Tài chính
Lỗ hổng thị trường trái phiếu khiến nhà đầu tư cá nhân chịu rủi ro
Phần lớn các TPDN hiện có trên thị trường hiện nay đều là phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng lại được phân phối gián tiếp theo hình thức đại chúng, đẩy rủi ro lớn về phía các nhà đầu tư cá nhân.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển rất mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây về quy mô phát hành và số lượng doanh nghiệp tham gia. Các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo nhưng dường như khi chưa có hậu quả xảy ra thì các nhà đầu tư vẫn không mấy quan tâm đến những rủi ro mà sản phẩm này mang lại.
Chỉ đến khi sự việc 9 lô trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm Tân Hoàng Minh bị huỷ bỏ do “có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ” nhiều người mới nhớ đến những khuyến cáo này.
Không riêng Tân Hoàng Minh, trước đó Apec Group và Tập đoàn VsetGroup bị xử phạt vì chào bán trái phiếu sai quy định, đồng thời thu hồi chứng khoán đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, tính thêm tiền lãi.
Một vài con số sẽ chỉ ra câu chuyện thực sự của “chiếc chìa khoá vàng” huy động vốn mang tên TPDN : chỉ khoảng 8% lượng TPDN phát hành được bán cho các nhà đầu tư cá nhân, gần 60% do ngân hàng, công ty chứng khoán nắm giữ; TPDN chiếm khoảng 46% tổng dư nợ của các doanh nghiệp bất động sản, đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp chưa niêm yết là 8x-10x, doanh nghiệp niêm yết cũng đã 2x-3x.
Nói rõ hơn về TPDN, ông Nguyễn Minh Tuấn – CEO AFA Captital cho biết, hiện trên thị trường trái phiếu có 2 hình thức phát hành là TPDN phát hành riêng lẻ và TPDN phát hành ra công chúng. Đối với mỗi loại hình phát hành sẽ có những quy định, điều kiện riêng.
Cụ thể, để có thể phát hành TPDN ra công chúng, doanh nghiệp phải đảm bảo có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, năm liền trước năm đăng ký phải có lãi, không có lỗ luỹ kế, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, và đặc biệt là có xếp hạng tín nhiệm. Trong khi, điều kiện để phát hành riêng lẻ đơn giản hơn rất nhiều là thanh toán đủ gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 3 năm, tỷ lệ an toàn, BCTC được kiểm toán – đồng nghĩa với việc tính minh bạch không cao.
“Điều này lý giải cho tình trạng toàn thị trường chỉ có 4,6% trái phiếu được tính là TPDN phát hành ra công chúng, còn lại hơn 95% là phát hành riêng lẻ”, ông Tuấn cho biết.
Đó là về phía nguồn cung, còn về phía người mua, cần phân biệt rõ những nhà đầu tư được mua trái phiếu, đối với sản phẩm TPDN phát hành riêng lẻ các nhà đầu tư tham gia phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, còn đối với TPDN phát hành ra công chúng thì nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia mua bán.
Tuy nhiên, nhìn vào những điều kiện chứng minh nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể thấy, rất ít nhà đầu tư có thể đạt được. Thông thường, những nhà đầu tư đủ điều kiện để mua TPDN phát hành riêng lẻ chỉ là các ngân hàng và công ty chứng khoán, số ít là các nhà đầu tư cá nhân.
Thế nhưng, thực tế cho thấy, thông qua kênh phát hành từ các ngân hàng và công ty chứng khoán, TPDN đã được phân phối đến nhà đầu tư cá nhân như đại chúng. Trường hợp doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả nợ, nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp nguy hiểm.
“Điều này dẫn đến một thực trạng là TPDN phát hành riêng lẻ nhưng gần như là phát hành ra công chúng, trong khi điều kiện phát hành là hoàn toàn khác nhau. Phần lớn rủi ro sẽ được đẩy về phía các nhà đầu tư cá nhân”, ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính nhận định.
Nói về tình trạng nhà đầu tư cá nhân vẫn tích cực mua vào TPDN bất chấp những cảnh báo rủi ro, ông Long cho biết, ngân hàng và các công ty chứng khoán có thể khiến nhà đầu tư cá nhân nghĩ rằng, TPDN đã được các tổ chức này kiểm tra, thẩm định về tính an toàn nên mới giới thiệu đến nhà đầu tư, thậm chí là được bảo lãnh. Sự hiểu lầm này có thể khiến nhà đầu tư an tâm hơn và ra quyết định mua trái phiếu.
Cũng theo ông Long, hiện nay lỗ hổng của thị trường này còn nằm ở đặc điểm “3 không” (không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản bảo đảm và không có bảo lãnh thanh toán). Ngay cả khi có tài sản đảm bảo thì cũng theo hình thức “có như không” bởi hầu hết là cổ phiếu của doanh nghiệp phát hành hoặc dự án hình thành trong tương lai.
Đối với các ngân hàng và công ty chứng khoán đây chỉ là các đơn vị cung cấp dịch vụ, quản lý tài sản đảm bảo, hoặc cùng lắm là bảo lãnh phát hành chứ không phải là đơn vị bảo lãnh thanh toán.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi qua sự việc 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh có thể thấy, các đơn vị tham gia như SHB, Vietcombank, BVSC… đều phát đi thông báo với nội dung theo hướng “không liên quan”. Như vậy, nếu có rủi ro là doanh nghiệp không có khả năng trả lại tiền thì các nhà đầu tư “mất trắng”.
Uỷ ban Chứng khoán nhà nước: Trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tập đoàn Sanofi nỗ lực đẩy lùi bệnh cúm mùa
Tập đoàn Sanofi đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức về bệnh cúm và giải pháp tiêm ngừa.
Công nghệ số giải bài toán chuyển đổi xanh
Công nghệ số được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thúc đẩy hiệu quả các giải pháp chuyển đổi xanh.
Phát triển bền vững có tính kế thừa giữa các 'ông chủ' doanh nghiệp
Phát triển bền vững tại nhiều doanh nghiệp xuất phát từ mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ lãnh đạo, nhân sự với nhau, song hành với công nghệ và văn hóa.
Doanh nghiệp nhà nước phải vận hành theo cơ chế thị trường
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường, khi thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Kotler Award Việt Nam 2024 vinh danh nhà tiếp thị xuất sắc
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 nhà tiếp thị kinh doanh, chuyên gia tiếp thị, nhà quản trị chiến lược và doanh nghiệp xuất sắc.
Cú bẻ lái của Hateco Group và dấu ấn của doanh nhân Trần Văn Kỳ
Khởi đầu rồi phát triển mạnh nhờ bất động sản, doanh nhân Trần Văn Kỳ tiếp tục dẫn dắt Hateco Group đầu tư mạnh vào hạ tầng cảng biển.
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.