Hệ thống chính trị ở Đặc khu Vân Đồn

Hoài Anh - 14:44, 06/11/2017

TheLEADERTrong Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh đã đề xuất 2 phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền đặc khu.

Hệ thống chính trị ở Đặc khu Vân Đồn
Cảng hàng không Vân Đồn đang gấp rút thi công. Ảnh Ngọc Sơn

Để có một nền hành chính hiện đại, bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thì đặc khu phải có bộ máy đủ thẩm quyền, nhưng tinh gọn nhất, xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất tất cả những vấn đề phát sinh của xã hội. 

Vì vậy, trong Đề án Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh đã đề xuất 2 phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền đặc khu.

Phương án 1, sẽ có Đặc khu trưởng và các đặc khu phó cùng cơ quan giúp việc tinh gọn, không có HĐND. Cấp xã được thay bằng các khu hành chính, người đứng đầu là đại diện của Đặc khu trưởng, cùng bộ máy cũng hết sức tinh gọn. Phương án này phù hợp với các mô hình đặc khu kinh tế hiện đại và thành công nhất trên thế giới hiện nay. 

Quan trọng hơn là mô hình này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thay vì tập thể quyết định như lâu nay. Đặc khu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề và phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình. Để bộ máy hoạt động hiệu quả, Đặc khu trưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn nhân sự tốt nhất cho mình, từ cấp phó đến bộ máy ở các khu hành chính, thậm chí có thể thuê nhân sự nước ngoài làm việc.

Phương án 2 là chính quyền một cấp, chỉ có UBND và HĐND cấp đặc khu, bỏ UBND và HĐND cấp xã. Ở phương án này, HĐND bớt quyền lực, chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, đưa ra các quyết sách dài hạn, chứ không được quyết các vấn đề như ngân sách, đầu tư... Tuy nhiên, với mô hình này, trách nhiệm quyết định vẫn là của tập thể, không đề cao được vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND Đặc khu như với mô hình Đặc khu trưởng.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh: “Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như lấy ý kiến từ nhiều phía, Quảng Ninh ưu tiên chọn phương án 1, bởi chỉ có như vậy mới có thể đột phá… Còn mô hình chính quyền một cấp, giữ cả UBND và HĐND cấp huyện, thì về cơ bản vẫn như mô hình chính quyền cấp huyện hiện nay…”.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đề xuất nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng bộ đồng thời là Trưởng đặc khu Vân Đồn. Theo đó, Trưởng đặc khu được phân cấp, giao thẩm quyền đột phá, vượt trội, có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc tinh gọn, gắn với việc thành lập mới một số đơn vị đặc thù, nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. 

Cụ thể như các Trung tâm: Dịch vụ hành chính công; Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; Quản lý đô thị thông minh…

Đặc khu Vân Đồn được chia thành các khu hành chính trực thuộc. Tất cả các hoạt động liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân, như việc giải quyết các thủ tục hành chính về khai sinh, kết hôn, khai tử, chứng thực... đều được phân cấp, ủy quyền cho khu hành chính thực hiện. 

Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức theo mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể - chính trị; các cơ quan nội chính, tư pháp và ngành dọc khác được sắp xếp, kiện toàn phù hợp với mô hình chính quyền mới.

Về thực hiện giám sát và kiểm soát đối với chính quyền Đặc khu Vân Đồn: Trưởng đặc khu chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các cơ quan Trung ương và tỉnh được giao chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và được quy định cụ thể trong Hiến pháp, Điều lệ Đảng và các văn bản pháp luật hiện hành. Cụ thể là: UBKT Trung ương; Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; Tỉnh ủy; HĐND tỉnh; UBKT Tỉnh ủy; Thanh tra tỉnh và các sở, ngành của tỉnh thực hiện theo thẩm quyền được giao. 

Trưởng đặc khu và cơ quan nhà nước ở đặc khu còn chịu sự giám sát của nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu HĐND cấp tỉnh, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở đặc khu theo quy định. 

Ngoài ra, để thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định thành lập một cơ quan giám sát, kiểm tra độc lập, gồm các thành viên là đại diện bộ, ngành, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, thành viên chuyên trách, chuyên gia, đại diện nhà đầu tư chiến lược, cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và điều kiện hoạt động của cơ quan này do Thủ tướng Chính phủ quy định.