Lâm Đồng 'mắc kẹt' vì quy hoạch khoáng sản

Nguyễn Cảnh - 10:24, 09/06/2024

TheLEADERVới gần 70.200ha đất vướng quy hoạch khoáng sản, Lâm Đồng đang gặp khó vì các đồ án, quy hoạch xây dựng trên địa bàn đều “đứng hình” chờ ý kiến của Chính phủ, bộ ngành.

Tổng diện tích đất tại Lâm Đồng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là khoảng 70.190ha phân bổ tại các địa bàn TP. Bảo Lộc và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai và Đạ Tẻh.

Trong đó, riêng phần diện tích quy hoạch bauxite chiếm hơn 65.000ha, xếp sau là thiếc với hơn 4.800ha.

Quy hoạch khoáng sản quốc gia xác định, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ được phép triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, công cộng theo điều 62 của Luật Đất đai trên khu vực có khoáng sản theo nguyên tắc phải thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lập các đồ án quy hoạch xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương tại Lâm Đồng. 

Lý do, theo Sở Công thương tỉnh, các vị trí khoanh ranh quy hoạch rất lớn, ảnh hưởng đến nội dung và kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng, đa phần thuộc khu vực tập trung đông dân cư đã được đầu tư hạ tầng.

Quy hoạch cho thấy, khu vực khai thác, thăm dò khoáng sản bao gồm các khu dân cư đã sinh sống ổn định, nên việc di dời để khai thác khoáng sản sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, dẫn đến mất ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, thời gian quy hoạch khai thác khoáng sản đến năm 2050 trùng với thời gian quy hoạch xây dựng vùng huyện nên không thể triển khai các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã phê duyệt theo quy định.

Từ đây, dẫn tới các đồ án quy hoạch xây dựng không thể triển khai, thu hút đầu tư phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn, các khu chức năng theo quy hoạch vì vướng nguyên tắc thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trước sau đó mới thực hiện hoàn nguyên và triển khai đầu tư, xây dựng.

Sở Công thương cho biết thêm, đây là lý do khiến đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bảo Lâm đang phải tạm ngừng, chờ xin ý kiến của Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và môi trường.

Ngoài ra, quy hoạch khoáng sản còn ảnh hưởng tới việc triển khai quy hoạch tỉnh, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung và các dự án khác từ nguồn vốn đầu tư công đã được phê duyệt. 

Điển hình một số như: dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương; các khu dân cư, tái định cư khoảng 23ha tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; hệ thống cấp nước hồ Lộc Thắng.

Thêm vào đó, tỉnh Lâm Đồng hiện vẫn chưa có chỉ tiêu phân bổ đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản của các dự án đề xuất mới với diện tích hơn 63.200ha. 

Điều này dẫn tới quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện cũng chưa có cơ sở để cập nhật nội dung quy hoạch khoáng sản quốc gia thời kỳ mới.

Nhận định này được đưa ra dựa trên các quyết định của Thủ tướng về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025.

Đáng chú ý là mức độ ảnh hưởng cụ thể với từng địa bàn của quy hoạch khoáng sản quốc gia.

Tại TP. Bảo Lộc, diện tích thuộc khu vực quy hoạch thăm dò quặng bauxite khoảng 3.780ha, trong đó có địa bàn ghi nhận 65% diện tích tự nhiên nằm trong quy hoạch khoáng sản như xã ĐamBri với 2.145ha, phường Lộc Phát (gần 900ha, tương đương 35% diện tích tự nhiên), phường Lộc Tiến (gần 800ha, chiếm 61% diện tích).

Phần lớn diện tích thuộc quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản theo ranh quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản có dân cư tương đối đông. 

Tổng cộng, trên địa bàn Bảo Lộc có khoảng 27 nghìn người (17% dân số) bị ảnh hưởng bởi ranh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Tương tự, huyện Bảo Lâm có hơn 51.240ha đất nằm trong ranh quy hoạch. Trong đó, có khoảng 717ha quy hoạch đất ở đô thị, hơn 5.800ha quy hoạch đất ở nông thôn; 21.850ha quy hoạch đất nông nghiệp, khoảng 18.700ha đất lâm nghiệp.

Huyện Di Linh có quy hoạch khoáng sản gồm thiếc, bauxite và bentonit với tổng diện tích 8.700ha. Với phần lớn là đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư hiện hữu, sơ bộ trong ranh quy hoạch khoáng sản có khoảng 1.150 hộ gia đình với khoảng 4.900 nhân khẩu.