Khi nền tảng giao đồ ăn và quản lý bán hàng hợp lực

Việt Hưng - 11:53, 18/03/2024

TheLEADERHợp tác chiến lược giữa Gojek Việt Nam và Sapo được kỳ vọng sẽ giúp chủ các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống gia tăng doanh thu, cũng như nâng cao năng lực quản trị, bán hàng.

Theo Statista, với quy mô dân số nằm trong top đầu Đông Nam Á, Việt Nam đang cho thấy nhiều tiềm năng để phát triển thị trường giao đồ ăn trực tuyến. Doanh thu thị trường này đạt 1,4 tỷ USD vào năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng hằng năm giai đoạn 2023-2027 là 15,29%, tương đương mức doanh thu 3,41 tỷ USD vào năm 2027.

Có cùng nhận định trên, nghiên cứu của Momentum Works năm 2023 chỉ ra, giao đồ ăn trực tuyến tới người dùng cuối hiện là cuộc đua song mã giữa Grab và ShopeeFood.

Nhất là khi Baemin đã rời bỏ Việt Nam, thị phần giao đồ ăn của Grab đã tăng khoảng 2%, còn với ShopeeFood tăng khoảng 4%.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao qua từng năm, nhưng thị trường giao đồ ăn trực tuyến đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất hiện nay, đó là sự phát triển bền vững.

Trước đây, thị trường này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự cạnh tranh mã khuyến mại giữa các ứng dụng. Việc khuyến mại, giảm giá giúp các ứng dụng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, có lượng người sử dụng đông đảo hơn và nâng cao số lượng đơn hàng.

"Ứng dụng nào có nhiều ưu đãi sẽ giữ chân được người dùng. Thế nhưng, nếu người dùng gắn với ứng dụng chỉ vì có khuyến mãi tốt, thì họ sẽ quay lưng khi khuyến mãi không còn", một chuyên gia trong lĩnh vực giao đồ ăn chia sẻ.

Vẫn còn dư địa cho thị trường giao đồ ăn
Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân - Ảnh: Gojek

Bà Tạ Thị Mỹ Hiền - Giám đốc Phát triển đối tác GoFood của Gojek Việt Nam cho rằng, thay vì lao vào cuộc đua khuyến mãi, giảm giá hướng tới người tiêu dùng, các nền tảng giao đồ ăn có thể tập trung vào đối tượng là các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống.

Bởi lẽ, trong hệ sinh thái giao đồ ăn trực tuyến, ngoài hai đối tượng dễ thấy là lực lượng tài xế, người tiêu dùng, thì vai trò của các nhà bán hàng cũng rất quan trọng.

Thực tế, đây là nhóm đối tượng chưa nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của các nền tảng giao đồ ăn trong thời gian qua.

Theo khảo sát của DigiFnB, Việt Nam hiện có khoảng 200.000 nhà bán hàng trên các nền tảng giao đồ ăn. "Nỗi đau" của các nhà bán hàng là khoảng 30% số này không phát sinh đơn, và khoảng 35% đơn vị có doanh thu chưa tốt.

Có nhiều nguyên nhân nhằm lý giải cho thực trạng trên, như nhà bán hàng chưa có đủ kiến thức kinh doanh, tính cạnh tranh trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến ngày một lớn, hay người bán chưa có công cụ quản trị, bán hàng hiệu quả.

Đó cũng là lý do gần đây Gojek Việt Nam đã hợp tác chiến lược cùng Sapo.vn, nhằm kết nối phần mềm quản lý nhà hàng, quán cà phê Sapo FnB với nền tảng giao đồ ăn GoFood của Gojek.

"Trải nghiệm kinh doanh ẩm thực liền mạch, nâng cao sự thuận tiện trong quản lý bán hàng cho các nhà hàng sẽ là trọng tâm tiếp theo của Gojek", bà Hiền chia sẻ.

Cụ thể, phần mềm Sapo FnB sẽ được tích hợp các tính năng quản lý đơn hàng từ Gojek như: nhận đơn, theo dõi đơn hàng, tổng hợp báo cáo doanh thu, đồng bộ thực đơn... 

Phía Gojek kỳ vọng từ hợp tác này sẽ thu hút thêm nhiều nhà bán hàng tham gia nền tảng giao đồ ăn của mình, đồng thời giúp các chủ cửa hàng nâng cao được hiệu quả quản trị, kinh doanh trực tuyến.

Vẫn còn dư địa cho thị trường giao đồ ăn 1
Nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh trực tuyến trong ngành ẩm thực đang ngày càng lớn - Ảnh: Sapo.vn

Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Dung - Giám đốc Tăng trưởng Sapo đánh giá, nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh trên nhiều nền tảng và chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến trong ngành ẩm thực đang ngày càng lớn.

"Các nhà bán hàng cần một hệ thống quản lý toàn diện, với mục tiêu giúp cho quá trình kinh doanh hiệu quả hơn, đồng thời tận dụng mô hình kinh doanh trực tuyến để phát triển và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn", đại diện Sapo nhấn mạnh.

Theo khảo sát của Sapo vào đầu năm nay, khoảng 70% các nhà bán ở thời điểm hiện tại có quy mô nhỏ (dưới 5 người). Ngoài thiếu vốn, thiếu phương thức vận chuyển, thì họ còn thiếu cả công cụ quản trị, bán hàng.

Do đó, bà Dung tin rằng, hợp tác giữa Sapo và Gojek Việt Nam sẽ là sự bắt nhịp cần thiết với thị trường, tạo ra lợi ích trong quản trị, bán hàng cho người kinh doanh ngành F&B.

Thay vì cần tới nhiều phần mềm, ứng dụng cùng lúc để nhập xuất hàng hóa qua nhiều khâu, người bán giờ đây chỉ cần một ứng dụng duy nhất là Sapo FnB.

Đáng chú ý, Sapo FnB hiện cũng là phần mềm quản lý nhà hàng, quán cà phê đầu tiên trên thị trường kết nối thông suốt với một nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến.