Khuyến khích các dự án lớn công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc

Nhật Hạ - 16:31, 14/05/2024

TheLEADERViệt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, đồng thời Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Khuyến khích các dự án lớn công nghệ cao của doanh nghiệp Trung Quốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại tọa đàm ngày 14/5. Ảnh: Nhật Bắc

Tại tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam xác định rõ định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công - tư.

Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và ưu tiên cao.

Đơn cử như đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo chất lượng cao, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, y tế, giáo dục…

Trong đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cùng hợp tác để sớm có những dự án lớn, công nghệ cao, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Các dự án này áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, của khu vực, toàn cầu.

Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế để sớm cụ thể hóa, hiện thực hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, nhất là xây dựng các tuyến đường sắt, đường bộ xuyên biên giới, thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác qua biên giới, đẩy nhanh mở mới.

Đồng thời nâng cấp một số cặp cửa khẩu đã thỏa thuận, triển khai thí điểm cửa khẩu thông minh, thúc đẩy số hóa các hoạt động giao thương. Trung Quốc mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản, hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam.

Trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Chính phủ Việt Nam cam kết "ba cùng" và "ba bảo đảm".

Trong đó, “ba bảo đảm” gồm bảo đảm khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là hợp phần quan trọng của kinh tế Việt Nam; coi trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng với các khu vực kinh tế khác;

Bảo đảm các quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, ổn định về chính sách.

"Ba cùng", gồm cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, phát triển nhanh, bền vững; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.

Thủ tướng cho rằng hợp tác kinh tế - đầu tư - thương mại Việt Nam và Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số sẽ là động lực quan trọng, đột phá giúp đưa mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam.

Thông báo về các định hướng lớn thời gian tới, các doanh nghiệp Trung Quốc khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với đó mong muốn gắn bó lâu dài, tham gia tích cực trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa của Việt Nam, tin tưởng vào cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh với Việt Nam, trên nền tảng quan hệ ngày càng lớn mạnh và có nhiều điều kiện, ưu thế hợp tác độc đáo giữa hai nước.

Ông Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, phía Trung Quốc khuyến khích ngày càng có nhiều doanh nghiệp có thực lực, công nghệ, uy tín tích cực tham gia các lĩnh vực hợp tác theo các định hướng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập.

Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn bốn lần, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 172 tỷ USD.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 70 lần, trở thành nhà đầu tư lớn thứ sáu của Việt Nam.

Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam. Tính đến tháng 3/2024, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD.