nước của địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hải Phòng... 

Hàng loạt khu công nghiệp mới được đầu tư trong tháng 2
Khu công nghiệp VSIP I

Bên cạnh việc quyết định chủ trương đầu tư, trong tháng 2, Thủ tướng cũng đã đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp (KCN) tại các tỉnh Bắc Giang, Đà Nẵng, Hải Dương, Bình Dương, Cần Thơ và Thái Nguyên.

Theo đó, khu công nghiệp Yên Lư với diện tích 377 ha tại các xã Yên Lư và Nham Sơn, huyện Yên Dũng; khu công nghiệp Yên Sơn - Bắc Lũng với diện tích 300 ha tại các xã Yên Sơn và Bắc Lũng, huyện Lục Nam; khu công nghiệp Tân Hưng với diện tích 105,3 ha tại các xã Tân Hưng và Xương Lâm, huyện Lạng Giang là ba khu công nghiệp được bổ sung mới vào quy hoạch phát triển của tỉnh Bắc Giang.

Đồng thời, đồng ý mở rộng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gồm khu công nghiệp Quang Châu với diện tích tăng thêm 90 ha tại thị trấn Nếnh và các xã Quang Châu, Vân Trung, huyện Việt Yên; khu công nghiệp Hòa Phú với diện tích tăng thêm 85 ha tại các xã Mai Đình và Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; Khu công nghiệp Việt Hàn với diện tích tăng thêm 148 ha tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên.

Trên địa bàn Đà Nẵng, Thủ tướng đồng ý điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Hòa Nhơn tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang từ 393,57 ha xuống 360,59 ha; bổ sung khu công nghiệp hỗ trợ khu công nghệ cao Đà Nẵng với quy mô diện tích là 58,531 ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.

Hai khu công nghiệp do Becamex IDC và VSIP Group làm chủ đầu tư tại tỉnh Bình Dương cũng được đồng ý điều chỉnh quy hoạch trong tháng 2. Theo đó, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) giảm diện tích 141 ha tại phía Bắc và 120 ha tại phía Tây, đồng thời bổ sung 261 ha ở phía Đông. Vị trí khu công nghiệp VSIP III sau khi điều chỉnh thuộc xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý đưa khu công nghiệp Cây Trường với quy mô diện tích 700 ha tại xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.

Đồng thời, bổ sung khu công nghiệp Cây Trường với quy mô diện tích 700 ha tại xã Cây Trường II và thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng do Becamex IDC làm chủ đầu tư vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.

Còn trên địa bàn tỉnh Hải Dương, khu công nghiệp Bình Giang và khu công nghiệp Thanh Hà ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp. Ngoài ra, bổ sung 2 khu công nghiệp Bình Giang và khu công nghiệp Thanh Hà vào quy hoạch.

Tại tỉnh Cần Thơ, Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích khu công nghiệp Thốt Nốt từ 600 ha xuống 200 ha; đưa khu công nghiệp Ô Môn có diện tích 600 ha và khu công nghiệp Bắc Ô Môn có diện tích 400 ha ra khỏi Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam.

Thêm nữa, bổ sung vào quy hoạch các khu công nghiệp gồm Ô Môn - Cần Thơ (diện tích là 500 ha, vị trí tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ) và khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (diện tích là 900 ha; vị trí tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ).

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, các khu công nghiệp được bổ sung mới vào quy hoạch trong tháng 2 gồm Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 với diện tích 300 ha tại thành phố Sông Công; Khu công nghiệp Phú Bình với diện tích 675 ha tại xã Tân Hòa, xã Lương Phú và thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình.

Hết tháng 2/2021, cả nước hiện có 370 khu công nghiệp được thành lập với diện tích đất tự nhiên đạt 115,2 nghìn ha, theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và đầu tư. Trong đó có 328 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 24 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đạt khoảng 5,3 tỷ USD và 324,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng 2,34 tỷ USD và 152,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế đã tạo việc làm cho khoảng 3,65 triệu lao động trực tiếp.

Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt 43,4 nghìn ha với tỷ lệ lấp đầy 57,8%, riêng các khu công nghiệp đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 71,7%.