Kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Phương Anh - 18:11, 16/05/2024

TheLEADERNhiều ý kiến đề xuất cần xóa bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để thị trường trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu thế giới.

Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu mới nhất, Bộ Công thương tiếp tục giữ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu với kỳ vọng góp phần bình ổn mặt bằng giá hàng hoá thiết yếu này, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên tiếp tục duy trì quỹ này.

PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, lấy ví dụ thực tế cho thấy, có những lúc quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở để một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.

Những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ như tình trạng thương nhân đầu mối lợi dụng như Xuyên Việt Oil, Hải Linh, Hải Hà, Thiên Minh Đức trong thời gian vừa qua cho thấy rõ điều đó.

Không chỉ vậy, đứng về phía doanh nghiệp xăng dầu, quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

“Do vậy, về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới”, ông Long đề xuất tại hội thảo về xăng dầu mới đây của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Ông giải thích thêm, về pháp lý, việc loại bỏ  Quỹ bình ổn giá xăng dầu không vi phạm Luật Giá 2012 cũng như Luật Giá 2023.

Luật này chỉ quy định về quỹ bình ổn giá nói chung, không đề cập trực tiếp đến quỹ bình ổn giá đối với xăng dầu. Theo quy định hiện hành, Chính phủ sẽ quyết định việc lập quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (được quy định cụ thể tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu).

Kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Hoàng Anh

Chia sẻ cùng quan điểm dưới góc nhìn pháp lý, ông Nguyễn Tiến Lập, luật sư điều hành cấp cao tại Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự, đánh giá, quy định cơ chế nhà nước định giá và can thiệp bằng biện pháp duy nhất là sử dụng quỹ bình ổn giá trái với Luật Giá.

Theo Luật Giá, xăng dầu không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà chỉ điều tiết giá khi có biến động lớn về thị trường thông qua lựa chọn linh hoạt các biện pháp và công cụ khác nhau và thích hợp.

Theo đó, ông khuyến nghị, Nhà nước chỉ điều tiết, can thiệp vào thị trường khi có biến động lớn liên quan đến an ninh chính trị - kinh tế. 

Khi can thiệp thì sử dụng linh hoạt nhiều công cụ điều tiết khác nhau, đặc biệt là thuế, hỗ trợ lãi suất tín dụng thay cho chỉ sử dụng quỹ bình ổn giá.

Cùng với đó, không can thiệp hành chính vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp ngoại trừ chức năng giám sát cạnh tranh. 

Không chỉ vậy, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dựa trên các cơ sở thực tiễn.

Đơn cử, nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như dự thảo thì mức độ biến động giá giữa hai lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn và việc điều hành giá chủ động, linh hoạt hơn theo giá thế giới.

Vị chuyên gia cho biết thêm, theo dõi cho thấy tâm lý của người tiêu dùng đã thích ứng được với việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước theo biến động giá thế giới.

Cùng với đó, diễn biến giá xăng dầu trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới nên những tác động của việc điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn qua mỗi lần điều chỉnh giá bán.

Lịch sử cũng cho thấy trong nhiều kỳ điều hành, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi quỹ nhưng thị trường vẫn ổn định.

Đồng thời, thực tế số tiền không đổi, trích rồi lại chi nên việc tác động đến CPI không nhiều mà chỉ tác động tăng/giảm tại thời điểm hoặc tác động tâm lý.

Trong nhiều kỳ điều hành, cơ quan điều hành gần như không thực hiện trích, chi Quỹ bình ổn nhưng thị trường vẫn ổn định
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Ngoài ra, ông Long phân tích, nguồn cung bước đầu được bảo đảm, hệ thống lưu thông phân phối được củng cố nhờ hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 doanh nghiệp phân phối và nhất là với sự tham gia của hai nhà máy lọc dầu.

Vì vậy, ông đánh giá, vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước đây.

Đồng thời, việc loại bỏ quỹ sẽ khắc phục được một số khó khăn, hạn chế từ trách nhiệm trong quản lý, sử dụng của doanh nghiệp đầu mối, việc tổng hợp theo dõi công bố và kiểm tra giám sát của Bộ Công thương, Bộ Tài chính; tránh sự “hoài nghi” từ dư luận xã hội.

Ở góc độ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị bỏ quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để người tiêu dùng không bị chịu thiệt thòi như hiện nay.

Bản chất quỹ là tiền của người tiêu dùng góp vào. Tuy nhiên, người tiêu dùng không tiếp cận và xử lý được thông tin về việc lập và sử dụng quỹ dù có quy định cho tất cả các doanh nghiệp phải công khai.

Nguyên nhân là bởi không có cơ chế tham gia giám sát của người tiêu dùng để bảo đảm sử dụng đúng và hiệu quả quỹ này.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương cuối tháng 3 vừa qua, bà Vũ Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thẳng thắn chỉ ra rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.

Bà cho biết thêm, cơ quan soạn thảo sẽ lấy ý kiến để đưa ra cơ chế phù hợp, đảm bảo đúng với Luật Giá và các quy định pháp luật liên quan.

"Dự thảo nghị định dự kiến quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương biện pháp bình ổn giá xăng dầu để thực hiện. Việc này cũng phù hợp với quy định của Luật Giá năm 2023 mới ban hành có hiệu lực từ 1/7/2024", bà Hiền nói.

Từ năm 2007, Chính phủ quyết định điều hành giá bán lẻ xăng dầu trên cơ sở giá thị trường. Ðến đầu năm 2008, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng đề án thành lập quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG).

Ðể hướng dẫn thực hiện việc trích lập quỹ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 234/2009/TT-BTC hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo đó, từ ngày 15/12/2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/lít (kg) vào quỹ.

Mức trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường.

Trích lập Quỹ bình ổn giá và chỉ sử dụng quỹ cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu trong nước theo quy định của pháp luật. Quỹ bình ổn giá được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hạch toán riêng bằng một tài khoản mở tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối có giao dịch.

Thương nhân đầu mối là chủ tài khoản, thực hiện các thủ tục liên quan để mở tài khoản, trích lập, thực hiện các nghiệp vụ thu, chi từ Tài khoản Quỹ bình ổn giá; đồng thời, có trách nhiệm công bố thông tin.

Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo bằng văn bản để các thương nhân đầu mối thực hiện.

Các thương nhân đầu mối đã thực hiện việc trích lập Quỹ bình ổn giá theo quy định thì được sử dụng một lần duy nhất để thực hiện mục tiêu bình ổn giá xăng, dầu. Không sử dụng quỹ để cấp vốn kinh doanh hoặc sử dụng khác mục đích.