Hermès: Bảo vệ nhãn hiệu hay nghệ thuật?

Hoàng An - 10:40, 01/03/2023

TheLEADERGiữa nghệ thuật và quyền sở hữu trí tuệ luôn có một ranh giới rất mỏng manh. Trên thực tế, có không ít nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ các sản phẩm, nhãn hiệu trong đời thật để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của riêng mình.

Hermès: Bảo vệ nhãn hiệu hay nghệ thuật?
Hermes là một trong những hãng thời trang xa xỉ lâu đời nhất trên thế giới (Ảnh: Bloomberg Law News)

Trong đó có thể kể đến họa sĩ người Mỹ Andy Warhol với việc vẽ tay những lon súp cà chua Campbell và hộp xà phòng Brillo khổng lồ và bán chúng với giá hàng triệu USD. Những tác phẩm này thậm chí còn được coi là các biểu tượng nghệ thuật đại chúng trong những năm thập niên 60.

Luật sở hữu trí tuệ ra đời để bảo vệ các khía cạnh vô hình của các tác phẩm, sản phẩm, chẳng hạn: nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền… Tuy vậy, như đã nói ở trên, điều đó không có nghĩa là người nghệ sĩ không được phép tạo ra những tác phẩm lấy nguồn cảm hứng từ những khía cạnh đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đó.

Vì vậy, luật pháp một số nước đã có những quy định để làm cân bằng và phân định giữa hai thái cực, đâu là nghệ thuật đơn thuần và đâu là một tác phẩm xâm phạm quyền trong trường hợp tác phẩm trở thành niềm cảm hứng cho nghệ sĩ.

Trong tháng vừa rồi, tòa án Quận phía Nam của New York, Hoa Kỳ đã phán quyết một vụ kiện tụng liên quan đến vấn đề này, và phần thắng đã về tay thương hiệu nổi tiếng, thay vì nghệ thuật.

Diễn biến vụ việc

Vào tháng 12/2021, nghệ sĩ Mason Rothschild đã bắt đầu tạo ra những phiên bản kỹ thuật số của chiếc túi xách Hermes Birkin lông thú mang tính biểu tượng của hãng thời trang nổi tiếng Hermès và bán chúng dưới dạng NFT trong bộ sưu tập “MetaBirkins”.

Vào thời điểm ban đầu, tác phẩm/NFT này được bán với giá trung bình 450 USD. Tuy nhiên, vào thời kỳ NFT tăng giá điên cuồng lên mức đỉnh điểm vào tháng 12/2021, một tác phẩm trong số đó mang tên “Baby Birkin” đã được một người mua với giá chóng mặt – 47.000 đô la.

Không có gì đáng ngạc nhiên, Hermès nhanh chóng nhận ra vấn đề và gửi thư yêu cầu đình chỉ (cease and desist letter) việc bán BTS MetaBirkins cho Rothschild vào tháng 1/2022. Tuy nhiên, thay vì tuân theo, Rothschild công bố bức thư trên mạng để thu hút sự tò mò từ công chúng.

Cũng trong tháng này, Hermes đã kiện Rothschild ra tòa vì lí do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong phiên tòa kéo dài một tuần vào tháng 2 vừa rồi, Hermès lập luận rằng các tác phẩm NFT của Rothschild đã khiến cho người mua bối rối. Không ít người tiêu dùng tin rằng những tác phẩm NFT này và Hermes có mối liên quan nhất định với nhau.

Theo tờ Bloomberg Law, những luật sư của Hermès cũng đưa ra bằng chứng về việc tin nhắn văn bản của Rothschild cho thấy nghệ sĩ này muốn “tạo ra sự độc quyền và nhu cầu tương tự đối với những chiếc túi xách nổi tiếng.” “Chúng ta đang ngồi trên một mỏ vàng,” Rothschild viết trong một văn bản.

Theo tờ New York Times, những chiếc túi Birkin được làm bằng tay trong tối thiểu 18 giờ. Uớc tính, thậm chí ngay cả khi những chiếc túi này tiếp tục được coi là thuộc hàng hiếm nhất thế giới, trên thị trường vẫn có khoảng một triệu chiếc túi xách.

Ở phiên bản vật lý, một chiếc túi Birkin có giá từ 12.000 đô la đến khoảng 450.000 đô la và đôi khi còn hơn thế nữa. (Vào năm ngoái, công ty bán đấu giá Sotheby's đã bán một chiếc Birkin được chế tác từ vàng hồng, khảm 2.712 viên kim cương với giá 2 triệu USD)

Ngoài ra, với dự định tham gia vào thị trường NFT trong tương lai, Hermès cho rằng dự án “MetaBirkins” của Rothschild đang làm “vấy bẩn vùng nước mà Hermès dự định sẽ thâm nhập và đang tích cực phát triển”. “Nếu chúng tôi muốn đem những chiếc túi của mình lên thế giới ảo, người ta sẽ nghĩ rằng MetaBirkins là một trong số đó” ông Nicolas Martin, cố vấn chung của Hermès nói với bồi thẩm đoàn trong lời khai.

