Kỳ tích Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 09:10, 18/02/2021

TheLEADERTừ 1975 đến nay, TP.HCM đổi thay và phát triển đến bất ngờ. Nếu được chọn công trình tiêu biểu nhất, tôi sẽ không ngần ngại gọi tên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NLTN).

Tôi chọn kênh NLTN vì sự đổi đời mang ý nghĩa nhân sinh và sản phẩm du lịch độc bản, chưa đâu có. Nếu ai đó ngạc nhiên, thậm chí phản đối, xin bình tâm tìm hiểu ngọn nguồn.

Dòng kênh huyền thoại và ô nhiễm

Kênh NLTN hiện dài 8,7km; qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh, quận 1. Nhiêu Lộc là đoạn kênh từ nguồn về cầu Thị Nghè, đoạn đổ ra sông Sài Gòn là Thị Nghè. Kênh xưa có tên Preah Kampong (Bến Thần, tiếng Khmer), Nghi Giang, Bình Trị. Thị Nghè là bà Nghè Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của danh tướng Nguyễn Cửu Vân, chị Nguyễn Cửu Đàm, người xây Lũy Bán Bích.

Với trên 5.000 km sông rạch, thành phố có các sông lớn như Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp… và 5 kênh chính. Ngoài NLTN còn có Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật. Các sông và kênh được nối kết bởi vô số rạch nhỏ đan xen. Độ cao bình quân toàn thành phố là 1 - 1,5m; nơi cao nhất chưa tới 10m.

NLTN từng là kênh đẹp nhất Sài Gòn “Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải. Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai…” (theo Phú cổ Gia Định, Vương Hồng Sển sưu tầm). Những năm 50 thế kỷ trước, dòng kênh NLTN thoáng đãng, trong xanh; người dân thường bơi lội, câu cá, bắt cua, mò ốc, tắm giặt, nấu ăn… Ghe tàu chở hàng hóa, cây trái và khách thương hồ qua lại nườm nượp.

Dòng kênh là nhân chứng lịch sử. Tháng 2/1959, quân Pháp theo rạch Thị Nghè nổ súng tấn công thành Gia Định. Kịch chiến ác liệt, tương quan lực lượng quá chênh lệch, Gia Định thất thủ. Tháng 9/1945, mặt trận Thị Nghè vang dội cả nước, mở đầu Nam bộ kháng chiến và kết thúc vào mùa Xuân 1975.

Từ những năm 1960, chiến tranh lan rộng, người dân đổ về Sài Gòn ngày càng nhiều. Các dòng kênh bị lấn chiếm, bồi lắp, ngày càng ô nhiễm; nặng nhất là NLTN. Lời bài hát “Dòng nước đen hững hờ trôi, tìm đâu ánh sáng cuộc đời, trong xóm nghè lao động xơ xác, đường tối tăm quanh năm bùn lầy” (Người cha bến tàu - Trần Long Ẩn), phần nào phản ánh thực trạng dòng kênh một thời huyền thoại.

Lúc đầu nhà chỉ sát mé kênh nhưng dần dà cơi nới, lấn ra tận giữa, thành những khu ổ chuột. Nhà dân, chuồng heo, chuồng gà chen chúc. Nước kênh đen sì, rác nổi lềnh bềnh, hôi hám lan khắp vùng phụ cận. Người đi qua, dù bịt mũi vẫn không thoát vì mùi hôi bám vào hơi thở.

Sau 1975, thành phố đổi đời nhưng những dòng kênh cứ tiếp tục chết dần bởi rác và chất thải.

Kỳ tích Sài Gòn

Năm 1985, đất nước còn bao cấp nhưng lãnh đạo thành phố đã lên chương trình khơi thông kênh NLTN. 1988, nạo vét thí điểm chừng 50m gần cầu Nguyễn Văn Trỗi rồi tạm dừng vì không khả thi. Năm 1993, tái khởi động kế hoạch đầu tư cải tạo kênh căn cơ.

