Làn sóng rút tiền ở các quỹ trái phiếu của Techcom Capital, SSIAM, DragonCapital

Trần Anh - 14:54, 28/10/2022

TheLEADERCác công ty quản lý quỹ đầu tư có thể bắt đầu lo lắng việc nhà đầu tư rút tiền liên tục sẽ dẫn đến khó khăn thanh khoản.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đã lên đến hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là diễn biến được xem là tích cực nhằm từng bước tháo gỡ ngòi nổ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau nhưng diễn biến tiêu cực trong thời gian vừa qua. 

Trong nhóm mua lại trái phiếu nhiều nhất từ đầu năm, ngân hàng tiếp tục dẫn đầu, chiếm gần 80% giá trị mua lại, theo sau là các doanh nghiệp bất động sản. Nổi bật là nhóm các công ty Azura, Yamagata hay Osaka Garden, Bông Sen...Nhóm các doanh nghiệp niêm yết như NovaLand, Sunshine Homes hay Becamex IDC, An Gia cũng mua lại hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Bên cạnh làn sóng mua lại trái phiếu này, một diễn biến đang chú ý khác là xu hướng mua lại các chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu trong những tuần gần đây. Đặc biệt sau khi vụ án thứ 2 liên quan đến trái phiếu của Tập đoàn An Đông xảy ra.

Cụ thể, tại quỹ trái phiếu Techcom (TCBF), một trong những quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thị trường, trong 3 tuần liên tiếp đầu tháng 10 đã phải mua lại hơn 3.200 tỷ đồng chứng chỉ quỹ. Trong khi lượng phát hành thêm chỉ khoảng hơn 500 tỷ đồng. 

Điều này khiến tổng giá trị danh mục của TCBF giảm từ gần 20.000 tỷ đồng xuống còn gần 18.900 tỷ đồng (đến ngày 24/10). Hoạt động mua lại trong tuần này chưa được báo cáo nhưng giá trị danh mục của TCBF đã tiếp tục giảm xuống còn 16.600 tỷ đồng tại báo cáo ngày 26/10.

Làn sóng rút tiền ở các quỹ trái phiếu của Techcom Capital, SSIAM, DragonCapital
Báo cáo tài sản ròng của TCBF các tuần gần đây

Ở các quỹ có quy mô nhỏ hơn như quỹ đầu tư trái phiếu DC (DCBF) do Dragon Capital quản lý, trong 3 tuần đầu tháng 10 đã bị rút khoảng 190 tỷ đồng, trong khi lượng phát hành thêm không nhiều. Kết quả là giá trị của quỹ giảm từ 820 tỷ đồng xuống còn 658 tỷ đồng.

Tại quỹ đầu tư trái phiếu SSI (SSIBF) do SSIAM quản lý, trong báo cáo tuần hôm 24/10, quỹ này bị nhà đầu tư rút 178 tỷ đồng, tuần trước đó là 232 tỷ đồng và trước đó nữa là 81 tỷ đồng. Điều này khiến giá trị tài sản ròng của quỹ giảm từ hơn 1.500 tỷ xuống còn 1.141 tỷ đồng.

Tại quỹ đầu tư trái phiếu MB (MBBond) do MBCapital quản lý, trong báo cáo tuần từ 12 - 18/10, số chứng chỉ quỹ bị mua lại ròng là 371 tỷ đồng, tuần trước đó là 141 tỷ đồng và tuần trước đó nữa là 105 tỷ đồng. Kết quả là giá trị tài sản ròng của quỹ giảm từ 2.547 tỷ đồng hồi đầu tháng 10 xuống còn 2.303 tỷ đồng.

Hiện tượng các nhà đầu tư bán chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu xảy ra ngày càng nhiều so tâm lý lo ngại những người bán sau sẽ chịu thiệt hại hơn những người bán trước. Điều này càng được hỗ trợ bởi xu hướng tăng lãi suất huy động gần đây của các ngân hàng thương mại, khi nhà đầu tư coi chứng chỉ quỹ như một khoản tiết kiệm.

Các công ty quản lý quỹ đầu tư có thể lo ngại việc nhà đầu tư rút tiền liên tục có thể dẫn đến khó khăn thanh khoản. Tuy vậy phần lớn các quỹ trái phiếu hiện nay có quy mô nhỏ từ vài trăm tỷ đến hơn 1.000 tỷ đồng và không phải quỹ nào cũng bị rút ròng. 

Ngoài trừ quỹ TCBF có quy mô lớn nhưng trong nhiều năm qua TCBF cũng có lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng từ việc nắm giữ danh mục trái phiếu này. Các trái phiếu trong danh mục của TCBF cũng chủ yếu là các doanh nghiệp lớn. 

Báo cáo tài chính quý 3 của quỹ này cũng cho thấy nguồn tiền mặt dồi dào bao gồm 1.170 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và hơn 3.138 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng.