Làm sao để công nghiệp phụ trợ không còn là ‘phụ’?

Phương Anh - 20:09, 20/12/2018

TheLEADERMặc dù công nghiệp phụ trợ (công nghiệp hỗ trợ) đã được nhắc đến từ lâu, lĩnh vực này vẫn còn khá non trẻ và gặp nhiều khó khăn trong quá trình giúp Việt Nam trở thành một cứ điểm sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia.

Làm sao để công nghiệp phụ trợ không còn là ‘phụ’?
Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Báo cáo “Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây nhận định rằng, Việt Nam là điển hình cho câu chuyện thành công về phát triển nhanh. Tăng trưởng kinh tế kể từ những năm 1990 thường xuyên nằm trong nhóm nhanh nhất  thế giới, và tốc độ giảm đói nghèo đạt gần như chưa từng có.

“Việt Nam đã thu hút thành công FDI và gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Những thành quả về xuất khẩu cũng ấn tượng không kém, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trên 18% trong hai thập kỷ qua”, báo cáo chỉ rõ.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty trong nước còn có quy mô nhỏ và chỉ phục vụ thị trường nội địa. FDI đã mang lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam về tăng trưởng, xuất khẩu và việc làm, nhưng ít quan tâm hơn đến phát triển mối liên kết với nền kinh tế trong nước.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao lại có hàm lượng nhập khẩu cao và giá trị gia tăng trong nước thấp, do đó con số đóng góp ròng vào nền kinh tế của các công ty FDI không cao như nhìn ngoài.

“Các liên kết cung ứng hiện nay thường có xu hướng gắn với sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, như các vật tư đơn giản và bao bì. Về cơ bản, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước được tích hợp gián tiếp vào các GVC chứ không phải là nhà xuất khẩu trực tiếp và sản xuất các linh kiện không phải quan trọng (ngoại vi) của chuỗi giá trị thượng nguồn hoặc tham gia vào việc lắp ráp hạ nguồn”, báo cáo nhấn mạnh.

Điều này được phản ánh trong bảng xếp hạng của Việt Nam về chất lượng của các nhà cung cấp địa phương trong Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu, nơi Việt Nam xếp thứ 109 trong số 138 nền kinh tế, đứng sau rất xa Philippines (74), Thái Lan (77) và Malaysia (22).

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2018, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) Koji Ito nhận định rằng lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam được nhận định có tiềm năng cao nhưng hiện còn quá nhỏ bé tính trên thành phẩm đầu ra, chưa đủ sức hấp dẫn và trở thành mục tiêu đầu tư.

Tại hội thảo công nghiệp hỗ trợ Việt Nam do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức hồi giữa tháng 10, chuyên gia nghiên cứu của văn phòng Jetro TP. HCM cho biết năm 2017, tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là 33,2%, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực.

Nếu chỉ tính tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp nội địa thì chỉ còn 13,1% và đang ở mức dưới tiêu chuẩn. Trong khi đó, con số này của Thái Lan năm ngoái là 23,7%, Indonesia 20,2%, Malaysia 18,8%, Philippines 14,5% và Trung Quốc thậm chí lên tới 40%.

Tuy đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước như xuất khẩu nhưng để phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước, Việt Nam vẫn nhập siêu linh kiện, phụ tùng với giá trị rất lớn. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng gần 45 tỷ USD. Nếu tính cả các ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may - da giày, kim ngạch nhập khẩu công nghiệp hỗ trợ năm 2016 lên tới 63 tỷ USD.

Làm sao để công nghiệp phụ trợ không còn là ‘phụ’?
Ngay cả những sản phẩm xuất khẩu hàng đầu như dệt may cũng có kim ngạch nhập khẩu công nghiệp hỗ trợ lớn

Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra. Do đó, CNHT kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp.

Theo Thủ tướng, Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

“Công tác xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển mới có 23 giấy xác nhận ưu đãi. Thấp quá!”, Thủ tướng bày tỏ.

Một hạn chế nữa được chỉ ra là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng, nguyên nhân là do nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng được yêu cầu. “Vì sao Trường Hải Ô tô phát triển được, vì có trường đào tạo có quy mô, chất lượng tốt, ngay trong tập đoàn của mình”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Chìa khóa để Việt Nam thành công xưởng mới

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra một số kiến nghị nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Tổ chức này khuyến nghị thành lập ban liên ngành về công nghiệp hỗ trợ và cạnh tranh với sự tham gia của cả khu vực công và tư (công ty đầu chuỗi và nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu).

Cụ thể, “Ủy ban sẽ làm việc với các cơ quan Chính phủ (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh, thành, vv…) để xác định vai trò và trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ trong giải quyết những khó khăn chính trong môi trường kinh doanh và các quy định có thể ảnh hưởng đến liên kết”, báo cáo chỉ rõ.

Việt Nam cũng được khuyến nghị thành lập chương trình phát triển nhà cung cấp để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong những lĩnh vực ưu tiên nhằm kết nối các tập đoàn đa quốc gia với các công ty nội địa.

Tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để Việt Nam thành một công xưởng sản xuất, có thể của châu Á, của thế giới hay của ASEAN. “Tinh thần là làm sao Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia”.

Giái pháp thứ nhất là phát triển các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp đất nước nói chung, đặc biệt chú trọng khởi nghiệp sáng tạo định hướng đầu tư công nghiệp hỗ trợ bởi “không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển CNHT”. Doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng gia nhập chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị.

Theo đó, công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số cần được nghiên cứu phát triển, áp dụng vào thực tế công nghiệp hỗ trợ. “Chúng ta không thể làm tất cả các phụ tùng, chi tiết liên quan nhưng nếu ô tô anh làm được 40-45% chi tiết phụ tùng thành công thì đã thành công căn bản công nghiệp hỗ trợ”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.