Loay hoay đối phó với vấn nạn 'tour 0 đồng' của lữ hành Trung Quốc

Kiều Mai - 09:05, 19/09/2018

TheLEADERCác chuyến du lịch giá rẻ dành cho khách Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của các địa điểm du lịch.

Ngành du lịch và khách sạn Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hoà đang hưởng lợi lớn từ sự bùng nổ của khách du lịch Trung Quốc. Nhưng kèm theo đó là sự xuất hiện ồ ạt của các "tour 0 đồng" mà nhà chức trách địa phương loay hoay chưa quản lý được và có thể để lại những hệ luỵ khó lường. 

Năm ngoái có hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng tới 48,6% so với năm trước đó. Trong 8 tháng đầu năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ, với tổng cộng 3,4 triệu lượt, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 1/3 tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Các hãng lữ hành, khách sạn đón khách Trung Quốc mừng ra mặt, nhưng các cơ quan quản lý, thậm chí những người trong ngành du lịch lại lo ngại. Đó là sự xuất hiện trở lại của những "tour 0 đồng". Loại hình du lịch này đầu tiên nở rộ ở Quảng Ninh, rồi sau đó lan đến Đà Nẵng và Khánh Hoà, những địa phương đón khách du lịch Trung Quốc nhiều nhất cả nước. Các chuyên gia cho rằng, nếu không quản lý được loại hình du lịch này thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điểm đến và gây thất thu ngân sách.

Rẻ hoá điểm đến

Các "tour 0 đồng" hiện nay chủ yếu dành cho khách Trung Quốc. Bản chất của loại hình du lịch này là khách hàng sẽ nhận được những chương trình trọn gói có giảm giá lớn, bao gồm chỗ ăn ở, vé máy bay, phương tiện đi lại cũng như người phiên dịch. Đổi lại, ngoài chuyến đi thường lệ tới các nhà hàng, bãi biển, du khách có thể bị đưa tới những cửa hàng đắt đỏ, bị ép buộc hay thậm chí đe dọa để mua sản phẩm với giá cắt cổ. Một phần số tiền từ việc mua sắm đó sẽ chảy từ chủ cửa hàng về các nhà vận hành tour du lịch, bù đắp số tiền cho các tour giảm giá.

Tại Việt Nam, "tour 0 đồng" thường xuất hiện dưới dạng các cửa hàng chỉ bán cho khách Trung Quốc ở một số khu vực nhất định. Các đoàn khách từ Trung Quốc sẽ được đưa vào cửa hàng, có thẻ riêng để mua sắm và chỉ những người này mới được phép ra vào. Những cửa hàng phục vụ khách từ các tour kiểu này thường nằm tại các khu vực khuất, khó phát hiện từ bên ngoài và thậm chí thời gian hoạt động cũng hạn chế.

Nhưng không chỉ Việt Nam, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở châu Á cũng phải đối mặt với vấn nạn mang tên tour giá rẻ. Các công ty lữ hành, chủ yếu là từ Trung Quốc nhận khách với mức giá tour rất rẻ, thậm chí người đặt đôi khi chỉ cần trả tiền vé máy bay còn tất cả chi phí còn lại đều được “khuyến mại”.

Theo thông tin từ South China Morning Post, các nhà chức trách Thái Lan đang gia tăng sức ép lên hình thức du lịch này bởi rất nhiều doanh thu từ các cửa hàng mua sắm chảy trở lại Trung Quốc. Không ít cửa hàng tại đây mặc dù được điều hành bởi người địa phương lại nằm dưới quyền sở hữu của những người chủ Trung Quốc.

Chủ tịch Hội đồng Du lịch Bali Ida Bagus Agung Partha Adnyana ước tính số lượng du khách Trung Quốc đi "tour 0 đồng" tới hòn đảo Bali xinh đẹp của Indonesia có thể lên tới 70% trong tổng số 1,4 triệu lượt khách đến hòn đảo này vào năm ngoái, tạo ra tình trạng đáng báo động mặc dù hiện chưa thể đưa ra con số thống kê cụ thể.

Người dân địa phương mất dần thị phần ngay trên mảnh đất của mình trong bối cảnh các nhóm du lịch Trung Quốc được đưa tới hệ thống cửa hàng thuộc sở hữu hoặc có sự hỗ trợ của người Trung Quốc. Các nhà khai thác du lịch gần như đang "ép" du khách tới các cửa hàng trên mà bỏ qua điểm du lịch văn hóa được Bali cung cấp.

Những du khách này trả tiền thông qua nền tảng thanh toán WeChat của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc tiền không đi Indonesia mà chảy thẳng trở về Trung Quốc.

