Livesteam từ bán hoa cho tới áo phao, áo rét

Việt Hưng - 10:51, 19/01/2023

TheLEADERTại Xuân Quan, Hưng Yên, nhờ bán hàng livestream mà người dân làng hoa có thu nhập từ 100 triệu đến 200 triệu đồng mỗi năm, gấp 3 lần so với trước.

Tại làng hoa Xuân Quan, Hưng Yên, người nông dân đang tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội để bán hoa Tết. Họ livestream phát sóng trực tiếp trên các nền tảng Facebook, Tiktok ngày càng nhiều và hiệu quả hơn.

Từ những người nông dân vốn chẳng biết gì về công nghệ, chỉ biết bán hàng khi có khách trực tiếp, giờ đây khi chuyển qua livestream, bán hàng trên Facebook, Zalo, khách mua hoa ngày càng đông.

Theo ghi nhận, nhiều người mua đã chốt đơn ngay sau mỗi buổi phát sóng trực tiếp, tiền được chuyển khoản và hàng được vận chuyển tận nơi. Nhờ thế, người dân làng hoa có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng mỗi năm, gấp 3 lần so với trước.

Không chỉ có sản phẩm hoa tươi, livestream bán hàng từ lâu đã là sân chơi của các sản phẩm thời trang, theo nghiên cứu của công ty Criteo. Các sản phẩm như áo polo, váy hoa lần lượt là các sản phẩm được yêu thích và có lượt đơn đặt hàng cao nhất.

Bên cạnh đó, các sản phẩm như: áo khoác phao, áo len, tất áo và phụ kiện mùa thu đông cũng được mua sắm nhiều thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này xảy ra tương tự với lĩnh vực thực phẩm với các mặt hàng như: bia và đồ tươi sống.

Hình thức bán hàng livestream bùng nổ được cho là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Báo cáo phát hành bởi Google, Temasek và Bain & Company tin rằng nền kinh tế số của Việt Nam sẽ sớm đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Livesteam từ bán hoa cho tới áo phao, áo rét
Livesteam từ bán hoa cho tới áo phao, áo rét

Khảo sát thực hiện bởi Ninja Van cho thấy, hiện có khoảng 27% thương nhân cho biết họ sử dụng nền tảng Shopee nhiều nhất cho việc bán hàng livestream. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Facebook (25,5%) và TikTok (22,5%).

Khoảng 1/3 số người được Ninja Van khảo sát cho biết họ yêu thích hình thức bán hàng livestream và dành trung bình tới 6 tiếng mỗi tuần để thực hiện các buổi bán hàng trực tiếp trên các nền tảng bán hàng khác nhau.

Báo cáo lưu ý rằng trung bình, các thương nhân sử dụng hai kênh để bán hàng trực tiếp, điều này có thể giải thích cho sự chênh lệch không đáng kể giữa các nền tảng như: Shopee, Facebook và TikTok.

Hình thức livestream bán hàng từng được Shopee ghi nhận là xu hướng mới trong thương mại điện tử. Trong ngày 12/12, lượng sản phẩm bán ra trong livestream tại sàn này tăng gấp 18 lần so với ngày thường, ghi nhận gần 135 triệu lượt xem suốt sự kiện.

Bên cạnh đó, các thương hiệu trên Shopee Mall ghi nhận số lượng bán ra cao gấp 9 lần ngày thường. Số lượng nhà bán hàng và thương hiệu tham gia bán hàng qua hình thức livestream cũng tăng gấp 4 lần.

Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, nền tảng đang tiếp tục hỗ trợ người dùng, nhà bán hàng và doanh nghiệp tiếp cận với nền tảng thương mại điện tử và cộng đồng thông qua công nghệ.

Điều tương tự được ghi nhận tại ngày hội mua sắm của Lazada, khi xu hướng mua hàng qua livestream tăng mạnh tại thị trường Việt Nam.

Đây là kênh bán hàng được người dùng hào hứng khi vừa được xem review sản phẩm trực tiếp vừa có thêm các ưu đãi giá tốt, voucher và quà tặng độc quyền trong livestream.

"Thông qua đợt mua sắm cuối năm này, chúng tôi ghi nhận các nhu cầu và xu hướng mua sắm nổi bật của người dùng nhằm chuẩn bị hàng hóa cho đợt Tết Nguyên đán sắp tới", bà Kaya Qin, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam và giám đốc Thương mại Tập đoàn Lazada, chia sẻ.