Năm 2003, Công ty CDM (Contruction and Designing Management - Mỹ) trúng thầu thiết kế. Năm 2005, Công ty CHEN 3 (Trung Quốc) trúng thầu xây dựng. Lần đầu tiên, nhà thầu Trung Quốc đưa robot hiện đại ra nước ngoài đào cống ngầm. 

Dự án có hàng loạt công trình: Xây trạm bơm công suất 20.000 m3/giờ; di dời và tái định cư 11.423 hộ dân; đặt hệ thống cống ngầm đường kính 3,2m, dài 8km, âm từ 10 – 30m; lắp 60km cống thu gom nước thải; nạo vét kênh; làm bờ bao và hai tuyến đường Hoàng Sa dài 8,3km, Trường Sa dài 7,8km...

Giai đoạn 2 (2021 - 2025) gồm xây nhà máy xử lý nước thải; tiếp tục xây phần cống thu nước thải còn lại; xây hệ thống thoát nước quận 2. Hiện nay gần 50% nước thải thu gom từ kênh NLTN tạm thời đổ ra sông Sài Gòn. Kinh phí dự kiến khoảng 478 triệu USD.

Sau gần 10 năm nỗ lực, công trình hoàn thành vào tháng 6/2012. Dù chưa bằng thời hoàng kim trước 1950 nhưng dòng kênh đã hồi sinh như phép lạ, cá lội tung tăng.

Quán xá nở rộ, hai con đường bờ sông đẹp như tranh, trở thành nơi chạy bộ, tập thể dục, thư giãn, câu cá… Kỳ tích như vậy nhưng ít ai biết. Ngay nhà đầu tư du lịch, đi vào hoạt động vài năm, mới tìm hiểu và ngỡ ngàng.

Kỳ tích Sài Gòn - TP.HCM
Kênh Nhiêu Lộc

Lọ lem thành hoa hậu

Cuối 2015, Công ty Sài Gòn Boat khởi động tour “Du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc”, có Audio Guide, sau rất nhiều gian nan, nhất là thủ tục hành chính. Nhưng lúc này, gang đường bờ kè, vẫn xộc mùi hôi, lâu lâu vẫn có cá chết nổi lềnh bềnh. Vẫn thường gặp cảnh người dân vứt rác, các bợm nhậu vô tư xả nước xuống kênh.

Dù hồi phục sức khỏe, được mặc áo mới nhưng thành kiến và hành vi của nhiều người với dòng kênh chưa dễ thay đổi. Có ngày công nhân vệ sinh thu gom gần 5 tấn rác. Tìm hiểu thêm, mới biết mùi hôi mà khách đi đường khó chịu là từ hệ thống cống dẫn. 

Cá chết lềnh bềnh mỗi năm vài đợt vào đầu mùa mưa, do nước từ mặt đất tràn xuống kênh, hòa tan mang theo đủ thứ chất thải. Hoặc dịp rằm tháng 7, người dân phóng sinh cá nước ngọt xuống dòng kênh nước lợ.

Độ sâu kênh bình quân 5m, rộng 27m (có đoạn 90m); có 24 cầu theo thứ tự 1, 2, Ông Tạ, 3, 4, Sạn (Sập), 5, 6, Bà Xép (Đen), 7, 8, Trần Quang Diệu, 9, Lê Văn Sỹ (Trương Minh Giảng), Công Lý, Kiệu, Trần Khánh Dư, Hoàng Hoa Thám, Bông, Bùi Hữu Nghĩa (Sắt, Đa Kao), Điện Biên Phủ (Phan Thanh Giản), Thị Nghè, Nguyễn Hữu Cảnh, Ba Lăng. Cầu Hoàng Hoa Thám dài nhất, 284m; cầu Ông Tạ ngắn nhất, 20m. Ba cầu bị dỡ là Ba Lăng, Sạn, Ông Tạ.

