Khủng hoảng trái phiếu lan sang doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió

Trần Anh - 12:08, 28/03/2023

TheLEADERCác doanh nghiệp năng lượng tái tạo thường có quy mô vốn đầu tư rất lớn và sử dụng đòn bẩy cao không thua kém gì bất động sản.

Công ty Phong Điện Yang Trung vừa công bố thông tin bất thường về việc trả chậm lãi, gốc trái phiếu. Theo đó, công ty có gần 96 tỷ đồng tiền lãi và gốc trái phiếu phải thanh toán vào cuối tháng 3/2023. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/3, công ty mới chỉ thu xếp trả được gần 1,8 tỷ đồng tiền gốc. Yang Trung cho biết doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thu xếp đủ nguồn vốn để thanh toán cho trái chủ.

Trước đó, các lô trái phiếu nêu trên được phát hành liên tiếp trong tháng 9 và tháng 12/2021 với thời hạn từ 24 tháng đến 57 tháng. Lãi suất của các lô trái phiếu được công bố là 10,75%/năm. Tổng giá trị của các lô trái phiếu này khoảng 920 tỷ đồng.

Công ty Phong Điện Yang Trung được thành lập vào tháng 8/2020, với số vốn điều lệ 450 tỷ đồng. Công ty từng là thành viên của Hoàng Sơn Group, tham gia vào dự án Nhà máy Phong điện Yang Trung – Gia Lai.

Tương tự như Yang Trung, Công ty Phong Điện Chơ Long, chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Chơ Long bị Đại lý quản lý tài khoản và thanh toán gửi thông báo về việc chưa đảm bảo thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu đến hạn ngày 16/3. 

Đáp lại, Công ty Phong Điện Chơ Long cho biết doanh thu điện của công ty từ tháng 8 – 11/2022 đã đủ điều kiện để thanh toán nhưng vì một số lý do khách quan đến ngày 16/3 vẫn chưa nhận được tiền doanh thu trên từ công ty mua bán điện, dẫn đến chậm trả lãi, gốc trái phiếu. Công ty xin khắc phục trong 3 ngày làm việc, không quá ngày 22/3.

Khủng hoảng trái phiếu lan sang doanh nghiệp điện mặt trời, điện gió
Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo thường có quy mô vốn đầu tư rất lớn và sử dụng đòn bẩy cao không thua kém gì bất động sản.

Trước đó, hôm 25/3, Công ty Năng lượng Hoàng Sơn 2 đã họp hội nghị người sở hữu trái phiếu và đạt thỏa thuận gia hạn lô trái phiếu 500 tỷ đồng. Đồng thời tăng lãi suất áp dụng cho thời gian gia hạn lên 13%/năm.

Một doanh nghiệp liên quan đến Hoàng Sơn 2 là Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Nam Phương mới đây đã gia hạn 3 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành 1.650 tỷ đồng. Đồng thời công ty cũng phải tăng lãi suất trái phiếu áp dụng cho thời gian gia hạn lên 15%/năm so với lãi suất trước đó là 13%. 

Khủng hoảng trái phiếu đang có dấu hiệu lan sang một loạt doanh nghiệp trong năng lượng – lĩnh vực đầu tư sử dụng quy mô đòn bẩy vay vốn cao không thua kém gì bất động sản. Bên cạnh những doanh nghiệp xin gia hạn, chậm trả lãi gốc trái phiếu doanh nghiệp, một số doanh nghiệp năng lượng phải trả lãi suất cao trong các đợt điều chỉnh lãi suất gần đây do lãi suất tham chiếu (được tính theo lãi suất tiết kiệm) tăng cao.

Các lô trái phiếu của Tập đoàn Xuân Thiện, một đơn vị lớn trong lĩnh vực năng lượng cũng điều chỉnh lãi suất tăng mạnh. Cụ thể, các lô trái phiếu do Công ty Xuân Thiện Ninh Thuận, Công ty EA Súp 1 và EA Súp 3, Công ty Xuân Thiện Đắk Lắk đều tăng lên 14,5 – 15%/năm so với mức lãi suất trước đó khoảng 10 - 11%/năm.

Bên cạnh các doanh nghiệp có dự án đi vào hoạt động chịu áp lực về thanh toán lãi trái phiếu, các chủ đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp (do không kịp tiến độ hưởng giá điện cố định - FIT) đang chịu rủi ro lớn về khả năng trả nợ ngân hàng.

Trong văn bản gửi Thủ tướng ngày 10/3 vừa qua, nhóm 36 nhà đầu tư (có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp) kiến nghị về việc khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. 

Trong số này có một số doanh nghiệp lớn tham gia phát triển điện năng lượng tái tạo như: Tập đoàn Tài Tâm, Công ty Nexif Energy, Công ty Pacifico Energy Việt Nam, Công ty Asia Energy, Công ty Tân Hoàn Cầu, Công ty HBRE…

Theo các chủ đầu tư, nếu cơ chế mới được áp dụng, 34 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng vốn đầu tư gần 85 nghìn tỷ đồng không kịp hưởng giá điện cố định (FIT). Kéo theo đó, khoảng 58.000 tỷ đồng tiền tài trợ của ngân hàng có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu không thể thu hồi vốn.