Lãi suất trái phiếu tăng dưới áp lực thắt chặt tiền tệ

Phương Anh - 11:51, 26/11/2022

TheLEADERViệc thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng, và làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái tài chính ở Đông Á mới nổi, theo nhận định mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết các đồng tiền trong khu vực giảm giá so với đồng USD, chứng khoán sụt giảm, và phí bảo hiểm rủi ro tăng trong giai đoạn cuối tháng 8 đến đầu tháng 11/2022.

Hầu hết các thị trường trái phiếu khu vực Đông Á mới nổi đều chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp. Lạm phát toàn cầu, tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc, và suy thoái kinh tế sau sự kiện xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục đe dọa tới triển vọng ngắn hạn của khu vực.

Ông Albert Park – chuyên gia kinh tế trưởng của ADB cho biết thêm các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10, so với tám tháng đầu năm 2022, do việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Tuy nhiên, cho tới nay, khu vực này về cơ bản vẫn có khả năng chống chịu, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi.

Cụ thể, việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi giảm hơn 1% so với quý trước, đạt 2,2 nghìn tỷ USD trong bối cảnh tâm lý đầu tư ảm đạm.

Trong khi đó, tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành tăng 2,3%, lên 22 nghìn tỷ USD.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên ASEAN, cùng với Trung Quốc, Hồng Kông, và Hàn Quốc.

Tổng lượng phát hành trái phiếu chính phủ giảm 4,5% so với quý trước, trong khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 5,7%, chủ yếu là nhờ việc các công ty Trung Quốc tận dụng những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong nước.

Lãi suất tăng đã dẫn tới mức sụt giảm 2% trong lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường ASEAN.

Tại Việt Nam, sau khi tăng trưởng mạnh trong quý trước, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đã giảm 0,2%, do thị trường trái phiếu sụt giảm và trái phiếu doanh nghiệp tăng chậm hơn. So với cùng kỳ năm ngoái, thị trường tăng hơn 20%, đạt hơn 97 tỷ USD.

Trái phiếu chính phủ giảm 2% do lượng tín phiếu ngân hàng trung ương đang lưu hành đáng kể so với quý trước. Dư nợ trái phiếu chính phủ đạt 67,3 tỷ USD.

Trong khi đó, tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp giảm 4% so với quý trước, đưa phân khúc này lên hơn 30 tỷ USD.

Tại cuộc họp bàn ngày 23/11 vừa qua, đại diện Bộ Tài chính cho biết sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.

Cùng với đó, các tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp chuyển sang gửi tiết kiệm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến, từ đó đề xuất giải pháp trước mắt, lâu dài, mục tiêu là củng cố niềm tin thị trường đưa thị trường phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi hợp pháp các nhà đầu tư, đi đôi với việc giúp cho doanh nghiệp huy động vốn kịp thời.

Quan điểm của Bộ Tài chính là các doanh nghiệp cần có trách nhiệm đầy đủ với nhà đầu tư theo những gì doanh nghiệp cam kết. Bên cạnh đó, sẽ lấy ý kiến, rà soát khung pháp lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có điều chỉnh phù hợp giúp thị trường ổn định và phát triển.