Nhờ những nỗ lực đồng bộ, từ việc dùng chế phẩm sinh học zeolite để gạn nước đến việc xử phạt chuyện xả rác, câu cá và nhiều người dân, bợm nhậu “tưới nước” không đúng chỗ; từ việc kiên trì tuyên truyền vận động người dân hành xử văn minh đến chuyện duy trì hoạt động đội tàu; rồi là việc tàu chạy thường xuyên vừa giải tỏa tâm lý, giúp người dân ý thức hơn vừa khuấy bùn từ đáy, đẩy ra sông, để dòng kênh ngày càng đẹp.

Từ việc làm dây phao ngăn rác theo thủy triều từ sông vào, đến trang trí đèn dưới mép sông hai bờ, điểm xuyết những nhóm tàu lững lờ neo đậu hoặc di chuyển. Tour “Du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc”, ngày càng đông. Hiện có 36 thuyền Phụng, mỗi thuyền từ 2 - 6 người; 4 thuyền Qui từ 7 - 15 người; 4 du thuyền trên 25 - 40 người. Trên thuyền có thức uống, ăn nhẹ, nhạc hòa tấu, ảo thuật và những trò vui bất ngờ.

Thuyền chạy êm, không nghe tiếng máy. Các dịch vụ chuẩn quốc tế. Thủy trình dài 4,5km với 90 phút. Bến đầu là Thị Nghè, qua các cầu Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, Bông, Hoàng Hoa Thám, Trần Khánh Dư, Kiệu, Công Lý và Lê Văn Sỹ; thuộc các quận 1, Bình Thạnh, 3, Phú Nhuận. Trong đó còn có cầu Lê Văn Sỹ nhưng do quá thấp nên tạm dừng.

Hai bến tàu xinh xắn, trang nhã; nơi bán vé, lễ tân, giải khát cho khách chờ. Tại bến cuối, khách lên xe điện, chạy dọc đường Hoàng Sa, về lại bến Thị Nghè. Có thể tiễn hoàng hôn, ngắm mưa, đợi trăng, “tắm trăng”, ngắm sao… Mỗi thời điểm, dòng kênh có nét riêng, từ màu sắc, ánh sáng, âm thanh đến mùi vị. Thoảng hương những món ăn từ các khu phố ẩm thực hai bên bờ, nghe gió Sài Gòn hào phóng, thấy mây Bến Thành lãng tử, cảm trăng Bến Nghé điệu đàng…

Đoạn kênh NLTN có cả thành phố thu nhỏ. Từ lịch sử, kiến trúc, đến văn hóa, ẩm thực. Một Sài Gòn - TP.HCM bình dị mà lịch lãm, nhộn nhịp mà hào hiệp, xa lạ mà thân quen … Từ Thảo Cầm Viên; mặt trận Thị Nghè; huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tòa nhà Landmark đến các chùa Vạn Thọ, Pháp Hoa, Kandaransi còn gọi là Chantarangsey (Khmer), tu viện Quan Âm, các phố ẩm thực, những chợ và xóm ven sông…

Ông bầu hoa hậu NLTN

Dù được hồi sinh, dòng kênh vẫn chịu nhiều ác cảm về ô nhiễm, thiên hạ cứ thờ ơ nếu không có Chủ tịch Công ty Du ngoạn Việt Anh Phan Xuân Anh, doanh nghiệp chuyên đón khách tàu biển đến Việt Nam, Campuchia và là chủ nhân mấy cơ sở lưu trú cao cấp.

Kỳ tích Sài Gòn - TP.HCM 1
Ông Phan Xuân Anh (bên phải) và ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours) cùng đoàn khách du lịch trong một tour trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh Việt Linh

Từ năm 2014, thành phố có kế hoạch phát triển du lịch đường thủy nội đô. Sở Du lịch cử hàng chục đoàn khảo sát. Bằng trực giác quản lý, Phan Xuân Anh chọn kênh NLTN vì gần sân bay, du khách thường đi ngang qua. Trước giờ, City Tour SG chỉ mấy điểm quanh quẩn trung tâm. Rất cần có sản phẩm mới. Tự thuê thuyền thực địa, mời thêm một số khách nước ngoài trải nghiệm, Xuân Anh đã quyết định mạo hiểm đầu tư.