Tất nhiên những vị khách Trung Quốc vẫn mang lại lợi ích cho Bali khi sử dụng khách sạn, nhà hàng và trả tiền cho tour nhưng tình trạng trên sẽ khiến hình ảnh du lịch địa phương xấu đi, thậm chí là tạo ra một Bali “rẻ tiền”.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại Việt Nam khi khách Trung Quốc phần lớn sử dụng thẻ hay các ứng dụng trực tuyến như Alipay, WeChat khiến dòng tiền không chảy qua hệ thống ngân hàng nội địa, tạo ra tình trạng khó kiểm tra thanh toán, gây thất thu thuế và ngân sách.

Ông Hery Sudiarto, người đứng đầu Ủy ban Trung Quốc của Asita - Hiệp hội của các đơn vị vận hành du lịch Indonesia cho biết những "tour 0 đồng" thực sự tồn tại ở Bali và đây không phải là điều bí mật, Travelwirenews dẫn lời.

Ông cho biết du khách Trung Quốc thường sử dụng chương trình du lịch theo ba cấp độ: thấp, trung bình và cao. Nhưng hiện tại đã xuất hiện nhiều loại hơn, như cao hơn mức cao hoặc thấp hơn mức thấp, thậm chí là rất thấp hay những tour có yêu cầu đặc biệt.

Việc xuất hiện danh mục "rất thấp" tạo ra mối lo ngại bởi lượng khách lớn đi qua các gói du lịch chất lượng kém có thể làm giảm danh tiếng du lịch cao cấp của Bali nói riêng và các địa danh khác nói chung.

Tour du lịch 0 đồng đổ bộ
Tour giá rẻ hay tour 0 đồng có khả năng làm ảnh hưởng tới danh tiếng của các địa điểm du lịch. Ảnh: Kiều Mai

Ở khía cạnh người mua, tour giá rẻ là hình thức mua sản phẩm du lịch với mức giá thấp hơn nhiều mức được niêm yết trước đó hoặc mặt bằng chung của thị trường. Ở góc độ doanh nghiệp, các tour này sẽ là những tour có ít lãi và mức giá được đẩy xuống thấp nhất, tới mức không lãi hay thậm chí là lãi âm. Các nhà vận hành sau đó sẽ đưa khách mua sắm, ăn uống tại địa điểm có sẵn trong hệ thống hay bán thêm chương trình, dịch vụ tại điểm đến nhằm bù lại một phần chi phí đầu vào.

Theo anh Linh Hoàng, người có kinh nghiệm nhiều năm trong vận hành khách sạn và tour cho biết trên thực tế, khi đưa ra những tour giá rẻ như trên, doanh nghiệp sẽ chấp nhận lãi ít hơn hoặc xuất phát từ việc xin được giá tốt từ các nhà cung cấp.

“Doanh nghiệp sẽ có giá tốt trong một khoảng thời gian nhất định như một hình thức flash sale hoặc cam kết với nhà cung cấp về số lượng khách để phòng không bị trống, tạo ra kích cầu”.

“Vào những tháng cao điểm, nhu cầu du lịch tăng cao, giá tour có thể giảm để cạnh tranh nhưng khi đã hết mùa du lịch, những tour giảm sâu hoặc thậm chí 0 đồng sẽ tạo ra một lượng khách, đảm bảo duy trì việc khai thác dịch vụ tại các điểm đến”, anh Hoàng nhấn mạnh.

0 đồng chỉ đúng với những chiến dịch ngắn, khuếch trương một điểm đến hoặc một tuyến du lịch nào đó và hữu hạn. Nếu kéo dài trên diện rộng và có nhiều người tham gia thì chắc chắn đó là một hình thức trá hình.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist đánh giá tour 0 đồng “là hình thức thu hút khách bởi chẳng có công ty du lịch nào lại đi tổ chức tour 0 đồng mãi. Họ sẽ lẩn bằng những dịch vụ khác để có kinh phí chi trả”.

“0 đồng chỉ đúng với những chiến dịch ngắn, khuếch trương một điểm đến hoặc một tuyến du lịch nào đó và hữu hạn. Nếu kéo dài trên diện rộng và có nhiều người tham gia thì chắc chắn đó là một hình thức trá hình”, ông Thắng nhấn mạnh với TheLEADER.

Có thể thấy sự xuất hiện của "tour 0 đồng" và tour giá rẻ xuất phát từ chính sự cạnh tranh gay gắt của thị trường du lịch, đặc biệt là trong thời kỳ cao điểm khi rất nhiều người có nhu cầu đi du lịch và rất nhiều đơn vị cung cấp tour khác nhau.

