Làm sao để kinh tế số Việt Nam thành hình và phát triển?

Đức Duy - 13:29, 02/05/2019

TheLEADERMặc dù sở hữu tiềm năng lớn, kinh tế số của Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức, đòi hỏi sự tiên phong của Chính phủ.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek công bố cuối năm ngoái, trong số 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế Internet (kinh tế số) tăng trưởng cao nhất với tổng giá trị chiếm 4% GDP.

Năm 2018, kinh tế số của Việt Nam ước đạt 9 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng gộp ở mức 38% giai đoạn 2015 – 2018 và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 30 tỷ USD.

Với mức tăng trưởng gần như gấp đôi của ngành thương mại điện tử trong năm 2018 so với năm 2017, dịch vụ quảng cáo trực tuyến và game online (trò chơi trực tuyến) tăng trưởng hơn 50% so với cùng kì năm trước đó, kinh tế số tại Việt Nam được đánh giá đang trong thời kì hoàng kim.

Số liệu được EuroCham dẫn trong Sách Trắng 2019 cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng hơn 50 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn một nửa dân số trong khi con số này chỉ ở mức 17 triệu người năm 2007.

Lượng người sử dụng vượt mức trung bình toàn cầu là 46%, đưa Việt Nam vào Top 20 thế giới.

53% người dân Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh, tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2014, vượt xa các nước khác ở Đông Nam Á như Philippines (44%) và Indonesia (27%), theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

Sự tăng trưởng về truyền thông và kết nối này chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Tại hội thảo "Hoàn thiện thể chế và các điều kiện nền tảng để phát triển kinh tế số tại Việt Nam" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân 2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng dẫn nghiên cứu của Tổ chức Data 61 (Australia) cho biết, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Ông Thắng nhận định kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng, có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp.

Trong sự chuyển biến ấy, doanh nghiệp sẽ là trung tâm của sự phát triển kinh tế số.

Ông Đặng Tùng Sơn, CEO CMC Telecom tại Hội thảo cũng nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, giúp kinh tế số tại Việt Nam “cất cánh”. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu cần xây dựng những trung tâm dữ liệu lớn, nơi lưu trữ, chuyển đổi dữ liệu, cung cấp không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.

Làm sao để kinh tế số Việt Nam thành hình và phát triển?
Doanh nghiệp sẽ là trung tâm của sự phát triển kinh tế số.

Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn, Việt Nam đang gặp phải thách thức lớn nhất và một trong những điểm yếu nhất chính là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc đi vào triển khai.

Theo ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng trên thực tế, chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu.

Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả.

Ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, vị Phó chủ tịch FPT nhận định đây là lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh lại được triển khai "rất nửa vời".

"Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn", ông Ngọc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, an toàn thông tin cá nhân cũng là một thách thức trong việc phát triển kinh tế số.

"Bao nhiêu phần trăm trong số chúng ta sử dụng điện thoại thông minh có thể khẳng định mình không bị theo dõi. Khi một người dân có tiền mua điện thoại, thì việc đảm bảo tự do cá nhân sẽ thuộc trách nhiệm của ai", ông Phạm Thế Trường, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam đặt vấn đề.

Theo ông, Chính phủ cần có những biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong nền kinh tế số trước những thách thức ngày càng gia tăng.

Làm sao để kinh tế số Việt Nam thành hình và phát triển? 1
Tính an toàn là một trong những thách thức mà kinh tế số Việt Nam đang gặp phải.

Tại hội thảo, TS. Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam cho rằng, có bốn việc cần thực hiện để có thể phát triển kinh tế số.

Thứ nhất, cần thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. TS. Brian Hull cho rằng, Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất.

Đây là cách để mọi người hiểu rằng, công nghệ số đang hiện diện và những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.

Thứ hai, tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khi công nghệ mới xuất hiện, những doanh nghiệp này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai. Ông Brian Hull khuyến nghị Chính phủ hoặc những doanh nghiệp lớn có thể xây dựng những cơ chế tư vấn, hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu, đưa ra những lời khuyên miễn phí để công nghệ đi vào sản xuất.

Thứ ba, đảm bảo an ninh mạng. Tổng giám đốc ABB Việt Nam cho rằng nếu có hạ tầng thông minh thì song song với điều này là việc xây dựng những giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống.

Thứ tư, đóng góp của Chính phủ trong sự phát triển của kinh tế số khi Chính phủ có thể dẫn dắt, làm gương trong hoạt động này.

EuroCham trong Sách Trắng 2019 khuyến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh quá trình số hóa nền kinh tế và tiếp tục áp dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất cũng như trong các ngành công nghiệp khác để tăng năng suất và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các trường đại học cần hợp tác để tăng cường các kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động, đặc biệt tập trung vào giáo dục và đào tạo để trang bị cho sinh viên sẵn sàng đảm nhận các công việc công nghệ cao trong tương lai.

Một báo cáo gần đây của PricewaterhouseCoopers cho thấy, thị trường lao động không đủ năng lực và kỹ năng là thách thức lớn thứ hai mà Việt Nam phải đối mặt.

“Nếu Chính phủ có thể giải quyết thách thức này, nền kinh tế của Việt Nam sẽ được tạo điều kiện phát triển và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị”, EuroCham nhấn mạnh.