Lãnh đạo thời ‘hoang mang’

Đặng Hoa - 08:00, 25/01/2023

TheLEADERQuay về với những giá trị cơ bản của con người, quay về với năng lực cốt lõi của chính mình sẽ làm nên chân dung nhà lãnh đạo đích thực trong thời “hoang mang” và trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn hiện nay.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Cách đây không lâu, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE và Viện trưởng Viện Giáo dục IRED Giản Tư Trung nhận được một cuộc gọi từ Hội đồng biên soạn sách giáo khoa lớp 11 với lời xin phép trích dẫn nội dung “Làm việc cũng là làm người” trong quyển sách “Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh” đã được xuất bản cách đây 7 năm.

Nhận được lời đề nghị, một người dành nhiều tâm huyết cho giáo dục khai phóng như ông không chỉ đồng ý mà còn bày tỏ sự vinh dự vì cho rằng, nếu tư tưởng này đi vào giáo dục phổ thông thì có thể chạm đến hàng triệu học sinh là những thế hệ tương lai của đất nước.

“Lâu nay, hai thứ này thường bị tách bạch, nhưng thật ra con người mình như thế nào thì sẽ làm việc, làm lãnh đạo, làm kinh doanh như thế đó”, vị tác giả sách cũng đồng thời là người thầy của nhiều thế hệ doanh nhân nói.

Sự lan toả mạnh mẽ không ngừng của cuốn sách “Đúng việc” đã được xuất bản nhiều năm trước, cũng như của talkshow với chủ đề “Bàn về Sự học” mà ông tham gia gần đây dù những tác phẩm này không hề “bắt trend” có khiến ông suy ngẫm điều gì?

TS. Giản Tư Trung: Rõ ràng, tiềm ẩn bên trong con người, ai cũng có khát khao rất lớn trong hành trình tự lực khai phóng bản thân, tìm ra chính mình, làm ra chính mình và sống với chính mình, cũng như việc tìm về với bản chất và chân giá trị của mọi thứ, nhưng đôi khi không biết phải làm gì và bắt đầu từ đâu.

Theo tôi, cách tốt nhất để khai minh, khai sáng bản thân là định nghĩa lại, tư duy lại những quan niệm và khái niệm quan trọng nhất trong đời, chẳng hạn như: thế nào là con người, thế nào là thành công, thế nào hạnh phúc, thế nào là độc lập, thế nào là tự do, thế nào là tử tế, thế nào là trách nhiệm, thế nào là yêu bản thân...

Ví dụ, nhiều người hay nói “yêu bản thân”, nhưng “bản thân” không chỉ là “thân thể” mà còn là “bản thể”. Yêu bản thể tức là không cho phép mình làm những điều tổn hại đến uy tín, danh dự và phẩm giá của chính mình.

Trong các tác phẩm này, tôi không xác lập một chân lý nào cả, vì không ai được độc quyền chân lý. Cuốn sách như một sự gợi mở để mọi người cùng nhau đi tìm ra chân lý. Đó cũng chính là hành trình khai minh của mỗi người, mỗi nhà, mỗi tổ chức và mỗi xứ sở. Và một phần nữa, có lẽ, cái gì đi từ trái tim sẽ chạm đến được trái tim.

Lãnh đạo thời ‘hoang mang’
Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE và Viện trưởng Viện Giáo dục IRED Giản Tư Trung

Bối cảnh lúc này, từ góc nhìn của ông, như thế nào?

TS. Giản Tư Trung: Khi nói đến bối cảnh, người ta hay nhắc đến kinh tế, chính trị, khoa học, công nghệ… mà chưa nhìn sâu vào bối cảnh văn hoá trong khi nó mang tính bao trùm về mặt tinh thần, tư tưởng và tư duy. Điều này cũng không quá khó hiểu vì bối cảnh mới về văn hoá dù có tác động sâu rộng hơn, dài lâu hơn nhưng lại khó thấy, vì thường vô hình và ít khi được thể hiện rõ ràng qua các con số.

