IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam dưới mục tiêu đề ra

Phương Anh - 20:15, 17/07/2019

TheLEADERTheo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% trong năm 2019.

Trong báo cáo mới đây về kinh tế Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến giảm về mức 6,5% năm 2019 và tiếp tục duy trì tốc độ này trong năm sau.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế này thấp hơn mức kế hoạch Quốc hội đề ra là từ 6,6% - 6,8%.

Lạm phát được dự báo ở mức 3,6% trong năm nay và gia tăng lên mức 3,8% vào năm 2020.

Trong số các dự báo được những tổ chức quốc tế đưa ra cho kinh tế Việt Nam, IMF có phần thận trọng nhất khi tăng trưởng dự kiến thấp hơn mức kế hoạch đề ra.

Trước đó, trong ấn phẩm kinh tế thường niên “Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2019”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu dự kiến chậm lại.

Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo “Điểm lại” vừa qua cho rằng GDP của Việt Nam sẽ ở mức thấp nhất trong kế hoạch mục tiêu với 6,6% do sức cầu bên ngoài yếu đi, chính sách tài khóa và chính sách tín dụng tiếp tục được thắt chặt.

Tốc độ tăng trưởng này sẽ giảm nhẹ xuống mức 6,5% trong hai năm tiếp theo.

IMF nhận định căng thẳng thương mại và những biến động tài chính đã có những ảnh hưởng đến Việt Nam. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn có sức chống chịu tốt, đạt tăng trưởng cao nhất 10 năm với 7,1% vào năm ngoái nhờ sự tăng trưởng tốt về thu nhập và tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đô thị đang lớn mạnh, khu vực chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ và nông nghiệp bội thu.

Dự kiến động lực cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ còn tiếp tục trong năm 2019 nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố nền tảng mạnh mẽ khác, bao gồm cấu trúc thương mại đa dạng, các hiệp định thương mại tự do được kí kết gần đây.

Những chính sách của Chính phủ Việt Nam giúp nền kinh tế có sức chống chịu tốt, tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh căng thẳng thương mại và bất ổn bên ngoài gia tăng được IMF đánh giá cao.

Quỹ này cho rằng Việt Nam nên tiếp tục cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục tập trung vào xây dựng các mức đệm chính sách, tăng cường quản trị, cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng do khu vực tư nhân dẫn dắt.

Bên cạnh đó, củng cố tài khóa nên tập trung vào chất lượng điều chỉnh để giảm dần nợ công và tạo dư địa cho các cơ sở hạ tầng ưu tiên cũng như chi an sinh xã hội, chuẩn bị cho việc già hóa dân số nhanh chóng trong tương lai và đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu và nền kinh tế số.

IMF kêu gọi Việt Nam tiếp tục cải cách để giảm các rào cản đầu tư vẫn còn tồn tại, bao gồm cải thiện tiếp cận đất đai và tín dụng, giúp thúc đẩy đầu tư tư nhân, tăng năng suất của người lao động và thúc đẩy tăng trưởng.