Lãi suất giảm kích thích kênh đầu tư trái phiếu

Trần Anh - 11:54, 14/08/2020

TheLEADERHiện trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp có lãi suất khoảng 10%, đây là mức lãi suất hấp dẫn nếu như so với tiền gửi tiết kiệm.

Trong chương trình FiinTrade Talk 2 với chủ đề Triển vọng và cơ hội chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2020, các chuyên gia chứng khoán nhận định, việc giảm lãi suất thời gian qua không đồng nghĩa với việc dòng tiền sẽ chảy vào thị trường chứng khoán.

Theo ông Đào Phúc Tường, nguyên Giám đốc Đầu tư của APS Singapore, lãi suất thấp phần nào phản ánh doanh nghiệp đang làm ăn khó khăn, điều này đồng nghĩa với việc đầu tư vào các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán trở nên rủi ro hơn.

Trong phương trình cân bằng về mặt giá chứng khoán đối với tác động của lãi suất thì luôn luôn có hai yếu tố. Một là, lãi suất rủi ro trái phiếu chính phủ giảm xuống. Nhưng yếu tố quan trọng hơn là risk premium (phần bù rủi ro) sẽ phải tăng lên.

Dẫn chứng tại thị trường Mỹ, lãi suất trái phiếu chính phủ trong 10 năm qua giảm rất sâu. Nhưng phần bù rủi ro của thị trường này hoàn toàn không giảm mà còn tăng lên.

“Mặt bằng lãi suất thấp quá cũng cho thấy doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chỉ những cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững, chi trả cổ tức ổn định mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Tường nhận định.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Đầu tư PVIAM cho rằng lãi suất tiết kiệm giảm sẽ khó có thể thúc đẩy dòng tiền chuyển sang chứng khoán.

Nguyên nhân bởi bản chất thị trường chứng khoán phức tạp, những người không có nhiều chuyên môn sẽ không tính tới việc rút tiền đổ vào chứng khoán và nếu có cũng không nhiều.

Bên cạnh đó, việc thị trường hồi phục mạnh trong giai đoạn qua khiến mặt bằng định giá không còn rẻ và khó kích thích nhà đầu tư mới tham gia như trước. Thị trường lúc này đang thiếu mồi lửa để hút dòng tiền, thiếu từ chính sách cho tới yếu tố đột phá từ nội tại doanh nghiệp.

Tha vào đó, nếu phải dịch chuyển kênh đầu tư, Giám đốc Đầu tư của PVIAM đánh giá việc giảm lãi suất sẽ kích dòng tiền chuyển sang đầu tư trái phiếu. Hiện trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp có lãi suất khoảng 10%. Đây là mức lãi suất hấp dẫn nếu như so với tiền gửi tiết kiệm.

Hiện tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài cao nhất ở các ngân hàng có lãi suất đạt khoảng 8%/năm. Mức chênh lãi suất 2% như vậy khiến nhiều người cảm thấy đủ để bù rủi ro khi bỏ tiền ra mua trái phiếu.

“Đặc biệt với những nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ khả năng phân tích và định giá doanh nghiệp, tài sản đảm bảo sẽ thấy được rằng đó là những trái phiếu tốt để mua ở giai đoạn này”, ông Linh chia sẻ.

Đánh giá về dòng vốn ngoại, các chuyển gia cho rằng, mặc dù chứng khoán Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại khá tốt, nhưng áp lực rút vốn khi có những biến cố như giai đoạn Covid-19 vừa qua cũng không nhỏ. Thống kê cho thấy khối ngoại rút ròng khoảng 20 nghìn tỷ đồng từ đầu năm tới nay (loại bỏ giao dịch mua thỏa thuận VHM). Lực rút của khối ngoại chủ yếu đến từ các quỹ ETFs cũng như các quỹ Global Fund.

Có 2 yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài rút tiền là rút để giải quyết vấn đề nội tại trong chính quốc gia, cũng như doanh nghiệp họ và các quỹ đánh giá lại rủi ro tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh các thị trường khác đều sụt giảm.

Theo ông Tường, dòng tiền ngoại vào thị trường cuối năm có thể kỳ vọng từ nhóm Frontier Markets trong trường hợp Việt Nam được nâng tỷ trọng trong rổ này. Ngoài ra, có thể xuất hiện một số thương vụ như việc các quỹ đầu tư vào nhóm VinGroup, Masan trong giai đoạn vừa qua. Dòng tiền này có thể tác động tích cực đôi chút tới thị trường nhưng là không quá rõ ràng và nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể hưởng lợi trực tiếp.