Để mô tả về bối cảnh văn hoá của thế giới hiện nay, 6 chữ mà tôi đã được sử dụng suốt 15 năm qua đến nay vẫn không sai: biến động, chóng mặt và khôn lường. Đặc biệt, chóng mặt vì sự thay đổi diễn ra ở tốc độ không thể tưởng tượng. Nếu nói một cách ví von thì sự thay đổi của 4 ngàn năm cộng lại cũng không bằng sự thay đổi của riêng thế kỷ 20, sự thay đổi của cả thế kỷ 20 cũng không bằng 10 năm đầu thế kỷ 21, và sự thay đổi của 10 năm đầu thế kỷ 21 cũng không bằng sự thay đổi của riêng năm vừa rồi.

Bối cảnh đó dẫn đến 3 hệ lụy khủng khiếp về văn hoá. Một là mọi giá trị đều bị thách thức. Có những giá trị đã tồn tại hàng ngàn năm đến nay vẫn bị nghi ngờ và thậm chí bị lật đổ. Hai là nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, và ba là nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Vì vậy mà khủng hoảng về văn hóa và các khó khăn khác cũng chính là một phép thử cho tầm nhìn, bản lĩnh và nội lực của người lãnh đạo.

Bối cảnh bên ngoài biến động dữ dội, con người cuối cùng cũng muốn quay về với chính mình để tìm sự vững chãi từ bên trong. Khi mà vô số giá trị, chuẩn mực và niềm tin hàng ngàn năm nay bị lật đổ trong khi những giá trị, chuẩn mực và niềm tin mới lại chưa được hình thành, hoặc đã được hình thành nhưng chưa vững chắc thì tất cả mọi người, dù là ai ở đâu, cũng sẽ dễ bị hoang mang và lạc lối. Cũng vì vậy mà ít ai cảm thấy vững vàng cho dù có ngồi trên núi tiền hay danh tiếng lẫy lừng.

Rõ ràng, chúng ta đang phải sống, làm việc và lãnh đạo trong thời hoang mang!

Vậy lối đi đúng giữa bối cảnh hoang mang này là gì, thưa ông?

TS. Giản Tư Trung: Đó là: Quay về với những giá trị nền tảng của con người. Đó là các giá trị có tính phổ quát và trường tồn, những giá trị mà sẽ đúng với mọi người ở mọi nơi và trong mọi thời.

Suy nghĩ nhiều năm tháng, tôi tự hỏi, rốt cuộc cái gì mới là giá trị nền tảng khi mọi chân lý đều bị thách thức. Cuối cùng, câu trả lời được tìm ra chỉ nằm trong một từ: NHÂN BẢN.

Nhân là người, bản là gốc. Nhân bản tức là lấy con người làm gốc, mà cụ thể là phẩm giá, độc lập, tự do và hạnh phúc của con người làm gốc. Con người cần nhân bản với chính mình và nhân bản với người khác.

Một thầy cô giáo, một vị phụ huynh hay một nhà lãnh đạo, cho dù họ dùng bất cứ phương pháp nào để dạy trò, dạy con hay đào tạo nhân viên của mình, nhưng nếu cứ lấy phẩm giá, độc lập, tự do và hạnh phúc của chính mình, của học trò, con cái hay nhân viên của mình làm trọng thì sẽ chẳng bao giờ sai.

