HDTC mắc kẹt 12 năm với đất vàng

Hứa Phương - 13:52, 24/09/2019

TheLEADERChọn phải đối tác không đủ năng lực tài chính, tiếp đến lao vào kiện tụng với nhà đầu tư nước ngoài, HDTC tiếp tục mắc kẹt ở khu đất vàng có giá thị trường hiện lên tới hàng nghìn tỷ đồng ở TP. HCM.

HDTC mắc kẹt 12 năm với đất vàng
Dự án chung cư The Mark vẫn nằm trên giấy

Chọn phải đối tác không có năng lực

Hơn 12 năm trước, khi vẫn còn là doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH MTV Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC) đã lọt mắt xanh của các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Thời điểm đó, vị thế của Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ trong mắt các nhà đầu tư quốc tế sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, dòng vốn đầu tư cũng vì thế ùn ùn đổ vào Việt Nam. Từ đó, một liên doanh giữa HDTC với công ty P&D Korea (P&D) và Lucky Vietnam Construction (LVC) đã ra đời.

Ba bên đã ký hợp đồng liên doanh thành lập Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc, trong đó HDTC chiếm 20% vốn góp và 80% phần vốn còn lại thuộc về hai công ty Hàn Quốc.

Mục đích thành lập VK Housing là để thực hiện dự án khu nhà ở cao tầng The Mark trên khu đất có diện tích 29.310m2 thuộc quyền sử dụng của HDTC và nằm cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở Quận 7, TP. HCM.

Để có nguồn tài chính nộp bổ sung tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí khác thực hiện dự án, VK Housing đã ký hợp đồng vay của DWS Star Bridge (DWS) số tiền 15 tỷ Won, tương đương gần 13 triệu USD.

Để được chấp thuận khoản vay này, các bên trong liên doanh đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất cùng phần vốn góp của mình cho DWS. Tuy nhiên, do DWS không có chức năng ngân hàng nên doanh nghiệp này đã uỷ thác cho ngân hàng Woori chi nhánh TP.HCM nhận và quản lý phần tài sản thế chấp của HDTC là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có trả phí hằng năm.

Theo hợp đồng ủy thác, Woori Bank không thể tự ý từ bỏ, chuyển nhượng, xử lý tài sản đảm bảo hay chấm dứt hợp đồng đảm bảo quản lý vốn khi không có sự đồng ý hay sự chỉ định bằng văn bản của DWS.

Tuy nhiên, khi đến hạn trả nợ vay cho DWS, VK Housing không có khả năng trả nợ nên DWS đã khởi kiện ra Tòa án quận Seoul ở Hàn Quốc. Tòa xác định P&D và LVC không có tài sản nào ngoài phần góp vốn trong VK Housing. Sau đó, Tòa án đã tuyên bố hai công ty trên phá sản.

Căn cứ vào quyết định tuyên án phá sản đó, ngày 16/3/2016, quản tài viên được Tòa án Hàn Quốc chỉ định đã nhân danh P&D và LVC ký các hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của P&D và LVC trong VK Housing cho DWS.

Đến 20/4/2016, VK Housing nộp hồ sơ đăng ký thay đổi doanh nghiệp từ ba cổ đông sáng lập là HDTC, P&D và LVC thành HDTC và DWS. Đồng thời VK Housing đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Jong-Suk Lee qua bà Yeh Kuo Shun-Kuai.

Cũng trong tháng 4/2016, Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư TP. HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 cho VK Housing. Sau đó, Sở Kế hoạch Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứng nhận chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao tầng The Mark là HDTC và DWS.

Lao vào kiện tụng

Tuy nhiên, ngay sau đó, HDTC đã khởi kiện yêu cầu toà án không công nhận hiệu lực của các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp của P&D và LVC cho DWS, đồng thời yêu cầu huỷ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thay đổi lần 2 của VK Housing.

Lý do HDTC đưa ra là việc chuyển nhượng cổ phần đã vi phạm thỏa thuận của các bên tại hợp đồng liên doanh và quy định của Luật Doanh nghiệp về quyền ưu tiên mua đối với HDTC.