Khó nhất là thủ tục hành chính, từ việc xây hai bến tạm đến đóng thuyền đáy bằng, đào tạo nhân lực, phải qua tận Mexico khảo sát. Thuyền đáy bằng có ưu điểm là không sợ lật, có thể chạy dưới mức nước 1m. Dù gia đình lẫn bạn bè can ngăn, Xuân Anh vẫn vững tin. Thị phần du lịch thường từ nội địa trước, du ngoạn kênh NLTN ngược lại. Tour độc bản, cảnh quan lạ nên tấp nập khách quốc tế, kéo theo khách nội địa. Mọi việc như được sắp xếp sẵn.

Covid-19 đã khai sinh thuật ngữ du lịch mới “Go Green”. “Eco Tour” dựa vào cảnh quan tự nhiên, “Go Green” dựa vào sự phục hồi những vùng đất bị ô nhiễm nhằm thay đổi bản chất cuộc sống tại chỗ. Kênh NLTN đi đầu thế giới về loại hình du lịch mới này. Đầu tư cho NLTN là trả ơn thành phố, đã cưu mang cậu bé tha hương từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, an cư và được sống chết với đam mê du lịch.

Xuân Anh còn đau đáu về cây xanh. Suốt ngày bàn việc trồng cây môi trường như sao, dầu, lồi, viết… và bức xúc với những “rừng giả” tràm keo, tràm tai tượng (tràm cao sản) xâm hại khắp đất nước; hỗ trợ nhiều nơi trồng cây sao. Luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhất là bà con nghèo, kiên trì cứu chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) khỏi chìm.

Giống như tên gọi, bề ngoài Xuân Anh có vẻ hơi nữ tính, nói năng nhỏ nhẹ, trang phục lúc nào cũng chỉn chu nhất đoàn. Thân quen, mới biết anh chàng giản dị, thông tuệ, xởi lởi, nghịch ngầm. Ghé nhà Xuân Anh, lần nào tôi cũng ngạc nhiên. Lần thì mày mò giữa đống đèn và phụ kiện thải để lắp ráp tái sử dụng. Lần thì mồ hôi nhễ nhại sơn cửa chung, tiết kiệm cho hẻm được mấy triệu bạc.

Những dự tính và mơ ước

Gặp nhau trước Tết, Xuân Anh khoe đang chuẩn bị vẽ bích họa lịch sử dưới chân cầu. Kênh NLTN sẽ là sản phẩm “Go Green” môi trường và sử Việt với các hoạt cảnh, đèn chiếu sáng từng điểm nhấn. Ước có cuộc thi làm đẹp mặt tiền nhà hai bên đường Hoàng Sa, Trường Sa và trao giải thưởng hàng năm. Thay cho việc trang trí đường phố cứng ngắc, tốn kém và làm người đi đường phân tâm, tập trung kinh phí cho việc làm đẹp mặt tiền bờ kênh.

Về lâu dài, quy hoạch đường Hoàng Sa và Trường Sa thành phố đi bộ, shopping, giải trí, làm nghề thủ công, chợ quê…, có thêm Kênh hoa Xuân. Cải tạo, nâng cấp các chợ ven kênh. Giữ nguyên cảnh quan, để NLTN là độc bản của thành phố, cùng địa đạo Củ Chi và rừng đước Cần Giờ.

Tiếp bước NLTN, sông Tô Lịch đang mơ viết nên kỳ tích Hà Nội. Muốn phát triển du lịch đường thủy, không thể để sông rạch ô nhiễm.