Hoa Kỳ điều tra pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam

Nguyễn Cảnh - 07:50, 05/04/2022

TheLEADERMới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam và 3 quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan, Malaysia và Campuchia.

Hoa Kỳ điều tra pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam
JA Solar, Trina Solar, Jinko Solar là những tên tuổi thuộc nhóm đầu của Trung Quốc và thế giới đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam

Theo đó, hàng hóa bị điều tra là tế bào và mô-đun quang điện làm từ silicon tinh thể (crystalline silicon photovoltaic cells and modules - CSPV), chủ yếu thuộc các mã HS: 8501.71, 8501.72, 8501.80, 8507.20, 8541.42, và 8541.43.

Nguyên đơn Hoa Kỳ cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, các doanh nghiệp này bị cáo buộc nhập khẩu nguyên liệu ban đầu (tấm silicon) từ Trung Quốc, gia công, lắp ráp, “thay đổi không đáng kể” để sản xuất tế bào và mô-đun quang điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Hiện mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 15,85% đến 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97% đến 15,24%.

Trước đó, hồi tháng 2/2022, Hoa Kỳ cũng đã gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu (áp dụng cho tất cả các nước) với pin năng lượng mặt trời có mã HS 8541.40.6015 và 8541.40.6025 thêm 04 năm (2022-2026) dưới hình thức hạn ngạch thuế quan với mức thuế áp dụng là 14,75% cho năm đầu tiên và giảm dần mỗi năm 0,25%.

Mặt hàng pin năng lượng mặt trời đã được Bộ Công thương nhiều lần đưa vào danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại. Bộ cũng đã chủ động liên hệ thông báo để các doanh nghiệp có liên quan nắm bắt tình hình.

Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong suốt quá trình của vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Hồi cuối năm 2021, ngành sản xuất pin mặt trời của Việt Nam đã tránh được một vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Cụ thể, tháng 9/2021, Bộ Công thương cho biết nhận được thông tin về việc ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã nộp hồ sơ tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề nghị điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Hàng hóa bị đề nghị điều tra là nhóm các sản phẩm pin năng lượng mặt trời có mã HS 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025, và 8501.31.8010 (theo hệ thống HS của Hoa Kỳ).

Theo cáo buộc của nguyên đơn, các doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia và Thái Lan nhập khẩu tế bào và mô-đun quang điện silicon từ Trung Quốc để sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Hoa Kỳ. 

Nguyên đơn cho rằng hoạt động sản xuất này không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể và cần được xem là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc. Thời điểm đó, pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 15,85% đến 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97% đến 15,24%.

Đồng thời, từ tháng 2/2018, mặt hàng này cũng bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Biện pháp tự vệ quy định lượng hạn ngạch nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Hoa Kỳ là 2,5 gigawatt/năm đối với tế bào quang điện. Nhập khẩu trong hạn ngạch không phải chịu thuế tự vệ nhưng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế tự vệ từ 15 - 30% tùy thời kỳ.

Đối với mô-đun quang điện, Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu bổ sung trong 4 năm (đến tháng 2 năm 2022) với mức thuế bằng mức ngoài hạn ngạch của tế bào quang điện.

Tới tháng 11/2021, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo không tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam, Thái Lan và Malaysia theo đề nghị của nguyên đơn (nhóm các doanh nghiệp giấu tên, gọi là American Solar Manufacturers Against Chinese Circumvention - A-SMACC). DOC không tiến hành điều tra vì cho rằng việc không công khai thành viên của A-SMACC là không phù hợp với quy định hiện hành của Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan khác.

Khoảng 5 năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang đang hình thành chuỗi sản xuất và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời với 8 dự án được cấp phép, vốn đăng ký đạt 635 triệu USD. Đây cũng là địa phương có quy mô sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước với tổng công suất 5.200 MW/năm.

Điển hình một số dự án như: JA Solar Việt Nam (chủ đầu tư tập đoàn JA Solar, sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời công suất 1,5 GW với quy mô 88 ha tại khu công nghiệp Quang Châu, tổng vốn đầu tư 280 triệu USD), Nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời Trina Solar (Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology có 100% vốn đầu tư của tập đoàn Trinasolar Trung Quốc, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, sản lượng thiết kế 1GW)…