Sau đó, HDTC bổ sung thêm yêu cầu đề nghị tòa tuyên bố chấm dứt hợp đồng liên doanh đã ký với P&D và LVC về việc thành lập VK Housing, đồng thời yêu cầu mỗi công ty phải thanh toán cho nguyên đơn 1 triệu USD vì đã vi phạm hợp đồng liên doanh.

Đáng lưu ý, vụ kiện xảy ra sau khi HDTC đã chuyển đổi hình thức từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần và có Chủ tịch Hội đồng quản trị mới là ông Đinh Trường Chinh.

Tháng 10 năm ngoái, Toà án Nhân dân TP. HCM đã đưa vụ kiện ra xét xử. Tòa sơ thẩm nhận định, khi ký hợp đồng liên doanh, các bên thỏa thuận một trong các bên liên doanh muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình thì phải thông báo bằng văn bản cho các bên còn lại; nhưng P&D và LVC chuyển nhượng phần vốn góp trong VK Housing cho DWS không tuân thủ điều kiện và trình tự theo hợp đồng nên không có giá trị ràng buộc đối với công ty hoặc các bên liên doanh.

Sau khi có phán quyết của cấp sơ thẩm, phía bị đơn là công ty DWS kháng cáo; đồng thời VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng có kháng nghị bản án.

Theo đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng việc nhận định của bản án sơ thẩm không phù hợp đối với vụ án này.

Cụ thể P&D và LVC đã bị tòa án Hàn Quốc tuyên bố phá sản nên các công ty không thể thực hiện nghĩa vụ theo điều 8 của hợp đồng liên doanh, mặt khác người thực hiện chuyển nhượng là ông Kwin, Soon Chul Quản tài viên do Tòa án quận trung tâm Seoul chỉ định. 

Theo Viện kiểm sát, từ việc nhận định không đúng dẫn tới việc bản án sơ thẩm áp dụng các điều 52, 53 và điểm C, khoản 1, điều 54 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và căn cứ khoản 1 điều 137 Bộ Luật dân sự năm 2005 để tuyên hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa Quản tài viên với DWS vô hiệu là không có căn cứ.

Căn cứ Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 không điều chỉnh giao dịch dân sự thực hiện ở nước ngoài do các đương sự là người nước ngoài thực hiện. Vì vậy, TAND TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết yêu cầu “không công nhận các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp” giữa Quản tài viên với DWS tại Hàn Quốc và tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng này bị vô hiệu.

Phần vốn góp của P&D và LVC tại VK Housing là tài sản hợp pháp của hai công ty này, khi bị tuyên bố phá sản việc xử lý tài sản của hai công ty do Tòa án trung tâm Seoul giải quyết. Quá trình giải quyết thủ tục tuyên bố công ty P&D và LVC phá sản, Tòa Seoul đã chỉ định quản tài viên thực hiện việc chuyển nhượng phần vốn góp, thực chất công ty DWS là một trong các chủ nợ của P&D và LVC.

Như vậy, DWS là người kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ của P&D và LVC đối với phần vốn góp đã mua. Bản án sơ thẩm xác định DWS không phải là người kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của công ty P&D và LVC là không có căn cứ.

Tuy nhiên, ngày 11/9 vừa qua, Toà án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã tiến hành xét xử và tuyên y án sơ thẩm đối với vụ án tranh chấp trên. 

Theo phán quyết này, có thể hiểu giao dịch chuyển nhượng vốn góp của P&D và LVC cho DWS là vô hiệu. Đồng thời, tòa tiếp tục giao quyền cho HDTC tiếp tục quản lý 80% vốn góp của P&D và LVC cho đến khi có người kế thừa, thụ hưởng các phần vốn góp.

Mặc dù toà đã phán quyết nhưng việc xử lý phần vốn góp này như thế nào để không tiếp tục phát sinh tranh chấp vẫn là dấu hỏi. 

Trong khi đó, mảnh đất gần 3ha ở ngay sát khu đô thị Phú Mỹ Hưng có giá trị thị trường hiện lên tới hàng nghìn tỷ đồng vẫn để cỏ mọc.