Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong quản trị nhân sự

Thái Bình - 12:36, 29/10/2022

TheLEADERTrong kỷ nguyên số, các mô hình quản trị nhân sự tại doanh nghiệp sẽ thay đổi. Bức tranh nhân sự sẽ được phác hoạ như thế nào khi các công cụ truyền thông, công nghệ 4.0, Big Data ngày càng bùng nổ? TheLEADER đã có buổi trò chuyện cùng chuyên gia nhân sự Phạm Thu Hiền, giảng viên cao cấp tại EOD Việt Nam để có thêm những góc nhìn thực tế về xu hướng quản trị nhân sự thời kỳ 4.0.

Chuyên gia Phạm Thu Hiền
Chuyên gia Phạm Thu Hiền

Với gần 20 năm trong công tác trong lĩnh vực nhân sự chị có đánh giá như thế nào về xu hướng quản trị nhân sự thời kỳ 4.0?

Chị Phạm Thu Hiền: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong cách quản lý cũng như phát triển của doanh nghiệp. Điều này, tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển trong quản trị nguồn nhân lực ở mỗi doanh nghiệp.

Năm 2020, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trên thị trường. Trong đó, nhân sự là ngành có nhiều biến động hơn cả, đặc biệt nguồn dư cầu lao động quá lớn, bên cạnh đó quy trình làm việc, cách thức quản lý và mô hình quản trị cũng thay đổi khá rõ rệt.

Vậy các xu hướng thay đổi quản trị nhân lực hiện nay là gì? Theo chị, xu hướng nào phù hợp, thực tiễn với doanh nghiệp Việt?

Chị Phạm Thu Hiền: Theo nghiên cứu của Deloitte, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự xuất hiện của thế hệ Z trong lực lượng lao động đã tạo nên những xu hướng mới trong quản trị nhân sự. 

Hiện có 5 xu hướng quản trị nguồn nhân lực đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới: Ứng dụng công nghệ để quản lý hiệu quả công việc; quản lý nhân sự từ xa; thiết kế mô hình tổ chức tương lai; thay đổi tư duy trong thu hút và giữ chân nhân tài; xây dựng văn hóa trao quyền.

Các xu hướng này đồng thời tác động vào vận hành quản lý nhân sự hiệu quả của các doanh nghiệp Việt Nam. Bài toán thu hút và giữ chân nhân tài, tối ưu hóa nguồn lực tổ chức luôn là thách thức cho các doanh nghiệp hiện nay. 

Vì vậy, việc cập nhật các xu hướng thay đổi của quản trị nhân sự đều cần thiết, từ đó giúp cho doanh nghiệp có thể thiết kế ra kế hoạch nhân sự phù hơp với tình hình và yêu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Chuyên gia Nhân sự Phạm Thu Hiền: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong Quản trị Nhân sự” 1

Hiện nay, môi trường và văn hóa doanh nghiệp cũng cởi mở hơn trước, xu hướng trao quyền cho nhân viên được các lãnh đạo quan tâm hơn bao giờ hết. Theo chị "văn hóa trao quyền" có thật sự hiệu quả?

Chị Phạm Thu Hiền: Chúng ta đang sống trong thời đại số hóa thay đổi từng phút và sự biến chuyển trong phong cách lãnh đạo ở các nhà điều hành doanh nghiệp là điều hiển nhiên. 

Nếu trước kia các nhà lãnh đạo thường chú trọng kiểm soát và chỉ huy có phần mang tính quy tắc thì hiện nay khái niệm ấy đã không còn kiên cố và được thay thế bởi một cách thức mới đó là trao quyền. 

Nguyên do bởi các tổ chức đòi hỏi sự năng động, đa dạng, và cần những nhà lãnh đạo trẻ hoặc những mô hình lãnh đạo mới, nhằm bắt kịp “con đường số hóa” để tăng tốc doanh nghiệp. 

Vì vậy, nhiều công ty đã xóa nhòa biên giới của những cấp bậc quản lý truyền thống, trao quyền cho nhân viên nhiều hơn để tạo được những hạt giống lãnh đạo mới thúc đẩy được tổ chức thay đổi phù hợp với kỷ nguyên số. 

Văn hóa trao quyền thật sự được phát huy hiệu quả và là một xu thế tất yếu của mọi doanh nghiệp.

“Yếu tố con người” được chú trọng như thế nào trong kỷ nguyên số, thưa chị?