Trong khi đó, đáp lại, Rothschild lập luận rằng anh ta đang sử dụng nghệ thuật và tên tuổi của mình để bình luận về hành vi vi phạm quyền động vật của Hermés trong quá trình sản xuất những chiếc túi đắt tiền.

Hermès: Bảo vệ nhãn hiệu hay nghệ thuật?
Bộ sưu tập túi NFT để MetaBirkins nhại lại mẫu túi lông điển hình của Hermes (Ảnh: The Block)

Do đó theo Rothschild, những tác phẩm giễu nhại của anh sẽ được bảo vệ theo Tu chánh án thứ nhất dưới dạng quyền tự do ngôn luận. Với tu chánh án thứ nhất, biện pháp bảo vệ tốt nhất mà các nghệ sĩ có được trước các tranh chấp nhãn hiệu là bài kiểm tra Rogers, được thiết lập trong vụ Rogers kiện Grimaldi năm 1989.

Cụ thể, vào thời điểm này, diễn viên Ginger Rogers đã kiện nhà sản xuất phim Alberto Grimaldi về bộ phim mang tên “Ginger and Fred” hư cấu về hai nhân vật Pippo và Amelia, hai nghệ sĩ biểu diễn tạp kỹ người Ý có thói quen mô phỏng cặp đôi nổi tiếng Fred Astaire và Ginger Roger. Cô lập luận rằng nhà sản xuất Grimaldi đã vi phạm quyền nhãn hiệu của cô ấy do đã đặt tên của cô cho phim.

Nhưng một tòa phúc thẩm liên bang đã xác định rằng việc sử dụng tên Ginger là một yếu tố biểu cảm của tiêu đề, có liên quan đến mặt nghệ thuật với bộ phim và do đó phải tuân theo các lợi ích của Tu chính án thứ nhất.

Tuy vậy, những chiếc túi NFT MetaBirkins đã không thể vượt qua bài kiểm tra Rogers v. Grimaldi bởi việc sử dụng nhãn hiệu Hermés sẽ chỉ được phép nếu nó liên quan đến tác phẩm của Rothschild (bình luận về quyền động vật và hành vi ngược đãi của Hermés) chứ không biểu thị quyền tác giả, tài trợ hoặc chứng thực hoặc gây hiểu lầm rõ ràng về nội dung.

Trong trường hợp này, bồi thẩm đoàn nhận định người tiêu dùng và truyền thông có thể nhầm lẫn rằng bộ sưu tập MetaBirkin và thương hiệu Hermès có mối liên hệ với nhau. Cùng với đó, đánh giá rằng bộ sưu tập MetaBirkins không nhằm thể hiện nghệ thuật mà thay vào đó đang pha loãng nhãn hiệu của thương hiệu Hermes.

Cuối cùng, tòa án yêu cầu Rothschild phải bồi thường cho Hermès với số tiền trị giá 133.000 USD. Trong đó, 110.000 USD là lợi nhuận và hoa hồng bán lại của Rothschild và 23.000 đô la vì hoạt động chiếm dụng tên miền Hermes.

Mặc dù quyết định của Tòa án quận New York rất chuyên sâu và chưa có tiền lệ ở bất kỳ đâu, nhưng vụ việc này nhận được quan tâm rất kĩ lưỡng, cẩn thận từ cộng đồng làm nghệ thuật và chủ sở hữu của các thương hiệu nổi tiếng.

Theo các tác giả chuyên về luật Morrison & Foerster trên tờ Lexology, trong tương lai, vẫn còn phải xem liệu Rothschild có nộp đơn kháng cáo hay không. Và mặc dù phán quyết của bồi thẩm đoàn là một chiến thắng lớn cho Hermès, các công ty vẫn cần xem xét thực hiện một số hoạt động để bảo vệ thương hiệu của họ trong thế giới kỹ thuật số, bao gồm:

Thứ nhất, mở rộng các hoạt động thực thi nhãn hiệu sang cả thị trường NFT.

Thứ hai, mở rộng dịch vụ giám sát đồng hồ sang các nhóm thường nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa và dịch vụ liên quan đến NFT.

Thứ ba, thực hiện các hành động pháp lý nhanh chóng. Vụ việc của Hermès giờ đây có thể đóng vai trò là kim chỉ nam cho các công ty muốn thực thi quyền nhãn hiệu của họ tại tòa án liên bang.

Và cuối cùng, nếu một công ty dự định tham gia vào nền tảng NFT trong tương lai gần, thì nên xem xét đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa hoặc dịch vụ có liên quan.