Hiểm họa khí hậu nghiêm trọng nhất của châu Á

Phương Anh - 17:13, 16/11/2022

TheLEADERCăng thẳng nguồn nước tại châu Á dưới tác động của biến đổi khí hậu cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại với thế hệ tương lai.

Báo cáo tình trạng khí hậu ở châu Á năm 2021 từ Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu đang gây ra thiệt hại ngày càng tăng về con người, tài chính và môi trường, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và nghèo đói, và kìm hãm sự phát triển bền vững.

Đáng chú ý, báo cáo cho thấy một viễn cảnh đáng lo ngại về căng thẳng nguồn nước trong tương lai.

Cụ thể, vùng núi cao châu Á, bao gồm cả dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng, là khu vực có khối lượng băng lớn nhất bên ngoài vùng cực. Tuy nhiên, tốc độ tan chảy của các sông băng đang tăng nhanh và nhiều sông băng bị tổn thất khối lượng lớn do điều kiện khô và ấm, đặc biệt vào năm 2021.

Những “tháp nước” này rất quan trọng đối với nguồn cung cấp nước ngọt cho khu vực đông dân cư nhất hành tinh, và vì vậy, sự tan chảy khiến sông băng bị thu hẹp dần có tác động to lớn đến các thế hệ tương lai.

“Các hiện tượng cực đoan liên quan đến nguồn nước là hiểm hoạ nghiêm trọng nhất ở châu Á”, báo cáo nhấn mạnh.

Những dữ liệu mới nhất cho thấy, so với mức trung bình trong 20 năm qua, thiệt hại kinh tế do hầu hết các loại thiên tai gây ra đang gia tăng. Đơn cử, thiệt hại kinh tế do hạn hán tăng 63%, do lũ lụt tăng 23%, và do các trận lở đất đã tăng gần gấp rưỡi so với mức trung bình giai đoạn 2001 - 2020.

Vào năm 2021, có tổng cộng hơn 100 sự kiện thiên tai ở châu Á, trong đó 80% là các sự kiện bão lụt. Những thiên tai này dẫn đến gần 4.000 người thiệt mạng, trong đó khoảng 80% số người chết là do lũ lụt.

Tính chung, hơn 48 triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những hiểm họa này, gây thiệt hại kinh tế tổng cộng 35,6 tỷ USD. Trong khi lũ lụt gây ra số người chết và thiệt hại kinh tế cao nhất, thì hạn hán trong khu vực lại ảnh hưởng đến nhiều người nhất.

Ông Armida Salsiah Alisjahbana, Tổng thư ký kiêm Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), nhận định do lũ lụt và xoáy thuận nhiệt đới trong khu vực gây ra thiệt hại kinh tế cao nhất, nên việc đầu tư cho thích ứng phải được ưu tiên cho các hành động và sự chuẩn bị trước.

Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cho nên cần tăng cường đầu tư hơn nữa cho việc thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng mới cần được hoàn thiện hơn, cùng với những cải tiến trong quản lý tài nguyên nước và sản xuất cây nông nghiệp trên các vùng đất khô hạn, trong khi các giải pháp dựa vào thiên nhiên mang lại lợi ích lâu dài và rộng rãi.

Phần lớn các quốc gia châu Á đã ưu tiên vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu trong các kế hoạch hành động về khí hậu, trong đó phần lớn coi nguồn nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, và y tế là các lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

Các ưu tiên thích ứng hàng đầu được đưa ra xuất phát từ bối cảnh rủi ro và đòi hỏi lợi ích – chi phí đầu tư cao, bao gồm tăng cường hệ thống cảnh báo sớm và xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu được với thiên tai; làm cho việc quản lý tài nguyên nước trở nên linh hoạt hơn; cải thiện sản xuất nông nghiệp trên các vùng đất khô hạn; thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Đầu tư vào các hành động chính sách này sẽ thúc đẩy tiến bộ trong phát triển bền vững và hành động vì khí hậu.