Chị Phạm Thu Hiền: Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là đội ngũ nhân sự đủ năng lực để thực thi chiến lược kinh doanh. 

Theo Jim Collins: “Chìa khóa của việc đi từ tốt đến vĩ đại là ngay từ đầu tiên, phải tìm và chọn đúng người lên xe, đưa những người không phù hợp ra khỏi xe, từng người phải ngồi đúng chỗ của mình, rồi mới tìm xem nên đi đâu”. 

Việc tìm đúng người, đặt đúng chỗ, đào tạo phát triển cá nhân cũng như tổ chức là vai trò của quản trị nhân lực trong kỷ nguyên số hiện nay.

Vậy công nghệ có hỗ trợ như thế nào trong công tác quản trị nhân sự?

Chị Phạm Thu Hiền: Công nghệ đã giúp doanh nghiệp nâng cấp vận hành hệ thống quản trị nhân sự, ứng dụng tự động hóa, chuẩn hóa và tinh gọn mọi quy trình qua đó nâng cấp trải nghiệm người lao động. Điển hình là xu hướng áp dụng E Learning trong đào tạo và phát triển nhân viên, lưu trữ hồ sơ trực tuyến, xây dựng khung năng lực trên hệ thống…

Việc áp dụng công nghệ chuyển đổi số giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong đánh giá hiệu suất, quản lý đãi ngộ, từ đó tăng động lực làm việc và tăng hiệu quả công việc.

Chuyên gia Nhân sự Phạm Thu Hiền: “Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong Quản trị Nhân sự” 2

Lợi ích của công nghệ là điều ai cũng biết, nhưng để chuyển đổi thành công doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này.

Chị Phạm Thu Hiền: Xu hướng quản trị nguồn nhân lực hiện đại đang tạo ra nhiều thách thức lớn cho doanh nghiệp, nhân viên, ứng viên. Các doanh nghiệp đòi hỏi cao hơn về năng lực của nhân viên và ứng viên. Ngược lại, đội ngũ nhân sự sẽ đòi hỏi cao hơn về môi trường làm việc và quyền lợi cá nhân.

Mô hình và quy trình kinh doanh thay đổi, các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực từ sự cạnh tranh của đối thủ trong việc đón đầu công nghệ. Nguồn nhân sự chưa được đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại trở thành nhược điểm chí mạng gây ảnh hưởng tới hiệu suất công việc, kéo lùi sự phát triển của tổ chức. 

Doanh nghiệp phải bỏ chi phí và nguồn lực để đào tạo nhân viên sử dụng và thích nghi với nền tảng công nghệ khi lắp đặt bất cứ một phần mềm nào. Do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có ngân sách đào tạo và nguồn lực nhân viên kỹ thuật cao.

Bên cạnh đó, là thách thức trong quản lý dữ liệu, hồ sơ nhân sự và thách thức trong quản trị nguồn nhân lực trong thời 4.0. 

Doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc truyền động lực, cảm hứng để nhân sự cống hiến vì tổ chức. Các nhà quản lý phải đảm bảo công bằng và quyền lợi nhân sự trong công ty. Không có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân sự dài hạn theo chiến lược mà chỉ phục vụ nhu cầu ngắn hạn, khiến người tài lần lượt “dứt áo ra đi”.

Giải pháp của chuyên gia để quản trị nhân sự hiệu quả thời kỳ 4.0 là gì?

Chị Phạm Thu Hiền: Vấn đề mấu chốt là doanh nghiệp cần khai thác tối đa tính năng của các ứng dụng công nghệ, phần mềm và kết nối với quản trị nhân sự trong tổ chức một cách hiệu quả. Đó chính là nhiệm vụ quan trọng nhất trong xu hướng quản trị nhân sự của tương lai mà các nhà quản lý cần trang bị từ bây giờ. 

Cụ thể, doanh nghiệp nên chú trọng: Nắm bắt sự bùng nổ công nghệ 4.0; xây dựng chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài; số hóa quy trình làm việc thủ công; quản lý nhân sự bằng nền tảng kỹ thuật số…

Khi chúng ta hoàn thiện được hệ thống công nghệ nền tảng và đầu tư cho đào tạo và phát triển con người, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thành công và phát triển, không chỉ riêng vấn đề chuyển đổi số.

Xin cảm ơn chị!