Trong khi đó, tâm lý người đi mua cũng rất dễ hiểu khi mong muốn lựa chọn được tour du lịch phù hợp với mức giá “dễ chịu” hơn, đặc biệt với những quốc gia có thu nhập trung bình còn thấp như Việt Nam.

Nhìn chung, hình thức tour này vẫn tạo ra nguồn việc làm cho người dân, nguồn thu cho chính quyền và doanh nghiệp địa phương. Khi mùa du lịch kết thúc, những tour này vẫn tạo ra lượng khách nhất định, giúp duy trì ổn định cho các đường bay cũng như hiệu suất khai thác cho dịch vụ của điểm đến.

Hệ luỵ khó lường

Tuy nhiên, việc đổ bộ của khách du lịch từ tour giá rẻ có khả năng tạo ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc còn núp bóng đằng sau các cửa hàng hoặc chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán online khiến thất thu thuế và ngân sách.

Tình trạng trở nên tồi tệ hơn nhiều khi mặt bằng giá chung bị đẩy xuống, khiến không ít đơn vị lữ hành nội địa phải hạ giá tour để cạnh tranh, ảnh hưởng xấu đến bức tranh toàn cảnh của thị trường như bớt xén hành trình tham quan hoặc ép khách mua hàng với giá cao. Nhà chức trách vẫn loay hoay chưa tìm được cách đối phó hữu hiệu vì những tour này do các cá nhân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc phối hợp với đối tác nước sở tại thực hiện và việc kiểm soát mua bán ở các trung tâm thương mại không hề dễ dàng.

Tổng cục Du lịch Việt Nam đánh giá, tour giá rẻ và "tour 0 đồng" là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường và không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đang cố gắng kiểm soát và chấn chỉnh.

Năm 2016, Thái Lan tiến hành điều chỉnh tình trạng "tour 0 đồng" nhưng sau đó không lâu, chi phí tour đã gia tăng mạnh, dẫn tới lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là khách Trung Quốc, khiến thị trường ảm đạm.

Chính phủ Hàn Quốc cũng mạnh tay tước giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp tour 0 đồng nhưng loại hình tour này vẫn không hề giảm nhiệt.

Theo số liệu từ cơ quan Quản lý Du lịch quốc gia Trung Quốc đưa tin bởi Jakarta Post, chỉ tính riêng đợt nghỉ Tết âm lịch 2018, khoảng 6,5 triệu lượt khách Trung Quốc đã tới 730 thành phố thuộc 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo từ Viện Du lịch của quốc gia này cho biết năm ngoái, người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài đạt hơn 130 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2016 và trở thành những người tiêu dùng hàng đầu, chiếm khoảng 20% tổng chi tiêu của khách du lịch toàn cầu.

Những con số trên cho thấy mặc dù xuất hiện tình trạng tiêu cực như "tour 0 đồng", khách Trung Quốc vẫn là nguồn thu lớn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ông Thắng cho rằng, khi làm du lịch cần tính đến bài toán tăng trưởng nhưng “phải tăng trưởng bền vững”, hướng tới thị trường chi trả cao như xu hướng chung của nhiều nước.

“Việt Nam hiện có một cơ sở hạ tầng rất tốt, khách sạn 4 - 5 sao rất nhiều, cảnh quan đẹp và hơn rất nhiều nước trên thế giới. Việc hướng đến dịch vụ cao cấp là điều lợi thế cho Việt Nam bởi chỉ có hướng đến dịch vụ cao cấp mới có được nguồn thu lớn. Trong khi đó, đối với những khách hàng cao cấp, chi phí bỏ ra để phát triển, tôn tạo và phát triển bền vững cũng thấp hơn so với du lịch đại trà”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo ông Thắng, để vấn nạn "tour 0 đồng" không lan rộng gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch và thị trường du lịch, trước hết cần quản lý tốt với các điểm mua sắm để thu ngoại tệ, đẩy cao sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, đảm bảo khách hàng không mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với mức giá “cắt cổ”.

Điều quan trọng hơn hết chính là thái độ ứng xử của cộng đồng với "tour 0 đồng" bởi trên thực tế, sự xuất hiện của hình thức này xuất phát từ chính thị trường đang bị cạnh tranh khốc liệt. Theo đó, du khách là đối tượng tạo ra nguồn thu cho du lịch nên lợi ích chính đáng của họ cần được bảo vệ. Trách nhiệm ở đây không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước mà chính các hãng lữ hành và hướng dẫn viên cũng cần nói không với những hiện tượng tiêu cực của "tour 0 đồng".