Có những thứ hàng ngàn năm là chân lý cũng sẽ bị lật đổ nếu không nhân bản. Ngược lại, những thứ dù mới mẻ nhưng nếu nhân bản vẫn sẽ được đón nhận nhanh chóng. Chẳng hạn, hàng ngàn năm nay người ta vẫn định nghĩa “hôn nhân là cuộc hôn phối giữa người đàn ông và người đàn bà” đã nhanh chóng chuyển sang một chân lý mới: “hôn nhân là cuộc hôn phối giữa một con người với một con người”. Sự thay đổi đó dựa trên hai chữ nhân bản, bởi lẽ ai trên đời này cũng có “quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Vừa rồi, tôi có dịp nói chuyện với một tập đoàn tài chính có quy mô mấy chục ngàn nhân viên. Vị chủ tịch đặt câu hỏi: “Tập đoàn hiện nay có đủ nhân sự từ đầu 5x, 6x, cho đến 10x tạo ra khoảng cách thế hệ quá lớn nên làm thế nào để dung hoà thế hệ và quản trị thế nào để phù hợp với sự đa dạng đó”.

Tôi đã chia sẻ, không thể phủ nhận các “đầu” này làm việc với nhau sẽ rất khó, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, nhưng sẽ bớt khó đi rất nhiều nếu như chúng ta cùng nhau hiểu rằng, cho dù đầu 5, đầu 6, đầu 7, đầu 8, đầu 9 hay đầu 10 thì tất cả cũng đều là “đầu người”.

Nếu như tất cả các thành viên của tổ chức đều làm việc với nhau dựa trên cơ sở chia sẻ giá trị chung của con người thì cho dù có khác nhau đến mấy về tuổi tác, ngôn ngữ, màu da, quốc tịch, chủng tộc hay tôn giáo cũng vẫn có thể cùng làm việc và hợp tác tốt với nhau.

Liệu một từ NHÂN BẢN có đủ hay không?

TS. Giản Tư Trung: Từ nhân bản này, nếu không được đặt trên nền tảng của sự “KHAI MINH” thì có khi sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ, khi con người ta vô minh thì có thể làm những điều phi nhân nhưng vẫn thấy mình rất nhân bản và thậm chí còn rất hạnh phúc và tự hào về những điều phi nhân mà mình đã làm.

Khai là “mở” và minh là “sáng”. Khai minh tức là mở ra con người tăm tối của mình để đưa ánh sáng vào và làm cho con người mình sáng ra. Có 5 loại ánh sáng cần thiết cho quá trình này, đó là ánh sáng của chân lý, của công lý, của tự do, của sự thật và của tình thương. Trong đó, thứ ánh sáng dễ thấy nhất là ánh sáng của tình thương yêu và lòng trắc ẩn, đó là thứ ánh sáng tuyệt vời. Với những thứ anh sáng này, nhân bản sẽ hình thành và diễn ra một cách tự nhiên mà không phải gồng mình. Khi đó con người không cần cố gắng làm điều tốt mà thiện lành đã là căn tính, là bản tính của mình.

Ông có thấu cảm thế nào về tâm trạng của giới doanh nhân Việt trong bối cảnh hoang mang hiện nay?

TS. Giản Tư Trung: Từ sâu thẳm, con người ta ai cũng muốn làm ăn đàng hoàng tử tế, nhưng đôi khi cũng rất khó trong bối cảnh hiện nay. Môi trường kinh doanh nhiều phức tạp và mê hồn trận cơ chế chính sách khiến nhiều khi họ bị “chết đứng như Từ Hải”. Nghề doanh nhân thì nhiều vinh quang, nhưng cũng lắm gian truân và không ít đắng cay, bởi có ai kinh doanh thành công mà chưa từng thất bại, mà có khi là thất bại đớn đau.

Ngoài ra, để cảm được nỗi niềm của doanh nhân thì cần đi sâu vào khía cạnh văn hóa của doanh nhân, của doanh nghiệp và của xã hội.

Và với doanh nhân thì khía cạnh văn hóa quan trọng nhất chính là sự giàu sang. Ai cũng muốn giàu sang, nhưng thế nào là “giàu sang”? Tại sao có nhiều người giàu mà không sang?

