Khởi nghiệp từ vật liệu của tương lai

Việt Hưng - 19:44, 24/09/2020

TheLEADERHiện có 97 doanh nghiệp và phòng nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã bắt đầu đặt mua sản phẩm của Nano Life và dự kiến có thể sản xuất 1 tấn graphene mỗi tháng ngay trong năm đầu sản xuất.

Xuất hiện từ giải Nobel Vật lý năm 2010, graphene đã nhanh chóng được coi là "vật liệu của tương lai" cho các thiết bị điện tử, xây dựng, với những đặc tính như cực nhẹ, mỏng hơn 60.000 lần so với túi bọc thực phẩm và độ bền hơn thép hơn 200 lần.

Tuy nhiên, chi phí làm ra vật liệu này lại cao, khiến nhiều nhà sản xuất chùn bước. Nhằm đưa được "vật liệu của tương lai" đến được với nhiều doanh nghiệp, Lê Minh Tuấn quyết định sáng lập startup Nano Life và đưa ra phương pháp sản xuất với giá thấp hơn nhiều.

Sau 7 năm nghiên cứu, công thức sản xuất graphene của Nano Life đã hoàn thiện và được kiểm tra tại một số phòng thí nghiệm trong nước và tại Nhật. Theo đó, chi phí sản xuất graphene của Nano Life rất rẻ, chỉ khoảng 0,1 USD/gram.

Nhà đồng sáng lập Nano Life chia sẻ: "Graphene có thể áp dụng vào tất cả ngành nghề sản xuất hiện nay, từ sơn, xi măng, cho tới nhưng thiết bị điện tử, màn hình điện thoại. Mới đây, Samsung có cho ra mắt chiếc điện thoại màn hình gập nhưng nếu áp dụng Graphene, màn hình còn có thể uốn cong và mỏng hơn rất nhiều".

Hiện có 97 doanh nghiệp và phòng nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã bắt đầu đặt mua sản phẩm của Lê Minh Tuấn và dự kiến có thể sản xuất 1 tấn graphene mỗi tháng ngay trong năm đầu sản xuất.

Khởi nghiệp từ vật liệu của tương lai
Khởi nghiệp từ vật liệu của tương lai

Lê Minh Tuấn khẳng định công nghệ sản xuất graphene từ mỡ động vật tái chế có giá thành chỉ bằng khoảng 20%. Đồng thời, việc sử dụng mỡ động vật tài chế cũng góp phần xử lý chất thải hữu cơ, bảo vệ môi trường.

"Sản phẩm đã được kiểm tra tại một số phòng thí nghiệm trong nước và tại Nhật Bản. Nhóm cũng đang đăng ký sáng chế tại Mỹ và sẽ tập trung phát triển ở thị trường này", nhà đồng sáng lập cho biết.

Nếu chỉ tính riêng thị trường smartphone (1,55 tỷ chiếc được bán ra trong năm 2017), việc sản xuất graphene giá rẻ đã có thể mở ra thị trường trị giá hàng tỷ USD.

Ngay từ vòng tăng tốc của startup, Nano Life của Tuấn đã nhận được khoản đầu tư tới 50.000USD từ Quỹ đầu tư ThinkZone, cũng như sự hỗ trợ về không gian làm việc, đào tạo nhân sự từ 2 đơn vị khác.

Đại diện startup tiết lộ, công ty đang hoàn tất các thủ tục về sở hữu trí tuệ trước khi thỏa thuận nhận thêm vốn đầu tư từ các quỹ. Trong đó, một quỹ của Hàn Quốc đang được cân nhắc, phần vì Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường mục tiêu tiêu thụ sản phẩm của Nano Life, bên cạnh Nhật Bản, Mỹ và EU.