Lazada, Tiki, Sendo miệt mài đuổi theo Shopee

Việt Hưng - 15:38, 04/09/2020

TheLEADERNếu gom lượng truy cập của 3 trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam trong Quý 2/2020 là Tiki, Lazada Việt Nam và Sendo mới chỉ tương đương Shopee.

Bản đồ thương mại điện tử của iPrice Group trong Quý 2/2020 ghi nhận tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với Quý 1 trước đó.

Tốc độ tăng trưởng này theo iPrice là vượt hơn so với phần lớn các nước lân cận. Cả khu vực Đông Nam Á trong Quý 2 tăng 39%, Singapore tăng 25%, Indonesia tăng 34%.

Tuy nhiên, tổng lượng truy cập vào top 10 website thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam lại giảm nhẹ so với Quý 1. Lazada Việt Nam đã giảm 19% lượng truy cập trung bình so với cùng kỳ 2019, cá biệt trường hợp Sendo.vn giảm tới 47%.

Trong khi đó, Shopee ghi nhận tăng trưởng tới 74% lượng truy cập trong Quý 2/2020. Nếu gom lượng truy cập của 3 trang thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam trong quý này là Tiki, Lazada Việt Nam và Sendo mới chỉ tương đương Shopee.

Lazada, Tiki, Sendo miệt mài đuổi theo Shopee
Lazada, Tiki, Sendo miệt mài đuổi theo Shopee

Theo giới quan sát, kết quả trên không quá bất ngờ khi Shopee hiện cũng đang là đơn vị dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á.

Năm ngoái, theo báo cáo "Tổng kết thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, hướng đến 2020" do iPrice cùng SimilarWeb, App Annie và YouNet Media thực hiện, Shopee Việt Nam dẫn đầu lượng truy cập website, đạt trung bình 33,6 triệu lượt/tháng năm 2019.

Shopee từ một đơn vị thu hút chỉ 7% lượng truy cập website thương mại điện tử trong Quý 3/2017 tại Indonesia nay đã chiếm tới 33% lượng truy cập web thương mại điện tử trên toàn khu vực trong 3 tháng cuối năm 2019.

Ngoài các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi và marketing rầm rộ, thành công của Shopee đến từ việc được hậu thuẫn bởi công ty mẹ là SEA Limited với nguồn lực tài chính hùng mạnh.

Vấn đề mấu chốt của các trang TMĐT hiện gần như chỉ xoay quanh vấn đề tiềm lực tài chính khi mà các doanh nghiệp này đều đang lỗ rất lớn và sẽ tiếp tục lỗ thêm rất nhiều nữa để duy trì vị trí của mình bằng không sẽ phải chấp nhận tay trắng rời cuộc chơi.

Với việc chịu lỗ trên mỗi đơn hàng thì hiện tại khi quy mô giao dịch càng tăng lên thì mức lỗ cùng ngày càng nhiều thêm. Cho tới năm 2019, Shopee đã ghi nhận mức lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 3 năm, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, Shopee lỗ hơn 600 tỷ đồng và đến năm 2018, mức lỗ tăng gấp 3 lên 1.900 tỷ đồng.

Trong bối cảnh SEA Limited đạt doanh thu năm 2019 tăng 152% so với năm ngoái thì Shopee chắc hẳn sẽ còn tiến xa.

Lazada, Tiki, Sendo miệt mài đuổi theo Shopee 1
Shopee còn tích hợp thêm dịch vụ trên ứng dụng Now

Gần đây, để gia tăng sức ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam, Shopee còn tích hợp thêm dịch vụ đặt đồ ăn trên ứng dụng Now - chung công ty mẹ SEA Limited. Ở chiều ngược lại, Now cũng có thể tận dụng được số lượt truy cập khổng lồ từ phía Shopee.

Về phía người dùng, thay vì phải cài cả 2 ứng dụng, giờ đây chỉ cần mở Shopee là họ có thể vừa mua sắm online vừa tiến hành đặt đồ ăn về nhà.