Muốn biết một người có giàu hay không thì hãy nhìn vào túi tiền của họ. Nhưng muốn biết một người có sang hay không thì cần phải nhìn vào “túi văn hóa” của họ. Vậy “túi văn hóa” là gì? Cái này rộng lắm, nhưng nếu nói đơn giả thì chính là đạo sống, giá trị sống và thái độ sống của ta, hay nói nôm na hơn là cách sống và cách làm người của ta.

Một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự sang trọng của một doanh nhân, đó chính là cách kiếm tiền và cách xài tiền của họ. Kiếm tiền đã khó, xài tiền còn khó hơn. Bởi lẽ, cách kiếm tiền và cách xài tiền sẽ thể hiện rõ chất con người của doanh nhân. Những doanh nhân có tầm vóc văn hóa sẽ luôn được kính trọng vì cách kiếm tiền và cách xài tiền của họ.

Lãnh đạo thời ‘hoang mang’ 1
Rõ ràng, chúng ta đang phải sống, làm việc và lãnh đạo trong thời hoang mang!

Theo ông, như thế nào là người doanh nhân có tầm vóc văn hoá?

TS. Giản Tư Trung: Họ luôn có niềm tin và giá trị sống, cuộc đời và sự nghiệp của họ được dẫn dắt bởi giá trị (value-driven) thay vì chỉ lợi ích (money-driven).

Các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam luôn có khát khao tuyển CEO người Việt vì chi phí rẻ hơn và hiệu quả cao hơn nhờ thấu hiểu thị trường bản địa, nhưng hiện vẫn khá ít tập đoàn tuyển được.

Nếu lý do lớn nhất của ngày xưa nằm ở năng lực quản trị của người Việt còn khá hạn chế thì nay dù năng lực quản trị của nhiều người Việt đã tiệm cận quốc tế nhưng vẫn còn ít người được tuyển chọn. Bởi lẽ, họ vẫn không dễ tìm được người mà vừa có tài năng lãnh đạo, lại vừa được dẫn dắt bởi các giá trị nhân văn.

Nhưng rõ ràng, nếu lợi ích dẫn dắt họ thì họ sẽ kiếm được nhiều tiền cho tổ chức. Việc được dẫn dắt bởi giá trị liệu có giúp họ làm được điều đó?

TS. Giản Tư Trung: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt” hay “thật thà thẳng thắn thường thắng to”? Cái nào đúng thì tùy vào giá trị và niềm tin của từng người.

Thực tế cho thấy, trên khắp thế giới, vẫn có vô số doanh nhân và doanh nghiệp khi được dẫn dắt bởi giá trị thì họ không chỉ rất giàu có, giàu bền vững mà còn rất được kính trọng. Chẳng hạn như Shibusawa Eiichi hay Matsushi-ta Konosuke của Nhật bản hay Henry Ford của Mỹ...

Được dẫn dắt bởi lợi ích có thể vẫn sẽ thắng trong ngắn hạn, nhưng điều chúng ta cần nhìn nhận là thắng trong một phi vụ hay trong cuộc đời kinh doanh, thắng trong một trận đánh hay trong cả cuộc chiến. Văn hoá là nói về cuộc đời kinh doanh chứ không phải phi vụ hay giai đoạn kinh doanh. Có khi thắng một phi vụ hay trong một một giai đoạn nhưng hậu vận thì thảm bại. Vả lại, văn hóa không chỉ là chân thắng ngăn ta rơi xuống vực sâu, mà còn là chân ga giúp ta vượt qua bao đèo cao.

Ông chủ sạp rau Minh Râu ở khu công nghiệp Biên Hòa II, từng là người giang hồ chia sẻ “làm gì có ai mê tiền hơn tôi” nhưng đã nhiều lần mở các đợt bán rau giá 0 đồng cho công nhân trong nhiều năm qua và quyết không tăng giá rau trong đại dịch vì anh nói “kiếm tiền kiểu đó không được, làm người ai làm thế”.

