La liệt dự án du lịch chậm tiến độ

Nguyễn Cảnh - 08:25, 06/12/2022

TheLEADERThanh tra Chính phủ nhận định từ kết quả thanh tra quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng như 9 tỉnh, thành trực thuộc trung ương.

La liệt dự án du lịch chậm tiến độ
Nama Resort (Thừa Thiên Huế), một trong những dự án du lịch mang bóng dáng của Bitexco gặp vấn đề về tuân thủ quy định pháp luật

Trong thời kỳ 2007-2017, việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch tại nhiều địa phương còn nhiều vấn đề.

Điển hình, UBND TP.HCM đến thời điểm thanh tra chưa phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, chưa tổ chức sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện phát triển tổng thể ngành du lịch theo từng giai đoạn.

Tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành du lịch mang tính chất định hướng, chưa yêu cầu và bố trí kinh phí thực hiện hoạch định phân khu chức năng và hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; công tác cắm mốc xây dựng ngoài thực địa đối với các đồ án quy hoạch chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định.

Tỉnh Thừa Thiên Huế chưa thực hiện thông báo quy hoạch theo quy định; phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển du lịch không có ý kiến tham gia của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch; chưa có văn bản cụ thể hóa quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển du lịch của địa phương…

UBND tỉnh Quảng Nam lập quy hoạch điều chỉnh kéo dài (từ năm 2003 đến năm 2009 mới hoàn thành), chưa thực hiện đầy đủ việc thông báo quy hoạch theo quy định; việc phê duyệt quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển du lịch chưa có ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch…

Liên quan tới chấp hành chính sách, pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư phát triển du lịch, Thanh tra Chính phủ nhận định đa số các dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành xây dựng các hạng mục đã được phê duyệt (dù đã được cơ quan thẩm quyền cho cam kết, gia hạn tiến độ thực hiện dự án).

Việc thực hiện chính sách, pháp luật tại một số dự án còn xảy ra vi phạm.

Đơn cử, dự án tại Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch), chưa giải quyết dứt điểm diện tích đất 8.600m2 có liên quan đến Trường sỹ quan phòng hóa (thuộc Bộ Quốc phòng) và giải quyết các tồn đọng trong việc thanh toán kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 16 hộ dân tại khu vực cổng B Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn từ 2004 về trước; chưa lập phương án khảo sát, xác định yêu cầu, quy mô đền bù giải phóng trong phần diện tích đất khoảng 68ha tại khu G2 (khu tái định cư, nông trường) theo quy hoạch.

Đã thu hút đầu tư được 1 dự án (khu du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì Legend), chưa đạt được mục tiêu như kế hoạch đầu tư phát triển theo Quyết định 540 của Thủ tướng. Thanh tra Chính phủ nhận định, việc triển khai dự án còn rất chậm.

Trường hợp tiếp theo là dự án khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội (nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco). Kế quả thanh tra cho thấy, thời điểm cấp chứng nhận đầu tư lần đầu nhưng chưa được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua.

UBND TP. Hà Nội ra quyết định (tháng 5/2008) thu hồi đất cho Bitexco thuê để xây dựng khách sạn JW Marriott Hà Nội, trong đó diện tích khu khách sạn kết hợp sân vườn (giảm khoảng 5.500m2), diện tích mặt nước (tăng khoảng 5.200m2) chưa đúng diện tích theo Quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia được phê duyệt trước đó.

Việc xác định dự án thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư (theo danh mục kèm theo Nghị định 108 năm 2006 của Chính phủ giai đoạn trước 2014 là không đúng quy định. Số tiền thuê đất mà Bitexco phải nộp bổ sung là khoảng 26 tỷ đồng.

Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt dự án phát triển du lịch tại các tỉnh thành khác (như Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cần Thơ…) ghi nhận tình trạng chậm trễ, vi phạm pháp luật, chưa tuân thủ quy định liên quan. 

Tại Bình Thuận, hầu hết trong số 20 dự án du lịch đều chậm so với cam kết trong chứng nhận đầu tư.

Cụ thể, nhiều dự án có khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng (nhất là đối với các dự án triển khai từ năm 2013 hoặc trước đó nhưng thời gian thực hiện kéo dài). Chủ đầu tư không thỏa thuận được giá đền bù, hỗ trợ với người dân. 

Tình trạng này có nguyên nhân từ: năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, vướng mắc trong quy hoạch (bị chồng lấn với khu vực quặng titan, quy định giữ nguyên hiện trạng không được phép đầu tư, xây dựng mới công trình quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo), hoặc hạ tầng còn thiếu như đường giao thông, nước sinh hoạt…

Cơ quan thanh tra chỉ rõ việc một số chủ đầu tư chậm hoặc chưa nộp tiền thuê đất. Điển hình: Công ty TNHH Mũi Yến (dự án Khu du lịch sinh thái Mũi Yến) chưa nộp khoảng 192 triệu đồng tiền thuê đất năm 2018; Công ty CP Đầu tư du lịch Long Hải (dự án Làng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Long Hải) chưa nộp khoảng 2,2 tỷ đồng tiền thuê đất 2 năm 2016,2017; Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Tân Tiến (khu du lịch The Balé Mũi Né) nợ khoảng 4,2 tỷ đồng tiền thuê đất và 126 triệu đồng tiền chậm nộp; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ EDEN (khu du lịch biển Rừng Dương) nợ khoảng 970 triệu đồng tiền thuê đất.

Công ty CP Giải thưởng lớn Hòa Thắng (chủ đầu tư dự án Tổ hợp thể thao – dịch vụ - du lịch Hòa Thắng) còn nợ hơn 2,7 tỷ đồng tiền thuê đất.

Tại TP. Hải Phòng ghi nhận 2 trường hợp: Khu tổ hợp resort Sông Giá (được phê duyệt quy hoạch chi tiết sân golf và khu nghỉ dưỡng tổng hợp trong khi sân golf trong dự án chưa có trong quy hoạch chung xây dựng, nhà đầu tư Công ty TNHH Huyndai E&C Vina Sông Giá không thực hiện một số hạng mục dự án từ năm 2013 đến 2018, vi phạm Luật Đất đai); khách sạn 5 sao tại 12 Trần Phú, quận Ngô Quyền do Công ty TNHH Nhật Hạ đầu tư (Thủ tướng đã yêu cầu TP. Hải Phòng báo cáo về việc giao đất cho dự án).

Đặc biệt, là 11 dự án tại tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều trường hợp đáng chú ý. Điển hình, dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam (Công ty TNHH MTV Bãi Chuối (Việt Nam) chưa thực hiện một nội dung nào kể từ khi được cấp chứng nhận đầu tư năm 2008) đủ điều kiện để chấm dứt dầu tư theo quy định. Dự án nằm trong danh mục 29 dự án cần giám sát đặc biệt theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh năm 2017.

Hay như dự án khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải (Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland) ghi nhận tổng thời gian được gia hạn tiến độ là 87 tháng, thời gian không sử dụng đất liên tục (từ khi ký hợp đồng thuê đất đến thời điểm khởi công) là 48 tháng, tức gấp 4 lần thời gian quy định tại Luật Đất đai.