Mùa dịch, dù chi phí đầu vào tăng nhưng bà Ba Huân vẫn hai lần từ chối lời đề nghị tăng giá trứng vì một câu nói đi vào nhân tâm “dân nghèo mới xài nhiều trứng nên tôi để giá bình ổn tới hôm nay”, “tết sẽ giảm giá để bà con nghèo có nồi thịt kho trứng”. Có lẽ cách nghĩ và cách làm ăn này đã cứu bà qua nhiều cơn sóng dữ trong cuộc đời làm kinh doanh của mình.

Rõ ràng, giá trị của người lãnh đạo sẽ bị thách thức nghiêm trọng khi phải đưa ra các quyết định sống còn. Ở trong bối cảnh hiện nay, dù muốn hay không, các doanh nghiệp muốn phát triển lớn mạnh và bền vững sẽ phải suy ngẫm thấu đáo về điều này, bởi nếu không dựa trên nền tảng căn bản để phát triển thì sớm muộn cũng làm tổn hại đến doanh nghiệp của mình.

Khi khoảng cách về trình độ giữa nhà quản trị của Việt Nam và các nước phát triển đang từng bước được thu hẹp thì việc trở thành nhà lãnh đạo được dẫn dắt bởi giá trị có khó hay không, thưa ông?

TS. Giản Tư Trung: Khó lắm chứ, vì đó là câu chuyện về cách sống và cách làm người. Để hình thành và giữ được giá trị sống của mình trong một môi trường kinh doanh đầy rẫy sự phức tạp, nhiều “chính” nhưng không ít “tà”, thì còn khó hơn.

Cũng giống như, nếu trong trường hợp buộc phải “khiêu vũ với bầy sói” ta cần làm sao để không bị sói ăn thịt, cũng như không trở thành sói mà vẫn là mình thì cái đó mới là nhà lãnh đạo đích thực trong thời đại này.

Theo quan sát của ông, những doanh nghiệp còn trụ vững sau hàng loạt sóng gió trong suốt gần 3 năm qua thường có giá trị gì nổi bật nhất?

TS. Giản Tư Trung: Họ có nội lực, bản lĩnh và tầm nhìn. Và những điều đó dựa trên niềm tin và giá trị vững chãi ở bên trong. Đối mặt với khó khăn, những người bị đào thải đầu tiên thường là những người làm ăn không đàng hoàng tử tế, hay những doanh nghiệp yếu kém. Thất bại trong kinh doanh có nhiều loại nhưng có hai thứ khá phổ biến là thất bại về chiến lược và thất bại về văn hoá.

Trong đó, thất bại về chiến lược có thể dẫn đến mất hết “vốn tài chính”, nhưng “vốn xã hội” thì vẫn còn nguyên, tức là khách hàng và ngân hàng vẫn còn tin mình, nhân viên, đối tác và cộng đồng vẫn còn tin mình. Khi đó mình vẫn có thể làm lại được và thậm chí làm tốt hơn. Còn thất bại về mặt văn hoá thì khó có thể làm lại, vì khi đó không chỉ mất hết vốn về tài chính mà ngay cả vốn xã hội cũng không còn, lấy gì để làm lại.

Để đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Làm thế nào để doanh nhân kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn và bền hơn”, PACE đã dành 2 năm thực hiện khảo cứu thông qua phương pháp điển cứu về các doanh nhân kiếm tiền giỏi nhất cổ kim trên khắp thế giới.

Mặc dù kết quả cho thấy, không doanh nhân nào giống doanh nhân nào, nhưng vẫn có một số điểm chung mang tính phổ quát có thể đúc kết thành nguyên lý và cũng chính là định nghĩa hai chữ “kinh doanh” mà tôi đã đưa ra vào Ngày doanh nhân 13/10 đầu tiên của Việt Nam 18 năm về trước: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”. Do vậy, nếu kiếm tiền mà không dựa trên sự tốt lành thì không phải là kinh doanh mà chỉ là đội lốt kinh doanh mà thôi.

Xin cảm ơn ông!